KỲ VỌNG CHÍNH SÁCH CHO Y, BÁC SĨ VÀ BỆNH NHÂN SẼ ĐƯỢC QUAN TÂM HƠN KHI LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI) ĐƯỢC THÔNG QUA
ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: 5 NỘI DUNG ĐƯA RA KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2 XEM XÉT ĐỀU TẠO ĐƯỢC SỰ ĐỒNG THUẬN CAO
Từ ngày 05/1 đến 09/1/2023 diễn Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội khóa XV. Đây là Kỳ họp có ý nghĩa quan trọng nhằm xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu Bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết với sự nhất trí cao thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và thông qua 03 Nghị quyết gồm: (1) Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; (2) Việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024; (3) Việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan và chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.
Ngoài ra, căn cứ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với 02 đại biểu Quốc hội, phê chuẩn việc miễn nhiệm 02 Phó Thủ tướng Chính phủ và phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục với sự đồng thuận, thống nhất cao.
Các lãnh đạo Quốc hội ấn nút thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Đánh giá và Kỳ họp bất thường lần thứ 2, đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông nêu quan điểm: Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội Khóa XV diễn ra trong một tuần nhưng đã giải quyết nhiều nhiệm vụ căn cơ, được Nhân dân quan tâm, đặc biệt là quyết định kéo dài thời gian thanh toán chế độ cho các y bác sỹ tuyến đầu chống dịch Covid – 19 và thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Có thể nói, đây là thời điểm chín muồi để các nội dung của Luật được thông qua, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách, tạo thuận điều kiện lợi nhất, cũng như thể hiện sự quan tâm của Quốc hội với đội ngũ y bác sỹ.
Trong thời gian Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chưa được Quốc hội thông qua, chúng ta đã thấy được đội ngũ y bác sỹ ngành y tế gặp nhiều khó khăn như thế nào. Vì vậy, khi Luật được thông qua sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, nhất là vấn đề chăm sóc sức khỏe người dân thời kỳ tiếp theo.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 này, các tài liệu phục vụ xem xét các nội dung đều được gửi kịp thời, đầy đủ đến đại biểu Quốc hội. Trong thảo luận ở Tổ, các đại biểu đều rất quan tâm cho ý kiến về các vấn đề được đưa ra thảo luận, đặc biệt có nhiều ý kiến thể hiện chính kiến của đại biểu. Kỳ họp cũng giải quyết nhiều vấn đề Nhân dân quan tâm.
Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội đánh giá cao Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã rất kỳ công để soạn thảo, thẩm tra Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đã rất quan tâm tới việc sửa đổi Luật này.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, mặc dù vẫn còn một số điểm, điều còn phát sinh cần tiếp tục được xem xét kỹ lưỡng nhưng với việc Quốc hội thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã có thể giải quyết được những vướng mắc, bất cập hiện nay. Đặc biệt là đối với vấn đề chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, khám chữa bệnh theo yêu cầu và thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc...
Các đại biểu cho ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và các cơ quan của Quốc hội cũng làm việc rất tích cực
Thông qua Kỳ họp bất thường lần thứ 2, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đánh giá, các cơ quan của Quốc hội đã làm việc khẩn trương, đại biểu Quốc hội làm việc rất nỗ lực. Kỳ họp bất thường lần thứ 2 chỉ diễn ra trong 1 tuần, nhưng Quốc hội làm việc cả ngày nghỉ (thứ Bảy), các cơ quan của Quốc hội làm việc cả Chủ nhật để tổng hợp kịp thời các nội dung, có thể đưa ra biểu quyết thông qua các nội dung tại phiên họp bế mạc.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận thấy, đây là một kỳ họp rất gấp rút nhưng cũng rất thành công. Kỳ họp bất thường lần thứ 2 đã hoàn thành thành công chương trình đề ra. Những nội dung được đưa ra lấy ý kiến, quyết đáp tại Kỳ họp bất thường đều là nội dung quan trọng, cần giải quyết trong trước mắt.
Tại các phiên thảo luận tại Tổ, các đại biểu cho ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm. Các cơ quan của Quốc hội cũng làm việc rất tích cực. Có một số nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận ở phiên họp toàn thể của Quốc hội không nhận được nhiều ý kiến là vì đa số các đại biểu đều thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội. Do vậy, chúng ta có thể yên tâm về những nội dung này. Với thời gian ngắn ngủi của một kỳ họp bất thường, nhưng lại với một nội dung công việc khá lớn và quan trọng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đánh giá, đây là một kỳ họp rất thành công.
Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.
Nhận định về Kỳ họp bất thường lần thứ 2 này, đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, trong số 5 nội dung được đưa ra tại Kỳ họp bất thường này, có 2 vấn đề trọng tâm đòi hỏi Quốc hội sớm xem xét, quyết đáp để phục vụ yêu cầu chính trị-xã hội, phát triển của đất nước cũng như đòi hỏi của thực tiễn. Đó là Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Khi Quốc hội thông qua bản quy hoạch tổng thể quốc gia thì chúng ta mới hình dung ra được bản thiết kế, lộ trình và các bước đi để phân công nhiệm vụ, phối hợp thực hiện cho đồng bộ, khai thác tối đa các nguồn lực của đất nước. Do vậy, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa rất to lớn khi mà lần đầu tiên Quốc hội bàn đến vấn đề này nên chúng ta có được bản quy hoạch tổng thể, để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
Ngoài ra, việc Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng sẽ góp phần giải quyết được những bất cập còn tồn tại trong ngành Y tế cũng như những vấn đề cấp bách trong công tác phòng chống dịch bệnh và khám chữa bệnh hiện nay./.