ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: CẦN CÓ QUY ĐỊNH RIÊNG PHÙ HỢP HƠN VỚI NẠN NHÂN BẠO LỰC GIA ĐÌNH LÀ TRẺ EM, THỐNG NHẤT VỚI NGUYÊN TẮC PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH

13/09/2022

Góp ý vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, những nội dung quy định trong dự thảo Luật hầu như chỉ hướng đến người lớn, nhiều quy định không phù hợp với đối tượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ và có những quy định riêng phù hợp hơn với nạn nhân bị bạo lực gia đình là trẻ em, thống nhất với nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình.

ĐBQH Dương Khắc Mai: Cần quy định cụ thể về thời gian, chế tài mạnh mẽ hơn để tài liệu gửi đến đại biểu Quốc hội đúng thời hạn

Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 và được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ với 123 lượt ý kiến, thảo luận tại Hội trường với 21 lượt ý kiến và 02 ý kiến gửi bằng văn bản. Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và nhất trí với nhiều nội dung chính của dự án Luật.

Ngay sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.

Ngày 08/8/2022, Thường trực Ủy ban Xã hội đã tổ chức Phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng để thảo luận và cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật. Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và dự thảo Luật để gửi xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Với sự chỉ đạo chặt chẽ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay, dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đặt ra, đó là: bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để “phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả”, tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Góp ý vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cơ bản nhất trí với những nội dung trong dự thảo và đánh giá cao nhưng tiếp thu, chỉnh lý của Ban soạn thảo đối với dự thảo lần này. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận thấy, dự thảo luật chưa thực sự chú trọng đến đối tượng trẻ em, đối tượng dễ bị bạo lực gia đình. Trên thực tế hằng năm số lượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình rất lớn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Theo thống kê của Tổng đài một 111, trong năm 2021 số trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất trong số vụ bạo hành trẻ em, chiếm tới 72,84%. Đây mới chỉ là con số thống kê của một tổng đài, con số thực tế sẽ lớn hơn rất nhiều. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, những nội dung quy định trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hầu như chỉ hướng đến người lớn, nhiều quy định không phù hợp với đối tượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Cụ thể, Điều 9 dự thảo quy định quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình không phù hợp nếu người bị bạo lực gia đình là trẻ em, các em không thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của mình; cũng không thể yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này và cũng không thể yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình bồi thường thiệt hại, thậm chí quyền khiếu nại, tố cáo về phòng, chống bạo lực gia đình cũng không có ý nghĩa đối với nạn nhân là trẻ em, nhất là trẻ em còn rất nhỏ tuổi.

“Ngay cả trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến vụ việc bạo lực gia đình khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cũng không phù hợp đối với đối tượng trẻ em. Với sự non nớt, với nỗi sợ hãi khi bị bạo lực gia đình, các em không thể cung cấp đầy đủ, chính xác về vụ việc. Khi trẻ em bị bạo lực bởi người thân cũng không hy vọng người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình là các em cung cấp thông tin một cách đầy đủ và chính xác”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ.

Do đó, đại biểu nhận thấy, phương pháp hòa giải trong phòng ngừa bạo lực gia đình quy định ở Điều 17, 18 cũng không áp dụng với trường hợp nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em.

Điều 25 cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã khi có đề nghị của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật. Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, quy định này cũng không phù hợp khi người bị bạo lực gia đình là trẻ em và người gây bạo lực gia đình chính là người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của trẻ em.

Mục 5 Điều này cũng quy định khi áp dụng quyết định cấm tiếp xúc, người bị bạo lực gia đình được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian cấm tiếp xúc. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, quy định này cũng không phù hợp nếu đối tượng bị bạo lực gia đình là trẻ em, các em không thể lựa chọn chỗ ở cho mình được.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ và có những quy định riêng phù hợp hơn với nạn nhân bị bạo lực gia đình là trẻ em, thống nhất với nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình ở Điều 4 là ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là trẻ em, phụ nữ có thai... Bởi theo đại biểu, trẻ em là đối tượng đặc biệt yếu thế, khi là nạn nhân bạo lực gia đình không thể kháng cự, không thể kêu cứu, cũng không thể phản ứng hay yêu cầu, đề nghị được. Thậm chí, nhiều quy định cũng chưa phù hợp với đối tượng là người già yếu, người khuyết tật, người khuyết tật nặng, vì những quy định của dự thảo còn nặng về tính hành chính.

Về kỹ thuật lập pháp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cần rà soát để sửa một số lỗi về kỹ thuật lập pháp trong dự thảo Luật, nên thống nhất các khái niệm được sử dụng trong luật. Đại biểu nêu dẫn chứng, Điều 25 mục 7 dự thảo quy định: trong trường hợp gia đình có đám cưới, đám tang hoặc các trường hợp đặc biệt khác, người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình phải thông báo với người được phân công giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc. Mục 5 Điều 26 lại quy định: trong trường hợp gia đình có việc tang lễ, cưới hỏi... Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Ban soạn thảo sử dụng thống nhất từ ngữ, không để như dự thảo, Điều 25 sử dụng "đám cưới, đám tang", Điều 26 lại dùng từ "việc tang lễ, cưới hỏi".

Mục 4 Điều 4 quy định: trường hợp vụ việc bạo lực gia đình có trẻ em thì trong quá trình xử lý phải có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em hoặc người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em. Đại biểu đề nghị sửa thành "trường hợp vụ việc bạo lực gia đình mà nạn nhân bị bạo lực là trẻ em" cho rõ nghĩa.

Khoản 1 Điều 34 diễn đạt còn gây khó hiểu: người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình không phải bồi thường thiệt hại về tài sản liên quan đến người có hành vi bạo lực gia đình trong trường hợp đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Ban soạn thảo rà soát và chỉnh sửa cho gọn gàng, dễ hiểu, rõ nghĩa hơn./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác