Đại biểu Đinh Ngọc Quý - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội bày tỏ vinh dự khi lần đầu tiên trên cương vị đại biểu Quốc hội tham gia Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sang thăm chính thức Lào trong bối cảnh kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962) và 45 năm ngày Ký hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt Nam – Lào (18/7/1977). Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên lãnh đạo cấp cao của Nhà nước trong năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022.
Đại biểu Đinh Ngọc Quý - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội
Chuyến thăm diễn ra từ ngày 15-17/5, mặc dù thời gian ngắn nhưng với lịch trình hoạt động dày đặc với 27 hoạt động chính thức. Các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc cấp cao của lãnh đạo hai nước đã diễn ra trong bầu không khí chân thành, cởi mở, tin cậy và thẳng thắn. Hai bên đã trao đổi sâu sắc, thực chất về các nội dung hợp tác giữa hai Quốc hội, hai nước, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Điều này thể hiện quan hệ đặc biệt giữa hai nước như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói là quan hệ hiếm có “có một không hai”.
Một trong những hoạt động của Đoàn tại Lào là tổ chức hội thảo chung về “Chia sẻ kinh nghiệm về cơ chế, chính sách để phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội sau đại dịch COVID-19”. Đây là một hoạt động thiết thực, ý nghĩa, thể hiện rõ quan điểm, cách tiếp cận của Quốc hội với vai trò là cơ quan lập pháp, cơ quan quyền lực Nhà nước, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân.
Diễn ra trong hơn 3 giờ đồng hồ, với tinh thần cởi mở, thực chất và chân thành của những người đồng chí, anh em, các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam và Lào đã tập trung trao đổi, chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch. Cụ thể là giải pháp mở cửa nền kinh tế, thúc đẩy và duy trì sự tăng trưởng kinh tế, giải quyết tác động giá nhiên liệu xăng dầu và các hàng hóa khác trên thị trường quốc tế đối với kinh tế trong nước, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và việc phân cấp, phân quyền; quản lý nợ công, bảo đảm cân đối vĩ mô; sử dụng các công cụ trong hệ thống thuế, thu ngân sách và quản lý chi ngân sách hiệu quả...
Bên cạnh các tham luận gửi đến hội thảo, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã trình bày tại hội thảo hai bài tham luận về gói phục hồi kinh tế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường và tham luận về xây dựng chính sách hỗ trợ thực hiện an sinh xã hội, tập trung hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Phía Việt Nam đã chia sẻ một cách thẳng thắn chân thành quá trình tổ chức xây dựng và thực hiện chính sách. Trong đó khẳng định vai trò của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và nhất là vai trò định hướng, điều hành của Chủ tịch Quốc hội trong quá trình xây dựng chính sách hỗ trợ đối với người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Khi đại dịch đang diễn ra có những thời điểm rất căng thẳng, nặng nề phải tiến hành đồng thời với nhiều hoạt động nhằm ứng phó, phòng, chống với đại dịch, với tinh thần chủ động, tích cực, chuẩn bị từ sớm, từ xa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội Việt Nam đã khẩn trương, kịp thời ban hành chính sách giúp người dân vượt qua đại dịch, vừa ứng phó với tình hình khó khăn trước mắt vừa có những chính sách mang tính dài hạn, bảo đảm ổn định vĩ mô cả về kinh tế và an sinh xã hội.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý chia sẻ, qua trao đổi giữa Việt Nam và Lào cho thấy hai Bên có những điểm tương đồng trong ứng phó với đại dịch COVID-19 trong đó có vấn đề bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cũng có những điểm khác biệt nhất định về khả năng đáp ứng của ngân sách, điều kiện kinh tế do đó qua chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giữa hai bên cho thấy cần có sự linh hoạt, quyết sách kịp thời chính sách trong thời điểm cấp bách nhất, trong bối cảnh đặc biệt đòi hỏi những quyết sách đặc biệt, chưa có tiền lệ như Chủ tịch Quốc hội từng nói. Những quyết sách này đều có trọng tâm hướng tới người dân, hỗ trợ an sinh, quán triệt mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” như Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã đề ra.
Cùng với đó, sau khi ban hành chính sách thì vai trò đôn đốc, giám sát thực hiện của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng như vai trò của cơ quan dân cử tại địa phương bảo đảm cho chính sách được tổ chức thực hiện một cách kịp thời.
Hai Bên đã nhiều thời gian để trao đổi kỹ lưỡng về những vấn đề được các đại biểu Quốc hội, Chính phủ Lào đặt ra, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trong hỗ trợ, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch cũng như việc thiết kế, phân bổ nguồn lực và cách thức huy động nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ này trong điều kiện Việt Nam và Lào đều có nguồn ngân sách còn eo hẹp, lại vừa chịu tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19; đồng thời bảo đảm bảo đảm việc ban hành quyết sách kịp thời, chủ động, linh hoạt xử lý hài hòa giữa phát triển kinh tế xã hội và hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, gắn với đó là điều tiết các chính sách tài khóa, tiền tệ, các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Quốc hội Lào bày tỏ ấn tượng trước những quyết đáp mạnh mẽ của Quốc hội Việt Nam thời gian qua nhằm tạo ra những cơ chế, chính sách đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Các thành viên Quốc hội và Chính phủ Lào đều cho rằng, dù quy mô gói hỗ trợ của Lào và Việt Nam khác nhau, nhưng những vấn đề được các cơ quan của Quốc hội Việt Nam chia sẻ là những kinh nghiệm hết sức quý báu mà Lào có thể tham khảo để phục hồi kinh tế khi vừa mở cửa trở lại./.