ĐBQH NGUYỄN MINH ĐỨC: CẦN QUY ĐỊNH CHẶT “DẤU HIỆU ĐÁNG NGỜ” TRONG LĨNH VỰC BẤT ĐỘNG SẢN

08/09/2022

Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức- thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cần quy định chặt chẽ nội dung về dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức- thành phố  Hồ Chí Minh 

Theo Tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), dự thảo Luật dó bố cục gồm 4 chương, 63 điều, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tư theo quy trình thông qua tại một kỳ họp.

Về đối tượng báo cáo phòng, chống rửa tiền, dự thảo sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo (các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trò chơi có thưởng...); bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Đồng thời, để bảo đảm quy định tại luật có tính bao quát được các hoạt động phát sinh trong tương lai, dự thảo luật bổ sung quy định giao Chính phủ quy định tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động mới phát sinh là đối tượng báo cáo, bổ sung việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền; bổ sung quy định đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền. Theo đó định kỳ 5 năm, Ngân hàng Nhà nước chủ trì thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, trình Chính phủ phê duyệt. Các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm thực hiện cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền theo kế hoạch thực hiện sau đánh giá hoặc khi có các rủi ro phát sinh thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định về trách nhiệm đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền; xây dựng quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền tại đối tượng báo cáo, trong đó có nội dung về việc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro và các biện pháp áp dụng tương ứng. Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung yêu cầu xây dựng quy định nội bộ của các đối tượng báo cáo để bảo đảm phù hợp với các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) và phù hợp với loại hình, quy mô hoạt động của các đối tượng báo cáo như cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Đáng chú ý, dự thảo luật cũng sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ; bổ sung dấu hiệu đáng ngờ đối với hoạt động trung gian thanh toán. Đồng thời, sửa đổi quy định về thời hạn báo cáo, khắc phục những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Sửa đổi, bổ sung quy định về lưu trữ thông tin, hồ sơ báo cáo và bảo mật thông tin để phù hợp với pháp luật hiện hành có liên quan và thực tiễn hoạt động của đối tượng báo cáo.

Thảo luận tại hội nghị, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với việc ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) nhằm góp phần tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong thời gian tới. Một trong những điểm quan trọng nhận được nhiều ý kiến thảo luận là quy định về báo cáo giao dịch đáng ngờ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức- thành phố  Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo luật đưa ra các quy định giúp kiểm soát dòng tiền ra - vào, phòng ngừa hành vi rửa tiền và cơ bản kiểm soát dòng tiền giao dịch qua hệ thống ngân hàng. Thực tế vẫn tồn tại hình thức giao dịch bằng tiền mặt, nhất là trong lĩnh vực bất động sản nhưng chưa rõ căn cứ, công cụ và hành lang pháp lý để cơ quan quản lý ngăn chặn hành vi rửa tiền, kể cả rửa tiền từ bên ngoài vào và từ trong nước ra ngoài. Trong khi đó, nếu có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra mới vào cuộc làm rõ. Lúc này tội danh (nếu có) sẽ được xem xét gắn với tội danh khác, như tội hợp thức hoá tài sản. Điều đó có nghĩa, dự luật chỉ đạt được góc độ nào đó kiểm soát được hành vi rửa tiền của dòng tiền qua ngân hàng, còn các dòng tiền không qua kênh này thì khó kiểm soát được.

Phân tích cụ thể hơn về các giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực bất động sản, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức- thành phố  Hồ Chí Minh nhấn mạnh, với các quy định trong dự thảo Luật mới và với trách nhiệm của cơ quan phòng, chống rửa tiền tại Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng, chúng ta có thể kiểm soát các dòng tiền giao dịch thông qua hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, hiện có một loại giao dịch tiền mặt, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, thì có căn cứ, quy định, hành lang pháp lý hay quy định nào tại dự thảo Luật này có thể ngăn chặn hành vi rửa tiền từ bên ngoài vào, nội bộ và trong nước đi ra không?

Chỉ ra một nguy cơ khác, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức nêu rõ, khi có hành vi có dấu hiệu tội phạm nguồn, cơ quan điều tra hay cơ quan tiến hành tố tụng mới tiến hành làm rõ, song nếu có những hành vi, dấu hiệu như vậy lại xem xét ở các tội danh khác như hợp pháp hóa hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Trong điều kiện các dòng tiền giao dịch ngoài ngân hàng rất khó kiểm soát, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị, quy định chặt chẽ tại Điều 33 về dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thay vì cách quy định các dấu hiệu quá đơn giản, khó xác định như tại dự thảo Luật lần này.

Bên cạnh quy định về dấu hiệu nhận biết giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực bất động sản, đại biểu cũng cho rằng, cần quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính, đặc biệt là giao nhiệm vụ cho cơ quan thuế. Bởi, các hoạt động giao dịch về tài sản, trong đó có giao dịch về bất động sản bao giờ cũng được thể hiện trên quá trình đóng thuế giá trị gia tăng, thế thu nhập… Trên cơ sở nguồn tiền đóng các loại thuế nêu trên chúng ta sẽ xác định có những giao dịch đáng ngờ trong đó để tính toán, để xác định xem có dấu hiệu rửa tiền hay không. Đồng thời, theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, để xác định giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực bất động sản cũng cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn, thông tin kịp thời giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước, qua đó giúp kịp thời xác minh, xác định rõ, ngăn chặn được hành vi rửa tiền./.

Thu Phương

Các bài viết khác