ĐBQH Nguyễn Thị Hà: Đề nghị bổ sung các giải pháp hỗ trợ cơ sở trợ giúp cho đối tượng đặc thù là trẻ em bị bạo lực gia đình
Cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp thống nhất cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thời gian vừa qua, từng bước ngăn chặn, tiến tới chấm dứt vấn nạn bạo lực gia đình trong xã hội.
Về giải thích từ ngữ tại Điều 3, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu làm rõ hơn nội hàm thuật ngữ bạo lực gia đình. Theo đại biểu, dự thảo đang giải thích bạo lực gia đình gồm 2 nhóm hành vi, hành vi cố ý gây tổn hại hoặc hành vi có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với các thành viên khác trong gia đình. Đại biểu cho rằng, cách giải thích như vậy chưa nêu được nguyên nhân, động cơ, mục đích, ý đồ của người gây bạo lực gia đình. Tôi cho rằng việc xác định được nguyên nhân, động cơ, ý đồ và mục đích của việc gây bạo lực gia đình là một trong những yếu tố quan trọng để có các biện pháp phòng, chống. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung làm rõ hơn những nội dung về nguyên nhân, động cơ, mục đích, ý đồ của người có hành vi bạo lực gia đình để từ đó có hướng điều chỉnh trong các điều khoản liên quan đến công tác thông tin truyền thông, giáo dục, chuyển đổi hành vi tư vấn, ngăn chặn, xử lý theo quy định.
Liên quan đến hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điều 4 dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt sự phát triển và tác động ngày càng sâu sắc của khoa học và công nghệ lên mọi mặt đời sống, xã hội thì các hành vi bạo lực gia đình sẽ ngày càng tinh vi hơn. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ hơn để làm rõ những hành vi bạo lực gia đình.
Đại biểu đồng tình nên chia các hành vi bạo lực gia đình quy định tại khoản 1 Điều 4 thành 4 nhóm chính gồm: nhóm các hành vi bạo lực gia đình về thể chất; nhóm các hành vi bạo lực gia đình về tinh thần, tâm lý, tình cảm; nhóm các hành vi bạo lực gia đình về tình dục và nhóm hành vi bạo lực gia đình về kinh tế, tài chính. Trong đó nhóm hành vi bạo lực gia đình về tinh thần, tâm lý, tình cảm là nhóm hành vi phức tạp và khó nhận biết nhất, nhưng tác động rất nặng nề, dai dẳng và dễ làm cho nạn nhân bị suy sụp cả về thể xác lẫn tinh thần. Đại biểu nhận thấy, những hành vi trong nhóm này bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp, kể cả những hành vi đe dọa gây áp lực, khống chế, làm nhục, đổ lỗi, cấm đoán, ngăn cản, kiểm soát, cách ly cô lập hành vi bạo lực trên không gian mạng... gây ra những tổn thất tâm lý nặng nề, gây hoảng sợ, gây áp lực về mặt tinh thần, tình cảm cho nạn nhân.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh, việc chia nhóm các hành vi bạo lực gia đình nêu trên nhằm phân định rõ từng loại nhóm hành vi, tính chất, mức độ tác động đến đối tượng để từ đó có những quy định phù hợp hơn trong công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình, tư vấn, hòa giải, góp ý, phê bình và hỗ trợ phòng ngừa bạo lực gia đình, nhất là các quy định về bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời, đại biểu đề nghị quy định rõ hơn về những hành vi nào được áp dụng cho các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 4 nhằm đảm bảo xác định đúng hành vi trách nhiệm và phù hợp với pháp luật có liên quan.
Về chính sách của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình tại Điều 7, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị bổ sung chính sách của Nhà nước về thực hiện và công bố các báo cáo thống kê về bạo lực gia đình, đặc biệt với các nhóm yếu thế như: Phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, người dân tộc thiểu số. Đồng thời, đề nghị bổ sung nội dung trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Điều 55 trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc ban hành bộ chỉ tiêu thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình của quốc gia, giao trách nhiệm cho Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành liên quan, các địa phương có trách nhiệm tổ chức thực hiện, công bố các thông tin thống kê nói trên theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư, quy định tại Điều 23, dự thảo quy định việc góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư, tuy nhiên, đại biểu nhận thấy chưa có quy định nếu cán bộ công chức, viên chức, đảng viên, người làm việc ở các cơ quan nhà nước mà có hành vi bạo lực gia đình thì cơ quan, đơn vị có tổ chức góp ý, phê bình hay không? Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh, với những đối tượng là cán bộ, công chức, đảng viên, viên chức làm việc ở các cơ quan nhà nước mà có hành vi bạo lực gia đình, ngoài việc bị góp ý, phê bình tại địa phương như khoản 1 điều này sẽ bị thông báo bằng văn bản tới cơ quan, đơn vị, nơi làm việc và quy định cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức góp ý, phê bình cũng như xem xét, đánh giá cán bộ hằng năm phù hợp theo quy định của Luật Công chức, Luật Viên chức, thậm chí có thể thi hành kỷ luật nếu vi phạm ở mức độ nghiêm trọng. Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa tên Điều 23 thành góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình và kết cấu thành 2 khoản, khoản 1 góp ý, phê bình tại cộng đồng và khoản 2 góp ý, phê bình tại cơ quan, đơn vị công tác.
Đề cập về quy định về cấm tiếp xúc theo quy định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tại Điều 33, đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo Luật sẽ dẫn đến có những trường hợp không thực hiện được trong thực tế, nhất là khi người bị bạo lực là trẻ em, người khuyết tật, người có khó khăn trong nhận thức, người mất năng lực hành vi dân sự do những đối tượng này không biết, không đồng ý yêu cầu cấm tiếp xúc hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp không đồng ý. Vì vậy, để đảm bảo quyết định cấm tiếp xúc được ban hành khi xảy ra tình huống bạo lực gia đình đối với những đối tượng này, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị cần có quy định cụ thể hơn và trao thẩm quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã trong những trường hợp cụ thể, nhạy cảm, đồng thời ràng buộc trách nhiệm của người giám hộ, người đại diện hợp pháp để đảm bảo quy định này được thực hiện, bảo vệ an toàn cho nạn nhân.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hải Anh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm bổ sung các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi và sự bảo vệ, hỗ trợ pháp luật cần thiết đối với nhóm đối tượng là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số bị bạo lực gia đình, bởi đây là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong bạo lực gia đình. Theo đó, đề nghị bổ sung điểm d khoản 1 Điều 11 cụm từ "trong đó có phiên dịch ngôn ngữ, ký hiệu cho người khuyết tật nghe, nói và tiếng dân tộc cho người dân tộc thiểu số". Đề nghị bổ sung cụm từ "dạng tật" sau cùng từ "giới tính" tại điểm b khoản 2 Điều 14./.