ĐBQH DƯƠNG KHẮC MAI: CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ THỜI GIAN, CHẾ TÀI MẠNH MẼ HƠN ĐỂ TÀI LIỆU GỬI ĐẾN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐÚNG THỜI HẠN

08/09/2022

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết về ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, cần có quy định cụ thể về thời gian, chế tài cụ thể, mạnh mẽ hơn để tài liệu phải được gửi đến đại biểu Quốc hội đúng thời hạn, có như vậy mới giúp cho đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu, đóng góp hiệu quả vào các quyết định của Quốc hội.

ĐBQH Lê Hoàng Anh: Công khai cơ quan, đơn vị gửi tài liệu chậm đến đại biểu Quốc hội trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Góp ý dự thảo Nghị quyết về ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội(sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, việc ban hành Nội quy kỳ họp nhằm tiếp tục cải tiến cách thức, quy trình, thủ tục tiến hành kỳ họp, nâng cao chất lượng của các kỳ họp Quốc hội, đồng thời để Quốc hội thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ do luật định, đảm bảo hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, thực chất, hiệu lực và hiệu quả hơn, từng bước đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân và yêu cầu phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, qua đối chiếu với các văn bản có liên quan như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đại biểu Dương Khắc Mai nhận thấy nhiều nội dung trong Nội quy này còn quy định lại những nội dung đã có trong các văn bản nêu trên. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát loại bỏ những nội dung này trong Nội quy, nếu có thì chỉ có thể quy định cụ thể, chi tiết hơn những nội dung chưa rõ để dễ triển khai thực hiện.

Cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới, giảm bớt thời gian trình bày bằng văn bản

Về chương trình của kỳ họp, các phiên họp, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới, giảm bớt thời gian trình bày bằng văn bản. Mỗi phiên họp toàn thể của Quốc hội thời gian đọc các đề án, tờ trình, báo cáo, cần được bố trí thời gian hợp lý để Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua các quyết định, bảo đảm để đại biểu Quốc hội có đầy đủ thông tin, có đủ thời gian để nghiên cứu, nắm chắc các vấn đề khi quyết định, tăng thời lượng thảo luận tại các phiên họp toàn thể, giảm thời lượng thảo luận tổ, nâng cao chất lượng thảo luận tổ. Trong thảo luận khi một vấn đề có ý kiến trái chiều, đại biểu đề nghị Chủ tọa kỳ họp bố trí thời gian để thảo luận chung trước khi xin ý kiến đại biểu nhằm làm sáng tỏ vấn đề hơn. Qua thảo luận, các đại biểu sẽ có thêm thông tin chính xác hơn trước khi biểu quyết thông qua.

Liên quan đến quy định trường hợp không thể tham gia dự phiên họp dưới 2 ngày tại khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật quy định đại biểu Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời thông báo đến Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Quốc hội. Trường hợp đại biểu Quốc hội không thể dự họp Quốc hội hoặc vắng mặt tổng số 2 ngày trở lên thì phải báo cáo bằng văn bản, có nêu rõ lý do đến Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời gửi văn bản đến Tổng thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định.

Tuy nhiên, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, quy định trên sẽ không linh hoạt và có thể phát sinh những công việc đột xuất nên đại biểu không biết trước mình sẽ vắng mặt tổng số là bao nhiêu. Do đó, để đảm bảo sự linh hoạt, thuận lợi trong việc điều hành của Chủ tịch Quốc hội, đại biểu đề nghị cần sửa đổi lại quy định trên theo hướng chỉ trong trường hợp đại biểu Quốc hội vắng mặt 2 ngày liên tục trở lên tại kỳ họp mới do Chủ tịch Quốc hội quyết định. Đồng thời bổ sung quy định cụ thể về thời hạn đại biểu gửi văn bản đến Trưởng đoàn và Tổng Thư ký Quốc hội có thời gian quyết định cho phép hoặc không cho phép vắng mặt trong thời hạn nhằm đảm bảo đại biểu có trách nhiệm tham gia đầy đủ kỳ họp, tức là quyết định của Chủ tịch Quốc hội.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Bên cạnh đó, đại biểu Dương Khắc Mai cũng đề nghị Quốc hội bỏ quy định điểm danh bằng phiếu điểm danh. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn, Văn phòng Quốc hội có thể điểm danh thông qua thẻ đại biểu Quốc hội, hình ảnh đại biểu trực tiếp tại Hội trường và những phương tiện khác.

Đối với quy định về người được mời tham dự kỳ họp, dự thính tại phiên họp Quốc hội đã được quy định tại Điều 93 Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị khoản 5 Điều 5 của dự thảo Nội quy cần quy định rõ về những phiên họp mà công dân được dự thính, số lượng và thành phần được mời. Đây cũng là dịp để Nhân dân giám sát trực tiếp hoạt động của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội, đồng thời đề nghị giao cho Tổng Thư ký Quốc hội quy định về việc khách đến tham quan Nhà Quốc hội, dự các phiên họp của Quốc hội trong thời gian Quốc hội đang họp để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho kỳ họp.

Cần có quy định cụ thể về thời gian, chế tài mạnh mẽ hơn để tài liệu phải được gửi đến đại biểu Quốc hội đúng thời hạn

Về tài liệu kỳ họp, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cần có quy định cụ thể về thời gian, chế tài cụ thể, mạnh mẽ hơn để tài liệu phải được gửi đến đại biểu Quốc hội đúng thời hạn, có như vậy mới giúp cho đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu, đóng góp hiệu quả vào các quyết định của Quốc hội, từ đó nâng cao trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, phối hợp chặt chẽ, theo sát các cơ quan soạn thảo trong việc xây dựng các dự án, dự thảo; kiên quyết không tiến hành thẩm tra dự án, dự thảo khi chưa đủ tài liệu trong hồ sơ hoặc hồ sơ gửi không đúng thời hạn, không bố trí vào chương trình của phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kỳ họp Quốc hội những dự án, dự thảo đề nghị bổ sung sát phiên họp, kỳ họp; hạn chế tối đa việc xem xét, cho ý kiến về nội dung đồng thời với việc quyết định bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Về ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu xin ý kiến, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, quy định các nội dung phiếu xin ý kiến cần bao quát được những khía cạnh của các vấn đề xin ý kiến, kết hợp với việc quy định cụ thể thời gian từ khi gửi phiếu xin ý kiến đến khi gửi lại phiếu xin ý kiến của Quốc hội để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu, cho ý kiến chất lượng cao hơn. Vì hiện nay thực tế có nhiều bất cập trong việc này, thời gian khi gửi phiếu xin ý kiến và thu hồi phiếu nhiều khi đại biểu nhận được phiếu đã hết thời gian. Riêng ứng dụng công nghệ thông tin trong xin ý kiến đại biểu Quốc hội cần nghiên cứu hoàn thiện hơn, tiến tới không sử dụng văn bản giấy, trừ các trường hợp mang nội dung mật.

Tại khoản 2 Điều 30 dự thảo Luật quy định “hồ sơ về người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử phải gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là 2 ngày trong phiên họp bầu chức danh đó”. Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị quy định cụ thể hơn về quy trình xử lý hồ sơ đối với hồ sơ của người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu hoặc tự ứng cử cũng phải được xử lý, tiến hành theo thủ tục đối với hồ sơ của người được giới thiệu từ trước, như việc xác minh lý lịch, kê khai tài sản... Đại biểu cho rằng quy định 2 ngày như Nội quy là khó có thể đảm bảo thời gian tiến hành các hoạt động này./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác