ĐBQH TRẦN THỊ HỒNG THANH: QUY HOẠCH CẦN CỤ THỂ HÓA CÁC MỤC TIÊU VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ, KINH TẾ XANH, KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

07/01/2023

Thảo luận tại hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị quy hoạch cần chỉ rõ, cụ thể hóa hơn nữa các mục tiêu về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ, vừa là để ghi nhận những kết quả đã đạt được, vừa thể hiện quyết tâm phấn đấu rõ ràng hơn, tận dụng tốt xu hướng nguồn lực trong những lĩnh vực tiềm năng này.

TỔNG THUẬT SÁNG 07/01: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Quy hoạch cần chỉ rõ, cụ thể hóa hơn nữa các mục tiêu về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình 

Góp ý vào nội dung này, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đánh giá cao tinh thần quyết tâm, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm bù đắp khoảng trống quy hoạch tổng thể quốc gia dài hạn, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quan điểm phát triển của Đại hội Đảng lần thứ XIII, các Nghị quyết, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đại biểu ấn tượng nhất là sự bài bản, cầu thị của việc xây dựng quy hoạch thông qua việc trao đổi, tiếp thu ý kiến nhiều lần của Hội đồng thẩm định các Bộ, ngành trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, học tập kinh nghiệm quốc tế.

Do vậy, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhấn mạnh, Quy hoạch trình Quốc hội đã thể hiện đầy đủ nội dung theo yêu cầu của Luật Quy hoạch một cách có hệ thống trên cơ sở đánh giá thực trạng quốc gia, tuân thủ các định hướng, chiến lược phát triển có liên quan.

Để quy hoạch đảm bảo triển khai thực hiện thống nhất, phù hợp hơn nữa với hiện trạng và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị quy hoạch cần chỉ rõ, nhấn mạnh, cụ thể hóa hơn nữa các mục tiêu về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ, vừa là để ghi nhận những kết quả đã đạt được, vừa thể hiện quyết tâm phấn đấu rõ ràng hơn để tận dụng tốt xu hướng nguồn lực trong những lĩnh vực tiềm năng này.

Dẫn chứng về những kết quả ban đầu khá ấn tượng của nước ta về phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo và nỗ lực giảm phát thải dòng trong giai đoạn 2020-2022, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho biết, theo một nghiên cứu quốc tế gần đây, kinh tế Internet của Việt Nam năm 2022 đứng thứ 3 ASEAN sau Indonesia và Thái Lan với quy mô là 23 tỷ USD, khoảng 6,3% GDP, tăng 28% so với năm 2021.

Việt Nam tăng 7 bậc về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo toàn cầu, đứng thứ 55 trên 181 thế giới và thứ 6/10 Asian. Số lượng người mua sắm trực tuyến đạt 60 triệu, đứng thứ 2 Asian về tỷ lệ so với dân số sau Singapore. Việt Nam cũng xếp hạng 70 trên thế giới và thứ 14 trong số 50 quốc gia châu Á về công nghệ, tài chính…

Với những kết quả đó, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị trong quy hoạch nên xem xét, nhấn mạnh tầm nhìn đến năm 2050 là: Việt Nam thuộc nhóm các nước phát triển kinh tế số và công nghệ, tài chính hàng đầu khu vực châu Á cũng là phù hợp với Nghị quyết Đại hội 13 về kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Xem xét bổ sung chỉ tiêu về doanh nghiệp trong phát triển kinh tế số

Về mục tiêu cụ thể, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị nên xem xét, điều chỉnh một số mục tiêu.

Quang cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Thứ nhất, mục tiêu “phấn đấu từ 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế” nên điều chỉnh thành: “phấn đấu có 5-10 đô thị xanh thông minh đạt tiêu chuẩn quốc tế”.

Hiện nay chúng ta đã, đang xây dựng và triển khai đề án đô thị thông minh. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, các tiêu chuẩn về thành phố xanh thông minh sẽ cần cập nhật, điều chỉnh, bổ sung phù hợp hơn với tiêu chuẩn quốc tế, tập trung vào chất lượng, tiêu chuẩn sống hơn là quy mô thương hiệu. Đồng thời việc phát triển kết hợp giữa xanh và thông minh, thể hiện mức độ cao hơn, phù hợp hơn với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh theo Quyết định số 1658 ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tác động tiêu cực tới môi trường, giảm phát thải nhà kính và nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ hai, xem xét bổ sung chỉ tiêu về doanh nghiệp trong phát triển kinh tế số: Đó là số lượng doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%-20% trong giai đoạn 2021-2030 và tăng 5%-10%/năm đến năm 2050 nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp vốn đang tiến triển chậm, chưa đạt kỳ vọng.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng, việc gia tăng số lượng doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới công nghệ thành công sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm, dịch vụ nền tảng số của Chính phủ, tổ chức và người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số.

Về tăng tính độc lập, tự lực, tự cường, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, đại biểu nhận thấy, đây là mục tiêu phù hợp với bối cảnh mới hiện nay và sắp tới, nhất là sau dịch bệnh, xung đột vũ trang, chúng ta đã thấy vai trò quan trọng của những năng lực này. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề xuất Việt Nam có thể đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2050 là năng lực tự chủ, tự cường và sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam đạt trình độ tương đương các nước phát triển trong khu vực ASEAN hoặc Châu Á, bao gồm cả đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh chuỗi cung ứng.

Cùng với việc đưa ra các mục tiêu dài hạn, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh kiến nghị Chính phủ và các cơ quan điều hành, các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế sớm nghiên cứu hoàn thiện Bộ chỉ tiêu đánh giá tính tự chủ, tự cường và sức chống chịu của nền kinh tế theo tiêu chuẩn quốc tế.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Đảm bảo tính phù hợp, nhất quán giữa quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng

Thứ ba, về phát triển vùng và liên kết vùng, đại biểu đề nghị nên chú trọng đảm bảo tính phù hợp, nhất quán giữa quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, cực tăng trưởng. Về quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, định hướng phát triển, bổ sung thêm một số chỉ tiêu về phát triển xã hội, môi trường của từng vùng.

Ngoài ra, bổ sung mục tiêu liên kết phát triển vùng toàn diện, hiệu quả là một trong những mục tiêu quan trọng trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030. Theo đó đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp về liên kết trong nội vùng và giữa các vùng, không chỉ liên kết về giao thông mà còn liên kết về phát triển công nghiệp chế tạo, dịch vụ, logistic, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số theo hướng phát huy tối đa lợi thế vượt trội, đặc trưng của từng vùng miền

Thứ tư, về giải pháp nguồn lực thực hiện quy hoạch, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng, hiện tại dự thảo đang chưa phân tích rõ các nguồn lực cần để thực hiện quy hoạch và các giải pháp để khai thác hiệu quả tối ưu các nguồn lực. Đồng thời các giải pháp cũng chỉ mới nêu ở mức tổng quan, sơ bộ, chưa chi tiết, cụ thể.

Vì vậy, đại biểu đề nghị bên cạnh nguồn lực về cơ chế chính sách khoa học công nghệ, nguồn nhân lực như dự thảo thì cần nghiên cứu, xem xét bổ sung các nguồn lực để thực hiện quy hoạch như hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống hạ tầng bao gồm cả hạ tầng số, hạ tầng kinh tế tuần hoàn, hạ tầng bảo vệ môi trường, hạ tầng an ninh mạng.

Đồng thời giao Chính phủ xây dựng hệ thống giải pháp chi tiết hơn, đầy đủ, rõ ràng hơn đối với từng nguồn lực có gắn với việc phát triển các thị trường cho các yếu tố đầu vào của sản xuất kinh doanh như thị trường khoa học công nghệ, thị trường lao động, thị trường đất đai, thị trường tài chính, thông tin dữ liệu số, góp phần đảm bảo tính khả thi trong triển khai quy hoạch./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác