ĐBQH ĐOÀN THỊ THANH MAI: ĐẢM BẢO TÍNH NGHIÊM MINH VÀ RĂN ĐE TRONG XỬ LÝ CÁC VỤ VIỆC BẠO LỰC GIA ĐÌNH

26/08/2022

Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 tới. Quan tâm đến dự án Luật này, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ hơn mối quan hệ giữa hòa giải với việc xử lý người có hành vi bạo lực, đảm bảo tính nghiêm minh và răn đe trong xử lý các vụ việc bạo lực gia đình.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho biết, bạo lực gia đình là hiện tượng nhức nhối trong xã hội hiện nay. Theo báo cáo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp từ báo cáo các tỉnh, thành phố trong giai đoạn 2009 đến 2021 tổng số vụ bạo lực gia đình các địa phương đã phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ có xu hướng giảm dần qua các năm. Trong năm 2009 là 53.206 vụ, giảm xuống còn 19.274 vụ trong các năm 2015 và 4.967 vụ trong năm 2021. Tuy nhiên thực tế cho thấy tính chất phức tạp của các vụ bạo lực gia đình ngày càng trầm trọng, đa dạng và phức tạp hơn, để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho rất nhiều gia đình. Trước những diễn biến phức tạp của tình trạng bạo lực gia đình, rõ ràng việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình để hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm phòng ngừa, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, đồng thời xử lý, giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình là hết sức cần thiết.

Đóng góp ý kiến vào các vấn đề cụ thể, về hòa giải trong phòng chống bạo lực gia đình quy định tại Điều 20, đại biểu nhấn mạnh, công tác hòa giải có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp cho các bên có thể hòa giải tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tránh các xung đột. Tuy nhiên quy định về hòa giải trong phòng chống bạo lực gia đình cần quan tâm một số vấn đề như: hòa giải có thể chỉ hiệu quả đối với các mâu thuẫn nhỏ, nhưng không nên áp dụng đối với các trường hợp mà bạo lực diễn ra trầm trọng và kéo dài. Luật Hòa giải cơ sở năm 2013 đã quy định rõ về phạm vi hòa giải, theo đó việc hòa giải ở cơ sở phải được tiến hành với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ trường hợp vi phạm pháp luật phải truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính. Do đó, đề nghị dự thảo luật rà soát các quy định, đảm bảo thống nhất với Luật Hòa giải cơ sở, đồng thời đảm bảo tính nghiêm minh và răn đe trong xử lý các vụ việc bạo lực gia đình.

Đại biểu cũng cho rằng, cần quy định rõ hơn mối quan hệ giữa hòa giải với việc xử lý người có hành vi bạo lực gia đình. Dự thảo luật đã đưa ra nguyên tắc hòa giải trong phòng chống bạo lực gia đình không thay thế biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20. Tuy nhiên, có những trường hợp nạn nhân của bạo lực gia đình sau khi tham dự hòa giải nhất là hòa giải do gia đình, do dòng họ tiến hành thì vì nhiều nguyên nhân họ có thể bỏ qua những chuyện đã xảy ra. Điều này ảnh hưởng đến việc xác minh, xử lý người có hành vi bạo lực gia đình. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc thời điểm tiến hành hòa giải. Cụ thể, có lẽ chỉ nên thực hiện khi phát hiện mâu thuẫn, tranh chấp mà chưa phát sinh hành vi bạo lực gia đình; hoặc sau khi người có hành vi bạo lực gia đình đã bị xử lý theo quy định của pháp luật để ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình tái diễn. Đối với trường hợp đã xảy ra hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa bị xử lý, đại biểu đề nghị cân nhắc không áp dụng hòa giải để đảm bảo tính khách quan trong xử lý hành vi bạo lực gia đình.

Cùng với đó, đại biểu nhấn mạnh, cần làm rõ giá trị pháp lý của kết quả hòa giải. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, kết quả hòa giải vụ việc ngoài Tòa án được Tòa án xem xét, ra quyết định công nhận là kết quả hòa giải thành và được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự. Trong trường hợp đó, việc xử lý người có hành vi bạo lực gia đình sẽ phụ thuộc vào kết quả hòa giải, như vậy, khó đảm bảo tách bạch mối quan hệ giữa việc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình và việc xử lý người có hành vi bạo lực gia đình. Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung các quy định đảm bảo việc hòa giải không bị lợi dụng để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hình sự.

Đối với quy định về cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, quy định tại Điều 33, đại biểu cho biết, theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2012-2021 đã ban hành được 4.475 quyết định cấm tiếp xúc để bảo vệ người bị bạo lực gia đình. Đây là con số khiêm tốn so với vụ bạo lực gia đình được báo cáo cũng như số vụ bạo lực gia đình xảy ra trong thực tiễn. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về biện pháp cấm tiếp xúc để tăng cường bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình là rất quan trọng. Đối với thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, dự thảo luật đã quy định "Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình quyết định biện pháp áp dụng cấm tiếp xúc khi người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp yêu cầu cấm tiếp xúc. Trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu thì phải có sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình", tại điểm a khoản 1 Điều 33. Tuy nhiên, nếu người bị bạo lực gia đình là phụ nữ hoặc trẻ em hoặc những người phụ thuộc vào người có hành vi bạo lực gia đình thì về mặt tâm lý luôn e ngại những người có hành vi bạo lực gia đình gây áp lực, trả thù nên có thể có được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình nhằm áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc sẽ rất khó khăn. Do đó, đại biểu đề nghị căn cứ tính chất vụ việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình sẽ áp dụng quyết định biện pháp cấm tiếp xúc để bảo vệ người bị bạo lực gia đình cũng như các thành viên khác trong gia đình.

Đối với quy định về chỗ ở của người bị bạo lực gia đình trong thời gian áp dụng quyết định cấm tiếp xúc, đại biểu tán thành với quy định của dự thảo luật khi trao quyền lựa chọn chỗ ở cho người bị bạo lực gia đình, khoản 4 Điều 33. Trên thực tế, khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì nhiều trường hợp nạn nhân chính là người phải ra khỏi nhà, trong khi đó, nạn nhân của bạo lực gia đình thường là trẻ em, phụ nữ, người yếu thế, người cao tuổi, còn đối tượng có hành vi bạo lực gia đình lại đương nhiên được ở nhà. Vậy, việc nạn nhân không được ở đó, thậm chí có khi lại là mong muốn của đối tượng có hành vi bạo lực, do vậy, quy định của dự thảo luật sẽ khắc phục được hạn chế này. Tuy nhiên, đại iểu đề nghị đánh giá tính khả thi của quy định "người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị bạo lực gia đình trong suốt thời gian áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc từ 50m trở lên. Trường hợp có vật ngăn cách đảm bảo an toàn cho người bị bạo lực gia đình thì không áp dụng khoảng cách tối thiểu”, khoản 5 Điều 33. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy chưa thật sự rõ ràng, khó đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bị bạo lực gia đình, nhất là trong trường hợp cơ chế giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc chưa đủ mạnh.

Minh Hùng

Các bài viết khác