TỔNG THUẬT SÁNG 07/01: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA: CHÚ TRỌNG ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ VEN BIỂN
Phóng viên: Thưa đại biểu, trong Quy hoạch tổng thể quốc gia Chính phủ đã đưa ra kịch bản tăng trưởng GDP gắn với từng thời kỳ, trong đó cũng đưa ra kịch bản thấp cũng như kịch bản phấn đấu đại biểu có đánh giá như thế nào về những kịch bản này của Chính phủ?
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội: Trong Quy hoạch tổng thể quốc gia có đưa ra phân kỳ giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030. Tôi cho rằng, việc phân kỳ này rất phù hợp. Bởi lẽ, giai đoạn 2021-2025 như một giai đoạn bắt đầu thực hiện các phương án quy hoạch sẽ được đầu tư, hoàn thành và định hình sau giai đoạn 2026-2030 sẽ thể hiện được những kết quả tăng trưởng. Chính vì vậy, trong hai phương án kịch bản đều đặt ra mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 thấp hơn 2026-2030.
Trong hai kịch bản tăng trưởng của Chính phủ, tôi đánh giá cao kịch bản phấn đấu. Bởi vì, giữ ở mức mục tiêu thấp thì chúng ta nhìn thấy không có gì phải cố gắng. Quy hoạch thường được đặt ra như một mô hình, mẫu hình trong tương lai để phấn đấu có yếu tố mang tính kỳ vọng, lãng mạn. Do đó, nếu chúng ta đặt ra mục tiêu kịch bản phấn đấu để cố gắng tìm các nguồn lực, các mô hình thì sẽ đạt được mục tiêu nên đây là mục tiêu cần được phê duyệt.
Ngoài ra, tôi nhận thấy, kinh nghiệm của nhiều nước trong khu vực Châu Á để đạt được một nước chuyển từ thu nhập trung bình thành một nước có thu nhập cao đều phải đạt mục tiêu tăng trưởng như trong kịch bản phấn đấu đưa ra. Nếu chúng ta không đạt được mục tiêu đặt ra sẽ không thể đạt được mục tiêu đến năm 2045 trở thành một nước thu nhập cao, một nước phát triển.
Phóng viên: Xin đại biểu cho biết, việc quy hoạch tổng thể quốc gia cần đảm bảo tính thực thi, khả thi khi thực hiện. Vậy trong quy hoạch lần này nội dung nào đã được thể hiện và tính khả thi đó đã được thực hiện đến đâu?
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội: Tôi nhận thấy, trong quy hoạch lần này có rất nhiều điểm được thể hiện rõ các mục tiêu chiến lược chuyển thành những mô hình tăng trưởng. Tôi đánh giá cao việc phân bố về phát triển không gian, đặc biệt về không gian biển. Phát triển không gian biển được đề cập trong quy hoạch này gần như một đổi mới về mặt tư duy, để chuyển phát triển kinh tế từ việc khai thác các tiềm năng, nội tại trong đất liền sang hướng phát triển dựa vào kinh tế biển. Có lẽ phải đặt mục tiêu lấy kinh tế biển trở thành một khâu đột phá để tạo sự phát triển nhảy vọt cho tăng trưởng kinh tế.
Tôi nhất trí với nội dung đưa ra trong dự thảo quy hoạch “phải xây dựng Việt Nam lấy kinh tế biển trở thành nơi để làm giàu, trở thành nơi để phát triển hùng cường” chính sự phát triển kinh tế biển sẽ tạo vị thế khác biệt của Việt Nam trên trường quốc tế.
Phóng viên: Qua dự thảo cho thấy, liên quan tới kinh tế biển gắn với các ngành nghề thế mạnh và tiềm năng như năng lượng tái tạo, chế biến vẫn chưa được thể hiện đậm nét trong quy hoạch lần này. Vây ý kiến của đại biểu thế nào về vấn đề này?
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội: Tôi cho rằng, bản quy hoạch lần này gần như một báo cáo đầu tiên, nhưng khá toàn diện được thể hiện rõ quan điểm, hướng đi vươn ra biển, trong đó cũng có những quy hoạch khá cụ thể cho 4 vùng kinh tế dọc theo bờ biển từ Bắc vào Nam. Đồng thời, có những phương án quy hoạch khai thác tiềm năng của các quần đảo, nguồn lực, nguồn lợi về tài nguyên dưới đáy biển cũng như tài nguyên về mặt nước.
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội
Tuy nhiên, những thế mạnh của kinh tế biển Việt Nam, mang tính chất nổi trội, tạo những bước đột phá, tạo các yếu tố có thể cạnh tranh thế giới. Ví dụ: tiềm lực về vấn đề liên quan đến vị thế hàng hải của kinh tế biển; tiềm năng du lịch của những bãi biển Việt Nam được gọi là bãi biển đẹp nhất hành tinh vẫn; hướng phát triển kinh tế biển gắn với các yếu tố biến đổi khí hậu, những ngành công nghiệp phát triển để làm dịch vụ hậu cần cho kinh tế biển cũng chưa được rõ nét trong báo cáo này.
Phóng viên: Theo đại biểu chúng ta cần nêu rõ hơn những yếu tố nào để kinh tế biển có thể phát huy được giá trị?
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội: Tôi mong rằng, khai thác tiềm năng kinh tế biển phải làm nổi bật lên những ngành được gọi là trụ cột, những ngành thực sự thế mạnh ví dụ: Phải thể hiện rõ mô hình quy hoạch phát triển không phải chỉ là các cửa ngõ quốc tế như trong phương án đề ra, mà trở thành các cảng quốc tế, có sức cạnh tranh với các cảng quốc tế trong khu vực.
Tôi nhận thấy, về vấn đề du lịch Việt Nam được mệnh danh có nhiều bãi biển đẹp là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh. Có được tiềm năng lợi thế về khí hậu, ẩm thực rất phong phú, hấp dẫn.
Tôi cho rằng, 8 khu kinh tế ven biển vừa qua phát triển rất hiệu quả và đóng góp tích cực cho các vùng kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hậu cần biển như công nghiệp chế biến, khai thác năng lượng tái tạo ở biển chưa nổi trội. Do đó, tôi cho rằng, cần phải nhấn mạnh vào những thế mạnh, tập trung để thu hút các nguồn lực đầu tư và tạo ra thế mạnh cho phát triển kinh tế biển.
Phóng viên: Trong bối cảnh tình hình mới cũng như bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay Việt Nam phải ứng phó rất nhiều về biến đổi khí hậu. Vậy theo đại biểu chúng ta cần phải tính toán yếu tố cụ thể và có chiến lược dài hạn như thế nào để dự báo gắn với biến đổi khí hậu?
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng Việt Nam là nước nằm dài ven biển nên chịu tác động mạnh. Tôi cho rằng, nếu chúng ta có phương án để thích ứng sẽ trở thành một thế mạnh. Do vậy, quy hoạch về phát triển các vùng ven biển không chỉ quy hoạch lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ mà phải quy hoạch về phát triển nông nghiệp, phát triển thủy sản. Chúng ta phải biến những vùng ven biển trở thành vùng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt chúng ta đang có thế mạnh rất lớn về xuất khẩu thủy sản, nuôi trồng. Như vậy, chúng ta có phương án quy hoạch tốt những vấn đề này thì không e ngại tác động của nước biển dâng mà trở thành tác động tích cực cho phát triển kinh tế của các vùng ven biển và tạo ra được tiềm năng, thế mạnh của đất nước.
Tôi cho rằng, trong cái kịch bản về quy hoạch tổng thể quốc gia phải thể hiện rõ những đường hướng lớn, lĩnh vực cần ưu tiên, mô hình phát triển để dựa trên cơ sở đó khi xây dựng quy hoạch phát triển của ngành, các địa phương, các vùng để cụ thể hóa định hướng trong giai đoạn này.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!