GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2: GẤP RÚT NHƯNG HOÀN THÀNH CHƯƠNG TRÌNH ĐỀ RA
KỲ VỌNG CHÍNH SÁCH CHO Y, BÁC SĨ VÀ BỆNH NHÂN SẼ ĐƯỢC QUAN TÂM HƠN KHI LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI) ĐƯỢC THÔNG QUA
ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: 5 NỘI DUNG ĐƯA RA KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2 XEM XÉT ĐỀU TẠO ĐƯỢC SỰ ĐỒNG THUẬN CAO
Từ ngày 05/1 đến 09/1/2023 diễn Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội khóa XV. Đây là Kỳ họp có ý nghĩa quan trọng nhằm xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc sống.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết với sự nhất trí cao thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và thông qua 03 Nghị quyết gồm: (1) Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; (2) Việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024; (3) Việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan và chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.
Đại biểu Trần Văn Lâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.
Đánh giá về những nội dung được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, đại biểu Trần Văn Lâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang cho rằng, các nội dung đều bám sát những vấn đề thiết thực, cấp bách để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống.
Phóng viên: Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội đã xem xét, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và một số Nghị quyết quan trọng. Đại biểu đánh giá như thế nào về những nội dung được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này?
ĐBQH Trần Văn Lâm: Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội khóa XV diễn ra trong một bối cảnh khá cấp bách. Đó là Kỳ họp diễn ra vào đầu năm 2023 dương lịch là thời điểm khởi đầu mọi hoạt động kinh tế- xã hội của Năm mới nhưng lại là cuối năm 2022 âm lịch, sát với Tết cổ truyền của dân tộc nên việc tổ chức họp cũng khá gấp gáp. Đặc biệt, thời gian từ giữa kỳ họp thứ tư đến kỳ họp bất thường này cũng rất ngắn ngủi nhưng các cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ của Quốc hội cũng đã rất nỗ lực để đảm bảo được nội dung trình kỳ họp này.
Đúng như tên gọi, Kỳ họp bất thường lần thứ 2 là giải quyết những vấn đề thực sự cấp bách, cần phải có ý kiến của Quốc hội trong thời gian trước mắt nhằm tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc để phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới. Do vậy, những nội dung được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường này đều bám sát những vấn đề thiết thực, cấp bách để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu Bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2.
Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên Bế mạc Kỳ họp bất thường lần này, việc Quốc hội xem xét, quyết định 5 vấn đề lớn, quan trọng và cấp bách tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 này cũng sẽ góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo.
Phóng viên: Trong những nội dung được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 này, đại biểu dành sự quan tâm đến nội dung nào và cho biết nội dung đó sẽ giải quyết được những khó khăn hiện nay như thế nào?
ĐBQH Trần Văn Lâm: Tại Kỳ họp này, tôi đặc biệt quan tâm đến việc Quốc hội xem xét để thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Với Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đáng lẽ đã được Quốc hội thông qua ở kỳ họp thứ 4. Tuy nhiên, do nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội, cho nên là tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua để cho Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhằm đưa vào kỳ họp bất thường lần này. Theo đó, các đại biểu Quốc hội tiếp tục có ý kiến và Ban soạn thảo cũng giải trình, làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội còn băn khoăn để thông qua.
Về cơ bản, tôi thấy nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội vẫn còn băn khoăn cũng đã được giải quyết trong thời gian từ Kỳ họp thứ 4 cho đến Kỳ họp bất thường lần này. Bằng sự khẩn trương nhưng cũng hết sức thận trọng thì Ban soạn thảo cũng đã rà soát và tiếp thu tối đa những ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như của các chuyên gia.
Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Qua rà soát, không chỉ tôi mà nhiều đại biểu ngành Y tế cho rằng, về cơ bản Luật cũng đã đủ điều kiện để Quốc hội xem xét thông qua. Bởi vì nếu như Quốc hội vẫn còn chần chừ chưa thông qua thì những cái khó khăn trước mắt của ngành Y tế cũng chưa thể giải quyết được và khó khăn lại chồng chất thêm khó khăn. Vì vậy, việc Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp này sẽ giải quyết được những khó khăn và những vấn đề cấp bách của ngành Y tế hiện nay như thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh...
Cần thực hiện kịp thời các Luật, Nghị quyết được thông qua, gắn chặt công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ
Phóng viên: Tại Kỳ họp bất thường này, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò, ý nghĩa như thế nào trong thời điểm hiện nay, thưa đại biểu?
ĐBQH Trần Văn Lâm: Về tầm quan trọng của Quy hoạch tổng thể quốc gia, chúng ta cũng không cần phải bàn cãi nhiều. Bởi vì căn cứ vào đó, chúng ta tiếp tục triển khai các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch các tỉnh. Bản Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng như là một bản thiết kế chung cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới cũng như tầm nhìn đến năm 2050. Chính bởi vậy, bản Quy hoạch tổng thể quốc gia gây được các đại biểu Quốc hội cũng như các cơ quan, ban ngành và Nhân dân đặc biệt quan tâm.
Các đại biểu ấn nút thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quan điểm của tôi, nếu như chúng ta không rà soát, xem xét để ban hành Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thì trong thời gian tới, sự phát triển giữa các vùng, các ngành vẫn còn rất lúng túng theo hướng manh mún. Bởi vì ngay trong các báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ là trong công tác phát triển các vùng thời gian qua của đất nước còn nhiều manh mún. Chúng ta chưa có được sự liên kết, tầm nhìn dài hạn, tổng thể cho nên việc phát triển còn nhiều hạn chế.
Khi chúng ta ban hành Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia, căn cứ vào Kế hoạch tổng thể này thì các địa phương, các vùng, các ngành có được một căn cứ vững chắc để tiếp tục quy hoạch ở những cấp dưới hơn. Bởi nếu chưa có được quy hoạch tổng thể này thì như là khi xây dựng công trình chưa có một bản thiết kế tổng thì rất là khó khăn trong quá trình thực hiện.
Phóng viên: Vậy theo đại biểu, để hiện thực hóa đồng bộ và hiệu quả các quyết sách tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cần chú trọng thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào?
ĐBQH Trần Văn Lâm: Để hiện thực hóa đồng bộ và hiệu quả các quyết sách tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, tôi cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cần tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các Luật, Nghị quyết vừa được thông qua, gắn chặt công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ nhằm bảo đảm thực hiện đúng theo tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh. Điều này cũng đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa nhắc lại trong bài phát biểu Bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!