CẦN KỊP THỜI, CÔNG KHAI, MINH BẠCH TRONG THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN GẶP KHÓ KHĂN DO ĐẠI DỊCH COVID-19

25/04/2022

Báo cáo tại hội thảo về “Tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động ở khu vực Đông Bắc Bộ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19” do Uỷ ban Xã hội tổ chức, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết việc thực hiện các chế độ chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 cần được tiến hành một cách kịp thời, công khai, minh bạch.

 

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh

Trước những tác động của dịch bệnh, nhằm chia sẻ khó khăn, đảm bảo cuộc sống của nhân dân, người lao động, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như: Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020), Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021), Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, qua đó góp phần hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động ổn định và duy trì sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội.

Báo cáo tại hội thảo về “Tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động ở khu vực Đông Bắc Bộ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19” do Uỷ ban Xã hội tổ chức, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết Bộ đã tổ chức triển khai, tuyên truyền, hướng dẫn và đôn đốc các cơ quan, đơn vị nhằm giải quyết kịp thời các chế độ cho người lao động và người sử dụng lao động theo quy định tại các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Các địa phương đã triển khai đồng bộ tới các cấp, các ngành và chi trả kinh phí hỗ trợ trực tiếp tới người dân. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ban, ngành thực hiện.

Đánh giá tình hình thực hiện các chính sách tại các tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Bộ, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết việc triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch nói chung và việc thực hiện các chế độ chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của các cấp các ngành; sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Việc hỗ trợ cơ bản là kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không bỏ sót, không để xảy ra tiêu cực.

Theo đó, các tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc Bộ đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ban hành đầy đủ các Kế hoạch/Quyết định và văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, phân công cụ thể trách nhiệm của các cấp, các ngành, trong đó phát huy, đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp cơ sở. Thủ tục, hồ sơ để triển khai các Nghị quyết và Quyết định đã được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian phê duyệt. Công tác xét duyệt, lập danh sách được tổ chức công khai, minh bạch dân chủ, theo quy trình. Công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng, thực hiện đồng bộ, đầy đủ, công khai để người dân, người lao động, doanh nghiệp và cán bộ cơ sở biết, nắm vững và thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu rõ, trong quá trình tổ chức rà soát, nhiều người dân dù thuộc diện được thụ hưởng nhưng đã chủ động xin không nhận hỗ trợ, với mong muốn chung tay cùng Nhà nước, cùng tỉnh chăm lo cho những người khó khăn hơn. Đội ngũ cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn mặc dù gặp nhiều khó khăn trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh nhưng rất tích cực trong công tác rà soát, lập danh sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn.

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như trong thời gian triển khai các Nghị quyết và Quyết định, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp với nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, các tỉnh, thành phố tập trung phòng, chống dịch phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ. Việc triển khai thực hiện công tác xác lập hồ sơ hỗ trợ, chi trả cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thời gian đầu còn chậm, nhất là tại cấp huyện, xã.

Bên cạnh đó, công tác cấp phát kinh phí hỗ trợ tại một số địa phương vẫn còn chậm, chưa chủ động trong việc chuẩn bị, bố trí kinh phí chi hỗ trợ, mặc dù không phổ biến ở tất cả địa phương, nhưng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ cấp phát chung của cả nước. Một số tỉnh vùng Đông Bắc Bộ do kinh phí ngân sách địa phương khó khăn, mặt khác do tác động của dịch bệnh không quá nặng nề nên không ban hành chính sách hỗ trợ lao động tự do.

Để nâng cao hiệu quả, tạo được kết quả thực chất cho công tác này trong thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban xã hội tiếp tục tăng cường công tác giám sát về tình hình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid đang thực hiện cũng như đối với các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường lao động và đảm bảo an sinh cho người dân sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Cùng với đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh Xã hội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động, khẩn trương giải quyết dứt điểm các hồ sơ mà người sử dụng lao động đã nộp. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc tổ chức đào tạo của các doanh nghiệp đã được phê duyệt. Rà soát những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp để thực hiện trong thời gian tới với tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động và người lao động trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm khi phục hồi sản xuất.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần tích cực hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động./.

Hồ Hương