Toàn cảnh hội nghị
Tại hội nghị, góp ý cụ thể vào luật, các đại biểu cho rằng luật thực hiện dân chủ cơ sở phải đảm bảo phương trâm của Đại hội Đảng XIII đề ra là "dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng", tuy nhiên trong phạm vi dự án này chưa đề cập đến nội dung "dân thụ hưởng" nên đề nghị bàn biên tập tính toán thêm.
Bà Võ Thị Mùi - Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, về nội dung "dân thụ hưởng trong dự án này chưa được đề cập cho nên đề nghị Ban soạn thảo cần tính toán. Bởi nội dung này đều được phản ánh tại các diễn đàn mà quan điểm chủ trương của Đảng đều yêu cầu đưa vào sách. Do đó, nội dung "dân thụ hưởng" phải được cụ thể hóa trong luật.
Liên quan đến nội dung Ban Thanh tra nhân dân, theo các đại biểu, "Ban Thanh tra nhân dân" ở cấp xã thực hiện rất hiệu quả do không phụ thuộc vào xã, tuy nhiên tại các cơ quan, doanh nghiệp thì cân xem xét kỹ có nên thành lập ban này hay không?
Ông Đào Duy Vũ - Chánh Văn phòng Thanh tra tỉnh Bình Thuận bày tỏ: “Tại cơ quan, doanh nghiệp có cần triển khai ban thanh tra nhân dân không vì từ trước đến nay có rất nhiều các cấp các ngành đã triển khai rồi, như có thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Vậy trong các cơ quan có cần thành lập ban thanh tra hay không, cần xem vấn đề này".
Các đại biểu cũng cho ý kiến về việc bổ sung và đa dạng hóa hình thức công khai thông tin; ý thức của cộng đồng dân cư, thôn, tổ dân phố; trách nhiệm giải trình của cơ quan cấp xã trong quá trình ban hành quy định hành chính bất lợi cho công dân và liên quan tới lợi ích của cộng đồng.
Các ý kiến của các đại biểu được Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận ghi nhận, tổng hợp trình Quốc hội./.