Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)
Đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang
Tham gia phát biểu ý kiến hoàn thiện dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi) để giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh qua 10 năm thi hành Luật Thanh tra. Đối với một số nội dung cụ thể trong dự thảo luật, về hệ thống cơ quan thanh tra cấp hành chính, đại biểu nhất trí với quy định trong dự thảo Luật Thanh tra về các cơ quan thanh tra cấp hành chính gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện. Về tổ chức của Thanh tra sở, Thanh tra huyện, Điều 30 và Điều 34 quy định Thanh tra sở, Thanh tra huyện có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra và Thanh tra viên, đại biểu cho rằng quy định như vậy chưa phù hợp với thực tế. Vì hiện nay do biên chế không nhiều nên thường là Thanh tra sở, Thanh tra huyện bố trí biên chế thanh tra ít, không đảm bảo yêu cầu hoạt động của thanh tra. Do đó, để đảm bảo yêu cầu thanh tra thường phải thực hiện biệt phái công chức. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm vào công chức thanh tra thành Thanh tra sở, Thanh tra huyện và Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và công chức thanh tra.
Về Điều 45 quy định về xây dựng ban hành kế hoạch thanh tra, đại biểu đề nghị giữ nguyên thẩm quyền ban hành kế hoạch thanh tra hằng năm như luật hiện hành. Theo đại biểu, thực tế nội dung đối tượng thanh tra chuyên ngành của Sở thường là tổ chức nhỏ lẻ nên khi tổng hợp thành một kế hoạch thanh tra của toàn tỉnh sẽ rất nhiều các nội dung đối tượng nên sẽ gây khó khăn khi thực hiện quy định gửi kế hoạch thanh tra cho đối tượng thanh tra. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra của từng cơ quan, đơn vị nên để người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó quyết định và triển khai thực hiện để phù hợp với yêu cầu công tác quản lý nhà nước của từng cấp chính quyền và các quy định về phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của đơn vị, địa phương mình.
Về xử lý sai phạm trong quá trình thanh tra quy định tại Điều 66, tại khoản 1, đại biểu đề nghị sửa lại nội dung quy định nếu phát hiện dấu hiệu của việc tẩu tán, chuyển dịch, hủy hoại tài sản thì yêu cầu tổ chức tín dụng, nơi đối tượng thanh tra có tài khoản, phong tỏa tài khoản đó để phục vụ việc thanh tra, khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra có hành vi tẩu tán tài sản hoặc đề nghị cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, cơ quan có thẩm quyền khác có biện pháp ngăn chặn kịp thời về hành vi đó. Nếu có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra có hành vi tẩu tán tài sản thì yêu cầu tổ chức tín dụng, nơi đối tượng thanh tra có tài khoản, phong tỏa tài khoản đó. Nếu phát hiện dấu hiệu của việc chuyển dịch, hủy hoại tài sản thì đề nghị cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, cơ quan có thẩm quyền khác có biện pháp ngăn chặn kịp thời về hành vi đó để đảm bảo cụ thể dễ hiểu, tránh lặp lại và phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 54 của luật này.
Cùng với đó, đại biểu đề nghị xem lại quy định tại khoản 5 cùng với việc chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra, người ra quyết định thanh tra, chỉ đạo đoàn thanh tra tiếp tục thanh tra về các nội dung theo kế hoạch tiến hành thanh tra đã phê duyệt và ban hành kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra hoặc quy định cụ thể hơn để tránh mâu thuẫn với điểm d khoản 1 Điều 70 về việc đình chỉ cuộc thanh tra trong trường hợp cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự về cùng nội dung thanh tra. Vì có thể xảy ra trường hợp sau khi cơ quan điều tra tiếp nhận tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố của cơ quan thanh tra theo quy định tại khoản 3 Điều 66, cơ quan điều tra tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, trong khi đó thời hạn thanh tra vẫn còn sẽ dẫn đến chồng chéo và mâu thuẫn.
Về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra quy định tại Điều 84, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét về sự cần thiết của việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra vì đoàn thanh tra hoạt động độc lập, chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định thanh tra. Thêm vào đó, người được giao thẩm định muốn có đủ cơ sở pháp lý, đủ căn cứ thẩm định thì phải tiến hành kiểm tra, xác minh theo quy định tại khoản 2 "người thực hiện thẩm định có trách nhiệm thu thập tài liệu, tiến hành thẩm định, xây dựng báo cáo kết quả thẩm định". Về bản chất, việc thẩm định này cũng giống như một cuộc thanh tra, như vậy cuộc thanh tra đó sẽ tiến hành 2 lần, không đảm bảo nguyên tắc đã được quy định tại khoản 3 Điều 4 của dự thảo luật là "không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các cơ quan thanh tra, giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm soát, giữa cơ quan Kiểm toán nhà nước và các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát khác.
Đại biểu cũng đề nghị xem xét, điều chỉnh bổ sung nội dung cộng tác viên thanh tra vào dự thảo luật, vì theo dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) thì đối với thanh tra sở, thanh tra huyện khi cần sẽ không có cơ quan thanh tra cấp dưới để yêu cầu thanh tra viên tham gia đoàn thanh tra, thường là thanh tra sở, thanh tra huyện không đủ lực lượng để thực hiện các cuộc thanh tra. Mặt khác, nhiều cuộc thanh tra rất cần có hiểu biết về chuyên môn sâu về ngành, lĩnh vực mà cuộc thanh tra cần. Vì vậy, để đảm bảo có được kết luận thanh tra một cách chính xác, cơ quan thanh tra tiến hành trưng tập cộng tác viên thanh tra tham gia đoàn thanh tra để thực hiện những nhiệm vụ nhất định của cuộc thanh tra, qua đó sẽ bổ sung, hỗ trợ về mặt chuyên môn nghiệp vụ thuộc ngành, lĩnh vực, góp phần đảm bảo tính đúng đắn, chính xác của kết luận thanh tra, như vậy sẽ nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần xem xét bổ sung quy định thời gian tối đa được tạm dừng cuộc thanh tra để tránh việc tạm dừng bị lợi dụng chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tạm dừng cuộc thanh tra; cần xem xét quy định về đình chỉ thanh tra với lý do chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, vì việc chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra đã có trong các nguyên tắc để xử lý.