ĐBQH PHAN ĐỨC HIẾU: CẦN RÀ SOÁT, HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ NHÀ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN CHUYÊN NGHIỆP

14/05/2022

Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ nhưng quy mô thị trường còn nhỏ, trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm trên 90% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành. Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng cần rà soát, quy định chặt chẽ hơn nữa về điều kiện công nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Trong những năm vừa qua, thị trường vốn của Việt Nam phát triển nhanh cả về chiều rộng và chiều sâu; quy mô, sản phẩm, thanh khoản tăng mạnh, góp phần huy động nguồn lực tài chính rất quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ và bổ sung cho kênh cung ứng vốn truyền thống là tín dụng ngân hàng. Thị trường vốn đã hình thành và vận hành đầy đủ các cấu phần bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh. Đặc biệt, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, quy mô thị trường trái phiếu còn nhỏ, trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm trên 90% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành, trong khi các trái phiếu phát hành riêng lẻ là trái phiếu có thể gây ra những rủi ro cho những nhà đầu tư chưa được kiểm định trên thị trường chứng khoán.

Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, năm 2019, 2020, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, trong đó có một thay đổi rất quan trọng. Trước năm 2020, trái phiếu riêng lẻ bán cho mọi nhà đầu tư, còn từ sau năm 2020, trái phiếu riêng lẻ chỉ được bán và chuyển nhượng giữa những nhà đầu tư chứng khóan chuyên nghiệp. Đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng đây là một bước tiến tốt hướng tới thị trường chứng khoán chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó, đã có sự phân biệt rõ giữa phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng, đây là cách tiếp cận phù hợp với thông lệ quốc tế và thị trường.

Bàn về việc hoàn thiện khung pháp luật, đại biểu Phan Đức Hiếu nêu cho rằng có một số vấn đề cần quan tâm giải quyết. Về nguyên tắc, thị trường vốn, cổ phiếu, trái phiếu là kênh có sự chia sẻ giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp, không thể có sự an toàn tuyệt đối, mà hướng đến lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Bên cạnh đó, việc thực hiện biện pháp can thiệp, giám sát để bảo đảm tuân thủ pháp luật là điều phải làm, nhưng cũng cần cân nhắc những hệ quả tất yếu khi thực hiện các chính sách, biện pháp can thiệp.

Theo thống kê của Hiệp hội trái phiếu, khi phát hành trái phiếu ở thị trường sơ cấp thì số nhà đầu tư là cá nhân tham gia chỉ có 8,6%, sau đó tất cả các trái phiếu ở thị trường sơ cấp lại được bán cho các đầu tư cá nhân ở thị trường thứ cấp, do đó can thiệp ở đây có lẽ nên tập trung nhiều ở thị trường thứ cấp.

Thêm vào đó, đại biểu Phan Đức Hiếu cũng nhấn mạnh, còn tồn tại một số bất cập trong cần tháo gỡ trong hệ thống pháp luật về chứng khoán. Cụ thể, các điều kiện để một cá nhân trở thành nhà đầu tư chứng khoán rất dễ để đạt được về mặt luật pháp nhưng có thể không làm thay đổi bản chất của nhà đầu tư đó. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán. Điển hình như quy định: Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 02 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Vậy sau thời điểm đó thì như nào? Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, pháp luật nhiều nước trên thế giới có những quy định chặt chẽ hơn trong việc công nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Luật Chứng khoán giao cho chính công ty chứng khoán là những người bán hàng, có nghĩa là mua ở thị trường sơ cấp xong bán cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đại biểu Phan Đức Hiếu chỉ rõ, quy định như vậy sẽ làm xảy ra xung đột, vì nếu muốn bán hàng, họ sẽ tìm mọi cách để xác nhận đối tác đủ tư cách người mua. Nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng thực sự của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ mang đến lợi ích dài hạn, đại biểu Phan Đức Hiếu kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Về ý kiến đề xuất bổ sung thêm quy định yêu cầu đánh giá xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp phát hành, đại biểu Phan Đức Hiếu cho doanh nghiệp niêm yết bị ràng buộc vào thể chế pháp luật cao hơn thì không thể theo nguyên tắc cào bằng mà phải phân biệt theo nguyên tắc rủi ro. Nếu áp dụng quy định yêu cầu đánh giá xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp phát hành thì phải loại trừ những chủ thể không rủi ro.

Đại biểu Phan Đức Hiếu khẳng định, về dài hạn cần nâng cao chất lượng của doanh nghiệp, do vậy, không có gì khác ngoài quản trị doanh nghiệp. Nghị quyết 02/NQ-CP 2022 nhiệm vụ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh được cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao, có bộ chỉ số bảo vệ nhà đầu tư, chính là chỉ số nâng cấp chất lượng quản trị doanh nghiệp, do đó, cần thực thi mạnh mẽ Nghị quyết này để nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển thị trường bền vững./.

Minh Hùng