ĐBQH NGUYỄN THỊ THU HÀ: CẦN ĐÁNH GIÁ ĐẦY ĐỦ, THÁO GỠ KHÓ KHĂN TRONG TRIỂN KHAI PHIÊN TÒA TRỰC TUYẾN

09/11/2022

Tham gia phát biểu ý kiến về các báo cáo công tác tư pháp tại Kỳ họp thứ 4, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị Tòa án nhân dân tối cao đánh giá đầy đủ hơn về kết quả thực hiện phiên tòa trực tuyến, đặc biệt những khó khăn, bất cập hiện nay để có giải pháp tháo gỡ, thực hiện đồng bộ.

TỔNG THUẬT CHIỀU 09/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Triển khai phiên tòa trực tuyến là đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống tòa án

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cơ bản đồng tình, thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về tình hình, kết quả công tác tư pháp, xét xử, thi hành án. Bày tỏ quan tâm tới nội dung đánh giá kết quả bước đầu về việc triển khai phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội ngày 22/11/2021, đại biểu nhấn mạnh, việc triển khai phiên tòa trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống tòa án.

Theo đại biểu, ngay sau khi nghị quyết được ban hành, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan như Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp ban hành thông tư hướng dẫn, nhiều văn bản, kế hoạch tổ chức phiên tòa trực tuyến. Từ khi Thông tư liên tịch số 05 ngày 15/12/2021 giữa các cơ quan quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến được ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/2/2022 đến nay, sau 11 tháng đã có 662 tòa án, trong đó có tòa 33 tòa án nhân dân cấp cao, 62 tòa án nhân dân cấp tỉnh và 557 tòa án nhân dân cấp huyện đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 3.614 vụ án.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Đại biểu cho biết, các phiên tòa xét xử trực tuyến được lên kế hoạch, chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo các điểm cầu hình ảnh, âm thanh rõ ràng, những người tiến hành tố tụng thực hiện đúng trình tự, thủ tục. Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã nêu rõ ưu điểm trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến như việc hạn chế được tập trung đông người, lây lan dịch bệnh, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, đặc biệt là việc trích xuất bị cáo đến trụ sở tòa án để xét xử, hạn chế việc người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa vì lý do di chuyển xa.

Đại biểu cho rằng, việc triển khai phiên tòa trực tuyến còn đem đến một số kết quả nổi bật như: Giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể xảy ra cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, có thể phát sinh từ việc đi lại, di chuyển hồ sơ, vật chứng đến địa điểm mở phiên tòa, nhất là đối với các phiên tòa phúc thẩm của tòa cấp cao, tạo điều kiện để đông đảo người dân quan tâm vụ việc có thể theo dõi quá trình xét xử mà không bị giới hạn số lượng bởi phòng xử án thông thường, nâng cao khả năng tiếp cận công lý, giảm các thủ tục và chi phí không cần thiết cho người dân. Các phiên tòa được ghi hình, có âm thanh, lưu trữ hình ảnh, đảm bảo trích cứu khi cần thiết. Các phiên tòa trực tuyến của các tòa án được kết nối trực tiếp với Trung tâm giám sát điều hành hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc theo dõi, giám sát cũng như tư vấn tại các phiên tòa.

Còn khó khăn về cơ sở vật chất trong triển khai phiên tòa thực tiễn

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho biết, từ thực tiễn tại địa phương, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến còn có những bất cập, khó khăn. Một số nơi cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ, cán bộ, công chức của tòa án phải tận dụng những thiết bị sẵn có tại cơ quan, kể cả của cá nhân để phục vụ việc xét xử trực tuyến, chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu tại Quyết định số 50 hướng dẫn về trang bị, lắp đặt thiết bị phục vụ tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến cho phòng xử án của tòa án nhân dân các cấp. Tại một số điểm cầu cấp huyện đôi lúc vẫn bị gián đoạn vì lỗi kỹ thuật, chi phí thuê thiết bị, đường truyền để xét xử trực tuyến hằng tháng là khá cao, dẫn đến tăng áp lực về kinh phí cho các đơn vị.

Toàn cảnh phiên họp

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho biết, trong số các vụ án được xét xử trực tuyến, số vụ án hình sự chiếm tới 82,7%. Các vụ án hành chính dân sự chưa được tổ chức xét xử trực tuyến, do các phiên tòa này thường phức tạp, nhưng cũng có những nguyên nhân do một số quy định pháp luật về xét xử trực tuyến chưa có hoặc chưa đầy đủ, dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng còn lúng túng trong tổ chức triển khai, như chưa có quy chế phối hợp với cơ sở giam giữ; chưa có quy định thủ tục tiếp nhận, bàn giao tài liệu, chứng cứ; chưa có quy định về trình tự, thủ tục ghi âm, ghi hình có âm thanh, bảo quản dữ liệu điện tử, giao nhận, bàn giao bị cáo tại phiên tòa.

Từ những kết quả và thực tiễn nêu trên, để đảm bảo thực hiện Nghị quyết số 33 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, đại biểu đề nghị Tòa án nhân dân tối cao cần đánh giá đầy đủ hơn về kết quả thực hiện phiên tòa trực tuyến, đặc biệt những khó khăn, bất cập hiện nay trong việc thực hiện để có giải pháp thực hiện đồng bộ.

Cùng với đó, đại biểu cho rằng, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao cần quan tâm phát huy hiệu quả của tòa án điện tử, trợ lý tòa án ảo, khai thác có hiệu quả kho dữ liệu lớn của Tòa án nhân dân tối cao, cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ cho công tác xét xử. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị xét xử trực tuyến cho hệ thống Tòa án nhân dân các cấp, đảm bảo đồng bộ về công nghệ, đường chuyền theo đúng yêu cầu kỹ thuật của Tòa án nhân dân tối cao.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về xét xử trực tuyến như đã nêu ở trên. Xây dựng quy định pháp luật về tổ chức đối thoại, hòa giải trực tuyến cũng như các quy định về xét xử trực tuyến đối với các vụ án hành chính dân sự.

Hồ Hương