ĐBQH NGUYỄN THỊ XUÂN: KHÔNG ĐƯỢC PHÉP TỪ CHỐI XỬ LÝ GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ GỬI ĐẾN TỪ NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

12/09/2022

Đóng góp vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thị Xuân, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho rằng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu dự thảo Luật theo nguyên tắc buộc các cơ quan phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử gửi đến từ người dân và doanh nghiệp, không được phép từ chối hoặc yêu cầu nộp thêm hồ sơ là bản cứng thì mới tiến hành xử lý hồ sơ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Làm rõ những thách thức trong quản lý an toàn thông tin, chống gian lận thương mại khi giao dịch điện tử

Theo dự kiến chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 cũng đề cập đến việc dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 29/11/2005 đã tạo hành lang pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế cho giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Các quy định của Luật đi vào cuộc sống đã góp phần thúc đẩy sự phát triển giao dịch điện tử đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Kết quả tổng kết thực tiễn 17 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử cho thấy bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung cụ thể.


 Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thị Xuân, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk.

Thay mặt Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Nguyễn Thị Xuân, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng; đồng thời góp phần ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng...

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc tăng cường thực hiện các giao dịch điện tử trong mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội sẽ tiết giảm các chi phí về giấy tờ, in ấn, nhân công, thời gian đi lại, công chứng, chứng thực... cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, đặc biệt là với các vấn đề liên quan cần phối hợp giữa nhiều Bộ, ban, ngành. Bên cạnh đó, việc triển khai giao dịch điện tử đối với tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội sẽ góp phần tiết kiệm các chi phí trực tiếp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp trong giao dịch dân sự... Thêm vào đó, để triển khai thực hiện có hiệu quả Thương mại điện tử và Chính phủ điện tử, ngoài việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, phát triển hạ tầng viễn thông và Internet, đào tạo nguồn nhân lực..., thì việc đẩy nhanh tiến độ tạo dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý về lĩnh vực này là hết sức quan. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 là cần thiết và cấp bách.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, hồ sơ dự án Luật đã được Ban soạn thảo chuẩn bị công phu với đầy đủ các tài liệu theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến. Tuy nhiên, dự án Luật sửa đổi lần này có chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, trong đó số đông là người dân tộc thiểu số. Vì vậy, dự án Luật cần bổ sung báo cáo đánh giá tác động về việc bảo đảm chính sách dân tộc.

Về phạm vi sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, các quy định của dự án Luật liên quan đến nhiều luật chuyên ngành như Luật Công nghệ thông tin, Luật Thương mại, Luật Chứng khoán, Luật Công chứng, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Ngân sách nhà nước, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của dự án Luật với quy định của pháp luật có liên quan để thống nhất, đồng bộ (về nội dung cũng như thuật ngữ chuyên ngành) trong hệ thống pháp luật, bảo đảm tính khả thi đồng thời nếu phát sinh tranh chấp, khiếu kiện có đủ cơ sở pháp lý để áp dụng các hình thức xử lý.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, đây là dự án Luật quan trọng, đưa ra những khuôn khổ pháp lý trong giao dịch thương mại điện tử (nền tảng số), vì vậy, dự án Luật cần xây dựng một cơ sở pháp lý vững chắc, thuận tiện, an toàn, đáp ứng kịp thời và tạo sự ổn định, tin cậy cho cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp sử dụng. Theo đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nghiên cứu bổ sung cụ thể hơn quy định về giao dịch điện tử, đặc biệt vấn đề phân loại dữ liệu cá nhân, chuyển dữ liệu cá nhân qua biên giới, qua nước ngoài, biện pháp bảo vệ phù hợp với từng phương thức giao dịch để bảo đảm đủ cơ sở pháp lý quản lý và bảo vệ người tiêu dùng; Nghiên cứu quy định riêng đối với giao dịch điện tử liên quan đến quốc phòng, an ninh hoặc giao trách nhiệm cho cơ quan chủ quản để quy định riêng về nội dung này; Nghiên cứu quy định cụ thể hơn về bảo mật cho thông tin cá nhân, chữ ký số... bảo đảm các giao dịch mang tính an toàn, tin cậy, việc truyền đưa thông điệp dữ liệu (thư điện tử, điện tín, điện báo, fax...) cần được quản lý như thế nào để tránh lộ lọt thông tin, sai lệch thông tin...; việc tạo thông điệp dữ liệu (hoặc chuyển đổi từ văn bản) do cá nhân, tổ chức nào khởi tạo, quy định cụ thể hơn về việc quản lý người khởi tạo, trách nhiệm của người khởi tạo thông điệp dữ liệu, nhất là đối với những thông điệp chứa thông tin đời tư, bí mật cá nhân, bí mật của cơ quan, tổ chức...

Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) lần này nhằm thúc đẩy hoạt động giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong tất cả các lĩnh vực (dân sự, kinh doanh, thương mại, hành chính và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định), sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho cơ quan nhà nước, cũng như doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động dân sự, kinh doanh, thương mại... Tuy nhiên, việc số hóa mọi hoạt động cũng sẽ dẫn đến việc xây dựng, đầu tư mới, nâng cấp trang thiết bị, đào tạo nhân lực để thực hiện... Như vậy, có phát sinh kinh phí cho chính sách này không, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn.

Về giao dịch điện tử với cơ quan Nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng làm nền tảng trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử. Các cơ quan Nhà nước đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp và người dân như: Đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội... Một số Bộ, ngành đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Tại một số địa phương, hệ thống thông tin một cửa điện tử được đưa vào vận hành, dần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ công chức. Chất lượng nhân lực về công nghệ thông tin của Việt Nam cũng đã được quan tâm.

Tuy nhiên, vẫn chưa có quy định làm căn cứ pháp lý để thực hiện bắt buộc đối với những hoạt động nêu trên, điển hình vẫn tồn tại tình trạng một số doanh nghiệp và người dân bị từ chối tiếp nhận bản điện tử hoặc tiếp nhận xong vẫn yêu cầu doanh nghiệp và người dân nộp thêm bản giấy. Điều này gây cản trở rất lớn đối với việc điện tử hoá các dịch vụ công, thủ tục hành chính, gây mất thời gian, công sức, tiền bạc của người dân và doanh nghiệp, thậm chí còn là cơ hội cho nhũng nhiễu, tiêu cực. Vì vậy, Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu quy định nguyên tắc buộc các cơ quan phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử gửi đến từ người dân và doanh nghiệp, không được phép từ chối hoặc yêu cầu nộp thêm hồ sơ là bản cứng thì mới tiến hành xử lý hồ sơ; Quy định về các tiêu chuẩn cụ thể tối thiểu về chữ ký điện tử, chứng thực chữ ký để người dân và cơ quan nhà nước có thể áp dụng ngay mà không cần chờ văn bản pháp luật chuyên ngành sửa đổi...

Về chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, tại điều 26 dự án Luật quy định về chữ ký số chuyên dùng Chính phủ là chữ ký điện tử được sử dụng trong các hoạt động công vụ được cung cấp bởi Tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị dự án Luật làm rõ Tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số chuyên dùng Chính phủ là tổ chức được thành lập, hoạt động như thế nào, do cơ quan nào quản lý, quyền hạn, trách nhiệm trong hoạt động... Đồng thời dự án Luật quy định chữ ký số chuyên dùng được sử dụng trong các hoạt động công vụ, như vậy hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có sử dụng loại chữ ký số này do Tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cấp không hoặc nghiên cứu có quy định riêng./.

Bích Lan

Các bài viết khác