Trưa ngày 15/5/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Viêng chăn, bắt đầu chuyến thăm chính thức CHDCND Lào
Mối quan hệ đặc biệt hiếm có Việt Nam - Lào đang được tiếp tục vun đắp trên cơ sở vì mục tiêu chung của hai quốc gia, với tinh thần quốc tế trong sáng, đưa cách mạng hai nước từng bước vượt qua những thử thách, chông gai và là hành trang quý giá, là cơ sở vững chắc để các thế hệ Việt Nam - Lào hiện nay và mai sau tiếp tục phát huy tình đoàn kết, xây dựng quan hệ bình đẳng, tự chủ, hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
Quan tâm đến sự kiện này, GS.TS Nguyễn Anh Trí – Anh hùng lao động, đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, thành viên Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Lào đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào từ ngày 15 đến ngày 17/5. Theo đại biểu, đây là chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục củng cố mối quan hệ đặc biệt được tạo dựng từ trong lịch sử Việt Nam – Lào.
Chào đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức CHDCND Lào
Phóng viên: Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Đại biểu đánh giá như thế nào về ý nghĩa của chuyến thăm?
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội: Trước tiên, có thể khẳng định đây là chuyến thăm hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Việt Nam - Lào thiết lập quan hệ ngoại giao (1962 - 2022) và 45 năm Ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (18/7/1977 – 18/7/2022). Đây cũng là chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng; chuyến thăm chính thức đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt nước ta tới Lào trong năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào. Tôi kỳ vọng chuyến thăm không chỉ thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Quốc hội hai nước mà còn góp phần quan trọng, vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân 2 nước Việt Nam - Lào.
Chúng ta có thể thấy, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được hình thành từ trong lịch sử sinh tồn của hai quốc gia - dân tộc và được nâng lên tầm cao mới khi Đảng Cộng sản Đông Dương - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
GS.TS Nguyễn Anh Trí – Anh hùng lao động, đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
Quan hệ gắn bó Việt Nam - Lào được hình thành từ trong lịch sử giữa hai nước láng giềng, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, có những điểm tương đồng và sự giao thoa về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị. Nhân dân hai nước nương tựa vào nhau, cưu mang đùm bọc lẫn nhau. Hai nước luôn giữ mối quan hệ bang giao hòa hiếu, gắn bó mật thiết với nhau qua nhiều giai đoạn lịch sử.
Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước tiếp tục vun đắp và phát triển trong tiến trình lịch sử. Quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung, trong sáng giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong đặt nền móng, dày công vun đắp đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào trong tiến trình lịch sử, đã trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc và là quy luật phát triển chung của hai nước trên con đường phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Được biết, trong năm 2021, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Cơ quan lập pháp Lào của Chủ tịch Quốc hội Saysomphone Phomvihane và là chuyến thăm trực tiếp đầu tiên của một Lãnh đạo Quốc hội nước ngoài đến Việt Nam kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai Bên đã tiến hành hội đàm cấp cao, thống nhất nhiều nội dung quan trọng, nhất trí mong muốn quan hệ hợp tác hai Quốc hội sẽ trở thành mẫu mực về quan hệ hữu nghị giữa hai cơ quan lập pháp trong khu vực và trên thế giới.
Phóng viên: Dù thời gian qua dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, nhưng các hoạt động ngoại giao giữa hai nước, hai Quốc hội vẫn được triển khai tích cực. Đại biểu có nhận định thế nào về các hoạt động này?
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội: Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam và Lào. Tuy nhiên, không vì ảnh hưởng của dịch bệnh mà các hoạt động giao lưu, hợp tác, trao đối giữa hai quốc gia bị gián đoạn. Thực tế, quan hệ giữa Quốc hội hai nước tiếp tục được thúc đẩy triển khai đồng bộ, hiệu quả với hình thức linh hoạt cả trực tuyến và trực tiếp.
Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane đã điện đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tháng 4/2021 và thăm chính thức Việt Nam tháng 12/2021, ngay khi hai nước kiểm soát được đại dịch Covid-19. Cùng với đó, nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã hội đàm trực tiếp với Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sounthone Xayachak.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane, ngày 06/12/2021
Đồng thời, Quốc hội khóa XV tiếp tục thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Lào do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn là Chủ tịch Nhóm; Và phía Lào cũng thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Lào - Việt Nam do Bí thư trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sounthon Xayachak làm Chủ tịch Nhóm.
Hai Bên cũng duy trì trao đổi đoàn cấp cao, trao đổi kinh nghiệm công tác, giao lưu cấp Ủy ban, giữa các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị hai nước; hình thành cơ chế hợp tác giữa Đại biểu Quốc hội trẻ, nữ Đại biểu Quốc hội hai nước; cơ chế hợp tác thường niên giữa các Ủy ban, hai Văn phòng Quốc hội/Ban thư ký của hai Quốc hội; cơ chế hợp tác ba Bên Campuchia - Lào - Việt Nam giữa các Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Tài chính - Ngân sách về khu vực Tam giác phát triển ba nước.
Một trong những hình thức hợp tác rất thiết thực, hiệu quả, tạo dấu ấn trong hợp tác giữa hai Quốc hội là việc hai Bên tổ chức các Hội thảo chuyên đề trao đổi kinh nghiệm công tác lập pháp giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Đặc biệt, hai Bên còn tổ chức các khóa bồi dưỡng đại biểu, tập trung vào các chính sách pháp luật về hoạt động của Hội đồng nhân dân (giúp Lào xây dựng lại hệ thống Hội đồng nhân dân cấp tỉnh). Hai Quốc hội của hai nước đã tiến hành giám sát chung rất hiệu quả chuyên đề “Tình hình thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước”.
Bên cạnh những hoạt động ngoại giao chính trị, nhiều hoạt động hợp tác trong lĩnh vực y tế, văn hóa, thương mại cũng được tích cực triển khai. Theo đó, hai nước đã trao các trang thiết bị y tế hỗ trợ nhau trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. xuất phát từ mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, lãnh đạo và nhân dân Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi sát sao tình hình dịch COVID-19 tại Lào, nhất là những diễn biến phức tạp của đợt dịch COVID-19 trong 2 tháng gần đây. Với truyền thống đồng cam cộng khổ, luôn hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh suốt những năm qua, để chia sẻ với Lào, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam quyết định hỗ trợ khẩn cấp Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào số tiền 2,15 triệu USD và một số vật tư y tế để sử dụng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trước đó vào tháng 8 năm ngoái, tòa nhà Quốc hội Lào - quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em, biểu tượng mới của quan hệ Việt Nam - Lào cũng đã được đưa vào sử dụng.
Không chỉ hợp tác về y tế, kể từ Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới giữa hai nước lần thứ XI vào năm 2018 đến nay, quan hệ thương mại nói chung và thương mại biên giới giữa hai nước nói riêng đã có những bước phát triển mới, thể hiện qua mức tăng trưởng tích cực trong kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước bất chấp những khó khăn, thách thức không nhỏ do đại dịch COVID-19 gây ra. Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều tăng tới 33,3% so với năm 2020. Đây là mức tăng trưởng cực kỳ ấn tượng, không những so với thương mại Việt-Lào những năm trước đây mà còn so với cả tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và nhiều nước khác trong khu vực.
Không dừng ở đó, tiềm năng phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn còn rất lớn và Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam-Lào lần thứ XII là một trong những bước đi quan trọng để góp phần khai phá tiềm năng đó, với mục tiêu kim ngạch thương mại giữa hai nước không chỉ tăng trưởng ở mức độ 10-15% năm mà còn phải để thương mại giữa hai nước phát triển thật ổn định và bền vững; khai thác được tiềm năng, lợi thế của mỗi bên; góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho phát triển kinh tế-xã hội của cả hai nước Lào và Việt Nam anh em.
Phóng viên: Nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Quốc hội và nhân dân hai nước, theo đại biểu, thời gian tới hai quốc gia cần chú trọng những nhiệm vụ trọng tâm gì?
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội: Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước, theo tôi, hai Bên sẽ tập trung một số trọng tâm hợp tác như: Đẩy mạnh trao đổi các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao ở kênh Quốc hội, bao gồm giữa Lãnh đạo Quốc hội và giữa các Ủy ban của Quốc hội hai nước, Nhóm Nghị sĩ hữu nghị, Nhóm Đại biểu Quốc hội nữ, Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ, giữa các đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh của hai nước; phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội; chức năng quản lý, giám sát ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài; đẩy mạnh công tác đối ngoại Quốc hội nhằm thu hút nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống đại dịch Covid-19.
Năm 2022 là năm đánh dấu 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (05/9/1962 – 05/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977 – 18/7/2022). Do đó, hai Bên cần nỗ lực tổ chức thành công một số hoạt động trong “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào 2022” kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam Lào.
Cùng với đó, hai cơ quan lập pháp sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong hoạt động giám sát, thúc đẩy thực hiện hiệu quả về thực hiện Thỏa thuận, Kế hoạch hợp tác cấp cao, giữa hai Chính phủ; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn liên Nghị viện khu vực và quốc tế như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF)…
Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nghị viện, theo tôi, hai Bên cần tiếp tục chú trọng các hoạt động ngoại giao nhân dân, y tế, giáo dục, văn hóa, thương mại. Đặc biệt, về lĩnh vực thương mại, hai Bên cần cùng nhau đánh giá kết quả đạt được và những mặt chưa được trên các lĩnh vực như việc thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào, việc xúc tiến thương mại, đầu tư và quản lý cửa khẩu, công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, về cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu. Đề ra các định hướng hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam-Lào trong thời gian tới, trong đó hai Bên sẽ rà soát, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá, đủ sức hấp dẫn để thu hút nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu kinh tế cửa khẩu, vào hoạt động sản xuất, chế biến, thương mại tại khu vực biên giới; thúc đẩy việc đàm phán để ký kết Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!