ĐBQH NGÔ TRUNG THÀNH: CẦN BÓC TÁCH RÕ NỘI DUNG THANH TRA, KIỂM TRA TRONG CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

26/04/2022

Đánh giá về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đại biểu Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ĐBQH tỉnh Đăk Lắk chỉ ra rằng, thời gian vừa qua, số vụ việc giảm, nhưng số lượng người trực tiếp đến các cơ quan để khiếu nại, tố cáo tăng cao. Do đó, đề nghị cần bóc tách rõ nội dung thanh tra, kiểm tra trong công tác này để làm rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm nếu có sai phạm.

 

 Đại biểu Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ĐBQH tỉnh Đăk Lắk đưa ra quan điểm

Đánh giá về tình hình chung trong tiếp công dân và khiếu nại, tố cáo, đại biểu Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ĐBQH tỉnh Đăk Lắk chỉ rõ, theo báo cáo, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng rất lớn (67,6%); số lượt đoàn đông người cũng tăng (9,2%), nhưng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước giảm tương đối (16,1%). Như vậy, số vụ việc giảm, nhưng số lượng người trực tiếp đến các cơ quan để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì tăng rất lớn (đặc biệt là giai đoạn 2020-2021 diễn ra dịch bệnh COVID-19 nên người dân bị hạn chế không trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo trực tiếp tại các cơ quan được, nếu không thì số lượng người này còn tăng lớn hơn nữa). Do đó, cần làm rõ nguyên nhân của vấn đề này, phải chăng công tác quản lý nhà nước đã làm tốt hơn nên số vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh giảm? Phải chăng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo kém hơn, người dân mất niềm tin vào việc giải quyết của các cơ quan cấp dưới cho nên trực tiếp phải đến các cơ quan tổ chức cấp trên để khiếu nại, tố cáo nhiều hơn?

Đại biểu cũng chỉ ra rằng, nhìn chung tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo giảm, nhưng số vụ việc riêng tố cáo lại tăng (tăng 99,3% số đơn và 27,4% số vụ việc). Do đó, cần làm rõ nguyên nhân tại sao số vụ việc tăng, số đơn thư tăng lên rất nhiều như vậy; phải chăng công tác giải quyết tố cáo chưa hiệu quả, kém hơn so với giai đoạn trước?

Về việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đại biểu cho biết, các báo cáo có nêu rõ, qua việc tiến hành các cuộc thanh kiểm tra trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã kiến nghị xử lý trách nhiệm hành chính đối với nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong thực hiện trách nhiệm thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra đã kiểm điểm trách nhiệm một số tổ chức, cá nhân.

Do đó, đại biểu đề nghị nên có sự bóc tách nội dung thanh tra, kiểm tra trong việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan trong tiếp công dân, trách nhiệm của cơ quan trong giải quyết khiếu nại, tố cáo để: đánh giá về công tác thanh tra, kiểm tra của cấp trên đối với với cấp dưới như thế nào; đánh giá kết quả trong việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân ra sao; làm rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với cấp dưới có sai phạm trong thực hiện quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Về việc thực hiện rà soát lại việc giải quyết đối với các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài thuộc lĩnh vực hành chính, đại biểu cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, hiện nay có khoảng 500 vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự; tuy nhiên, trong số 500 vụ việc này thì chỉ có một phần vụ việc nằm trong danh sách rà soát, còn phần lớn vụ việc nếu trên không nằm trong danh sách. Do đó, đề nghị làm rõ tiêu chí xác định các vụ việc, tại sao có sự khác nhau quá lớn. Có nhiều vụ việc cơ quan công an xác định là phức tạp về an ninh, trật tự lại không nằm trong số các vụ việc phức tạp phải rà soát. Phải chăng đa phần các vụ việc đó đã được giải quyết đúng, nhưng vì các lý do tiêu cực khác nên người dân không chấp nhận, tạo nên các điểm nóng, phức tạp hay là do công tác rà soát các vụ việc của các cơ quan hành chính làm chưa tốt, bỏ lọt các vụ việc này?

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị nên chọn một địa phương ở khu vực Tây Nguyên để xem xét tổng thể vấn đề khiếu nại liên quan đến đất đai, nông lâm trường, vấn đề dân tộc và cũng là đại diện cho vùng miền. Trong số các địa phương lựa chọn đến giám sát, đề nghị nên chọn 01 địa phương mà theo báo cáo cho thấy đã làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo để thấy rõ được cách làm hay, kinh nghiệm triển khai làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Hồ Hương