BẢO ĐẢM SỰ TƯƠNG THÍCH CỦA PHÁP LUẬT NỘI ĐỊA VỚI CÁC CAM KẾT TẠI HIỆP ĐỊNH CPTPP VÀ EVFTA

28/04/2022

Nhận định về vấn đề "nội luật hoá" trong việc thực thi các cam kết trong Hiệp định CPTPP và EVFTA, TS. Bùi Hải Thiêm cho rằng, “nội luật hoá” nhằm bảo đảm sự tương thích của pháp luật nội địa với các cam kết trong Hiệp định, bảo đảm các cam kết có thể được triển khai khả thi trên thực tế.

 

Toàn cảnh Hội thảo Thực hiện và giám sát thực hiện chính sách, pháp luật theo các cam kết quốc tế về môi trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong Hiệp định CPTPP và EVFTA

Nhận định về vấn đề nội luật hoá và vai trò của Quốc hội trong việc thực thi và giám sát thực thi các cam kết trong Hiệp định CPTPP và EVFTA, TS. Bùi Hải Thiêm, Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ, Ban Quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu Lập pháp cho biết, chủ thể thực hiện các cam kết, ràng buộc quyền và nghĩa vụ trong Hiệp định CPTPP và EVFTA là các Bên tham gia, tức là các Nhà nước, nước thành viên đã ký và phê chuẩn Hiệp định. Mặc dù có một số quan điểm khác nhau về nội luật hoá, tại Việt Nam, chủ thể Nhà nước cần thực hiện quá trình “nội luật hóa” cam kết FTA để các cam kết này phát huy hiệu lực và tác động trên thực tế với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cụ thể, cần thiết để chuyển thể các cam kết này thành các quyền và nghĩa vụ cụ thể cho các chủ thể trên.

Theo TS.Bùi Hải Thiêm, đối với Việt Nam, quá trình “nội luật hóa” các cam kết này được thực hiện thông qua một hoặc hai cách thức như cho phép áp dụng trực tiếp các cam kết của Hiệp định bằng Nghị quyết của Quốc hội và ban hành các quy định pháp luật mới, hoặc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các quy định pháp luật đang có để thực thi các cam kết của các Hiệp định.

Theo đó, Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội phê chuẩn CPTPP đã liệt kê 15 cam kết/nhóm cam kết sẽ được áp dụng trực tiếp khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam. Như vậy, 15 cam kết/nhóm cam kết CPTPP được liệt kê đã được “nội luật hóa tự động”, có thể áp dụng ngay khi Hiệp định có hiệu lực, trở thành căn cứ hợp pháp cho các hoạt động tương ứng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không cần viện dẫn tới quy định pháp luật nội địa nào. Ngoại trừ các cam kết được áp dụng trực tiếp theo Nghị quyết 72/2018/QH14, về nguyên tắc, các cam kết CPTPP còn lại sẽ không được áp dụng trực tiếp ở Việt Nam. Do đó, để có thể áp dụng các cam kết này cho các tổ chức, cá nhân thì cần “nội luật hóa” các cam kết thông qua việc ban hành các quy định pháp luật mới, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các quy định pháp luật đang có.

TS. Bùi Hải Thiêm, Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ, Ban Quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu Lập pháp

Nhấn mạnh Hiệp định CPTPP và EVFTA đòi hỏi khối lượng công việc “nội luật hóa” cam kết lớn hơn so với các Hiệp định khác với tính chất công việc phức tạp, đa dạng ở nhiều khía cạnh, lĩnh vực, thậm chí có nhiều công việc chưa từng đặt ra trong các FTA trước đây. TS.Bùi Hải Thiêm cho rằng, việc nội luật hóa nhằm bảo đảm sự tương thích của pháp luật nội địa với các cam kết trong hai Hiệp định trên, và bảo đảm các cam kết theo hai Hiệp định có thể được triển khai khả thi trên thực tế.

TS. Bùi Hải Thiêm cũng nêu rõ, yêu cầu “nội luật hóa” xuất phát từ tính chất “thế hệ mới” của Hiệp định CPTPP và EVFTA. Đây là hai FTA thế hệ mới có phạm vi cam kết rộng nhất từ trước tới nay với nhiều chế định thương mại mới hoặc lần đầu tiên được cam kết trong một FTA, đồng thời còn có các chế định về các khía cạnh phi thương mại nhưng có mối liên hệ không tách rời với hoạt động thương mại. Các cam kết được đưa ra một cách thực chất, với các yêu cầu chi tiết và cụ thể liên quan trực tiếp tới nhiều cơ chế quản lý, quy tắc thương mại - đầu tư trong hệ thống pháp luật, chính sách nội địa Việt Nam. Nhiều quy định pháp luật nội địa trước đây chưa từng chịu ràng buộc bởi các cam kết FTA nhưng phải chịu sự ràng buộc của các cam kết CPTPP, do đó cần phải điều chỉnh, sửa đổi, hoặc có quy định mới riêng để đáp ứng yêu cầu cam kết CPTPP.

Theo TS. Bùi Hải Thiêm, yêu cầu “nội luật hóa” cũng xuất phát từ tính chất “tiêu chuẩn cao” của Hiệp định CPTPP và EVFTA được thể hiện chủ yếu ở các cam kết quy tắc như các yêu cầu cao hơn mức của các cam kết WTO về cùng vấn đề  hoặc có yêu cầu cao hơn hiện trạng pháp luật ở một/các nước thành viên trong các khía cạnh mà WTO không đề cập. Hiện nay, Việt Nam là thành viên của WTO nên hệ thống pháp luật liên quan tới thương mại, đầu tư nói chung cơ bản được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn liên quan của WTO. Do đó, việc thực thi các cam kết “tiêu chuẩn cao” này của CPTPP và EVFTA đòi hỏi Việt Nam phải có những điều chỉnh cần thiết để hệ thống pháp luật, thể chế nội địa tương thích với yêu cầu của hai Hiệp định trên./.

Minh Thành

Các bài viết khác