Cho ý kiến về tình hình kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về tệ nạn ma túy, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nêu rõ, theo báo cáo của Chính phủ, công tác đấu tranh với tội phạm về ma túy đã đạt được những kết quả tích cực. Đó là phát hiện được 24.383 vụ, 38.489 đối tượng tội phạm về ma túy, khởi tố 23.624 vụ, 32.757 bị can, thu giữ 648,91kg heroin, 2.005kg và hơn 2,542 triệu viên ma túy tổng hợp, 110,6kg thuốc phiện, 543,82kg cần sa.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau dịch COVID-19, phát hiện nhiều đường dây ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam có tuyến đường bộ chủ yếu từ hướng Lào, Campuchia, đường hàng không, chuyển phát nhanh từ một số nước châu Âu. Số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút hít sang tiêm chích, uống, ngậm ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần, v.v.. Đặc biệt, theo thông báo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy thời gian qua trên thế giới và Việt Nam xuất hiện 2 dạng ma túy núp bóng, pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử thảo mộc.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân chỉ rõ, loại thứ nhất là thực phẩm bánh kẹo có chứa chất ma túy được sản xuất, đóng gói có phép của cơ quan chức năng ở một số nước trên thế giới. Trong thời gian qua, các đối tượng lén lút mang vào Việt Nam phát tán, sử dụng dẫn đến ngộ độc như ở Hạ Long, Quảng Ninh. Loại thứ hai là ma túy được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống.
Bên cạnh đó, nhiều loại ma túy núp bóng khác như nước vui, nước biển, nước xoài, nước nho, trà chanh, bánh cần, bánh lười…chứa cần sa, tinh dầu thuốc lá điện tử hoặc một số dạng khác là ma túy núp bóng thảo mộc dạng cỏ Mỹ. Đặc biệt, các đối tượng trong vụ án thông qua mạng xã hội Zalo, Telegram liên kết với nhau hình thành các nhóm tội phạm mua, bán trái phép chất ma túy ở các địa bàn khác nhau. Hình thức giao dịch chủ yếu thông qua hệ thống vận chuyển hàng hóa bằng ship COD, phần mềm, v.v.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nhấn mạnh, giờ đây ma túy hiện diện khắp nơi, nhiều dạng khác nhau, bằng các thủ đoạn tinh vi, các đối tượng thuận tiện trong giao dịch mua, bán. Trước thực trạng trên, đại biểu đề nghị cần được thể hiện trong báo cáo, cần có đánh giá cụ thể, phân tích kỹ nguyên nhân để từ đó có giải pháp quyết liệt, triệt để, đảm bảo phù hợp với tình hình tội phạm ma túy hiện nay, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Đại biểu Phạm Đình Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum
Đại biểu Phạm Đình Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum chia sẻ, qua khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và dư luận xã hội cho thấy cử tri rất đồng thuận, ủng hộ các cơ quan bảo vệ pháp luật là đẩy mạnh trấn áp tội phạm ma túy và đã kéo giảm tội phạm về ma túy. Nhưng cử tri cũng rất lo lắng trước việc phát hiện nhiều đường dây ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam qua tuyến đường bộ, đường hàng không, chuyển phát nhanh. Tội phạm và tệ nạn về ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau dịch COVID-19, việc quản lý người nghiện ma túy ở ngoài xã hội còn nhiều bất cập, kết quả công tác cai nghiện còn hạn chế. Tội phạm do người nghiện ma túy gây ra, nhất là hành vi phạm tội của số đối tượng sử dụng ma túy trái phép bị loạn thần, ngáo đá trong một số vụ án hình sự là hết sức nguy hiểm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây lo lắng, bất an trong xã hội.
Xuất phát từ thực trạng trên, đại biểu Phạm Đình Thanh kiến nghị Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan tư pháp và chính quyền các tỉnh, thành phố cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và nâng cao hiệu quả đấu tranh, triệt phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, tội phạm có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài. Cùng với đó, cần chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ hơn về công tác cai nghiện ma túy và biện pháp quản lý người nghiện ma túy ở địa phương, nhất là đối với số người nghiện ma túy đang ở ngoài cộng đồng, thực hiện chặt chẽ, hiệu quả công tác theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tội phạm do người nghiện ma túy gây ra.
Đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
Đồng tình với các đại biểu, đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh có chung nhận định tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau đại dịch COVID-19. Số người nghiện ma túy vẫn ở mức cao, độ tuổi dưới 30 tuổi chiếm 39,4% và có xu hướng ngày càng trẻ hóa, ngày càng tăng người sử dụng ma túy tổng hợp. Phát hiện nhiều đường dây ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam qua tuyến đường bộ, đường hàng không.
Theo đại biểu, trong khi đó, việc bố trí kinh phí chưa đảm bảo cho công tác phòng chống ma túy, điều kiện, cơ sở vật chất của các cơ sở cai nghiện ma túy chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay.... Đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm tăng cường các giải pháp phòng, chống ma túy, tập trung các nguồn lực cho các địa phương thực hiện các hoạt động triệt xóa các tụ điểm ma túy. Song song với công tác tuyên truyền, tập trung cho các đối tượng thanh thiếu niên, đặc biệt là trong môi trường học đường.