QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ
Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội vừa tiến hành thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Đóng góp ý kiến về dự án Luật này, đại biểu Tráng A Dương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự, nhằm tạo khung pháp lý chung cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, nhằm đảm bảo tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, cũng như việc nâng cao năng lực phòng thủ dân sự, góp phần giảm thiểu thiệt hại, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh gây ra, đảm bảo an ninh, an toàn cho đất nước khi tình huống xảy ra. Đại biểu Tráng A Dương góp một số ý vào dự thảo Luật cụ thể như sau:
Thứ nhất, về nội dung hợp tác quốc tế trong phòng thủ dân sự, quy định tại Điều 8 của dự thảo luật. Điểm a khoản 1 Điều 8 có nêu "nguyên tắc hợp tác quốc tế bảo đảm tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, tuân thủ điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên". Để thống nhất, phù hợp với quan điểm tại Nghị quyết số 22 ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo, đề nghị chỉnh sửa lại điểm a khoản 1 Điều 8 như sau: "Đảm bảo cao nhất quyền lợi quốc gia, dân tộc, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị, tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên".
Đại biểu Tráng A Dương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đề nghị nên quy định hỗ trợ bảo hiểm cho các khu vực thường xuyên xảy ra thảm họa, sự cố từ cấp 3 trở lên.
Về nội dung các hành vi nghiêm cấm được quy định tại điểm 9 dự án Luật. Xuất phát từ thực tiễn trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong phòng thủ dân sự có ý nghĩa quan trọng, nếu như thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến chỉ đạo, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ thiếu sâu sát, không kịp thời, không huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, có thái độ thờ ơ, vô cảm trước sự nguy hiểm của các sự cố, thiên tai sẽ dẫn tới nguy cơ hậu quả nghiêm trọng trong các việc cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả. Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm hành vi nghiêm cấm là "thiếu tinh thần trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy cơ quan, người có thẩm quyền và trách nhiệm trong phòng thủ dân sự".
Về nội dung diễn tập phòng thủ dân sự được quy định tại khoản 2 Điều 16. Cơ quan quân sự các cấp tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ có nội dung phòng thủ dân sự: "b. Các bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương trên địa bàn thực hiện diễn tập phòng thủ dân sự theo kế hoạch của địa phương". Đại biểu Tráng A Dương đề nghị xem xét bổ sung nội dung quy định về thời gian tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự, thời gian diễn tập chia theo cấp độ thảm họa, sự cố, quy định số lượng các cuộc diễn tập phòng thủ dân sự nhằm đảm bảo tính sẵn sàng, chủ động và hiệu quả trong công tác phòng, chống thảm họa, sự cố, hạn chế việc hạn chế việc bị động, lúng túng hoặc tiêu cực trong ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố xảy ra.
Về nội dung điều động, huy động lực lượng, phương tiện quy định tại khoản 4 Điều 23 trong dự thảo về trường hợp khẩn cấp được huy động người, vật tư, phương tiện để khai thác biện pháp hoạt động phòng thủ dân sự. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa làm rõ về tính bắt buộc về huy động người hoặc phương tiện được huy động có quyền từ chối tham gia hay không, trường hợp nào thì được từ chối và trường hợp nào là bắt buộc. Do đó, đại biểu Tráng A Dương đề nghị cơ quan dự thảo bổ sung dự thảo các quy định cụ thể như sau:
Phân loại các trường hợp huy động con người, vật tư, phương tiện theo các mức độ không bắt buộc và bắt buộc. Đối với trường hợp huy động bắt buộc, nếu người hoặc có vật tư, phương tiện từ chối tham gia thì cần bổ sung quy định về chế tài, bổ sung quy định về các trường hợp hoặc chủ tài sản được huy động từ chối tham gia với lý do chính đáng thì được sự đồng ý của người huy động đi kèm với việc bổ sung quy định trường hợp gian dối hoặc che giấu thông tin khi đưa lý do từ chối để tham gia.
Về nội dung bảo hiểm rủi ro thảm họa và sự cố quy định tại Điều 47 trong dự thảo luật. Khoản 3 Điều 47 quy định kinh phí hỗ trợ bảo hiểm được đảm bảo từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các quỹ phòng thủ dân sự. Theo tôi quy định hỗ trợ phí bảo hiểm như dự thảo luật là chưa cụ thể, không khả thi với nguồn quỹ có hạn, trong khi đây là phí bảo hiểm rủi ro cần phải có nguồn kinh phí rất lớn. Do đó, cần phải quy định một cách cụ thể trong trường hợp nào thì được hỗ trợ bảo hiểm rủi ro do thảm họa, sự cố, ví dụ như cấp 4 hay cấp 3 trở lên. Nếu như chỉ quy định phí bảo hiểm chung cho tất cả các đối tượng như dự án Luật thì e rằng không đủ nguồn lực để thực hiện. Đại biểu Tráng A Dương đề nghị nên quy định hỗ trợ bảo hiểm cho các đối tượng khu vực thường xuyên xảy ra thảm họa, sự cố từ cấp 3 trở lên. Quy định như vậy sẽ đảm bảo tính kinh phí hỗ trợ, đảm bảo chính sách an sinh xã hội theo quy định.
Liên quan đến nguồn kinh phí hỗ trợ đảm bảo cho các đối tượng, dự thảo quy định ngân sách nhà nước và từ Quỹ phòng thủ dân sự. Tuy nhiên, tại Điều 44 dự thảo luật quy định về quỹ của phòng thủ dân sự chưa có quy định. Để cập nhật nội dung hỗ trợ bảo hiểm rủi ro thảm họa, sự cố, đề nghị Ban soạn thảo rà soát và bổ sung, đồng thời quy định rõ về Quỹ phòng thủ dân sự. Tại khoản 2 Điều 44 dự thảo luật quy định sử dụng quỹ hỗ trợ các hoạt động phòng thủ dân sự và ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động như cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh, các nhu cầu cấp thiết khác; hỗ trợ tu sửa nhà, làm nhà ở, cơ sở y tế, trường học. Quy định như vậy tôi cho là trùng với nội dung chi thứ nhất, hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu tất yếu đã được sử dụng trong Quỹ dự trữ quốc gia.
Ngoài ra, việc hỗ trợ tu sửa, làm nhà, cơ sở y tế, trường học... trùng với các nội dung chi của ngân sách nhà nước. Tại điểm a khoản 2 có quy định nội dung các nhu cầu cấp thiết khác quy định nội dung chi này có phạm vi rộng và rất khó xác định. Vì vậy, đại biểu Tráng A Dương đề nghị nghiên cứu, cân nhắc nội dung này đưa vào các nội dung Quỹ phòng thủ dân sự và tôi đề nghị Quỹ phòng thủ dân sự được thành lập để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ không trùng với các nội dung ngân sách nhà nước chi, không trùng với các quỹ khác và phải có quy định về tổ chức, quản lý quỹ thật cụ thể./.