Ảnh Thái Bình
Quyết tâm cao, giải pháp linh hoạt
- Qua theo dõi lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng như qua giám sát, bà đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021 trong lĩnh vực này?
- Trước hết, tôi chia sẻ với các cơ sở GDNN vì những khó khăn trong công tác tuyển sinh, đào tạo trước tác động của đại dịch Covid-19. Và cũng cho rằng, trong bối cảnh ấy, toàn ngành GDNN phải có thật nhiều nỗ lực, nhiều giải pháp linh hoạt mới có thể vượt qua thách thức để hoàn thành nhiệm vụ. Dù tỷ lệ tuyển sinh còn thấp nhưng vẫn đang trong lộ trình, và các cơ sở GDNN đã rất linh hoạt để duy trì hoạt động đào tạo, bao gồm cả dạy trực tuyến với một số ngành nghề, chương trình. Tất nhiên, với lĩnh vực GDNN, dạy trực tuyến khó khăn hơn, nhưng dù sao đó cũng là giải pháp bắt buộc trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường. Hy vọng các cơ sở GDNN sẽ coi thách thức này là cơ hội, chuẩn bị đội ngũ, hạ tầng cơ sở, trang thiết bị dạy học trực tuyến để đón đầu những chương trình đào tạo ngành nghề phù hợp với phương thức này.
- Vậy theo bà, những vấn đề nào cần được quan tâm hơn trong lĩnh vực GDNN ở thời điểm này và những năm tới?
- Chúng tôi đang rất quan tâm tới vấn đề đào tạo lại lao động. Khi dịch Covid-19 bị đẩy lùi, một số ngành nghề, công việc sẽ thay đổi, một bộ phận lực lượng lao động mất việc làm đòi hỏi phải được đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu mới. Hoặc khi hội nhập, trong bối cảnh công nghệ số, rất nhiều ngành nghề mới sẽ xuất hiện, người ta không thể học một nghề rồi làm nghề ấy suốt đời, mà có thể thay đổi công việc rất nhanh, rất gấp. Theo tôi, đây là một dư địa rộng lớn, có thể khai thác, do vậy, cần được các cơ sở GDNN xác định một cách rõ nét hơn để có giải pháp đối với vấn đề đào tạo lại lao động, thích ứng tình hình mới.
Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống dữ liệu về GDNN cũng cần được quan tâm. Đặc biệt, hệ thống dữ liệu về GDNN, về nguồn nhân lực cần được đặt trong hệ thống dữ liệu quốc gia, để có sự thống kê và cập nhật thường xuyên, là cơ sở để xây dựng chính sách và kế hoạch, cũng như quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở GDNN phù hợp những năm tới.
Truyền thông mạnh mẽ để thay đổi nhận thức
- Những khó khăn, hạn chế trong lĩnh vực GDNN được nhắc đến nhiều năm nay như kết quả tuyển sinh và đào tạo chưa đạt chỉ tiêu đặt ra; tỷ lệ phân luồng vào học nghề và tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ còn thấp… nhưng chưa được cải thiện là bao. Theo bà, đâu là nguyên nhân căn bản của tình trạng này?
Giờ thực hành nghề Cơ điện tử tại Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp (Vĩnh Phúc) - Ảnh: Thái Bình
- Lâu nay, một bộ phận người học cũng như gia đình người học vẫn đặt mục tiêu đầu tiên là vào đại học, không vào được đại học mới chọn GDNN. Việc nhận thức chưa được đầy đủ và đúng đắn về GDNN chính là nguyên nhân đầu tiên dẫn tới không đạt được tỷ lệ thu hút học sinh vào trường nghề. Tất nhiên, muốn người học nhận thức đúng, xã hội nhận thức đúng thì các cơ sở GDNN cũng cần xác định rõ sứ mệnh của mình, đó là đào tạo nghề bảo đảm chất lượng, để người được đào tạo có thể tìm việc làm, có thể sống được bằng nghề. Đã đến lúc phải nhìn nhận lại, nguồn nhân lực chất lượng cao, nhu cầu việc làm không phải là vấn đề bằng cấp, mà ở kỹ năng nghề, khả năng lao động, làm việc phù hợp và đem lại thu nhập. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho GDNN đang rất thấp. Theo chủ trương chung, chúng ta dành 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong 100% của 20% đó, GDNN chỉ được đầu tư khoảng 8%.
Nếu xét về nguyên nhân chủ quan, tôi nghĩ có lẽ bắt đầu từ cơ cấu tổ chức bộ máy và con người. Theo báo cáo và qua giám sát, chúng tôi thấy bộ máy tham mưu về lĩnh vực GDNN cấp tỉnh, huyện, xã hiện nay không thống nhất. Khi lực lượng tham mưu thiếu, đào tạo không bài bản, không chuyên nghiệp, thậm chí kiêm nhiệm, làm sao có thể tham mưu đúng hướng trong phát triển GDNN ở các địa phương? Ngoài ra, rất nhiều cơ sở GDNN có cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ chưa đáp ứng yêu cầu, chương trình đào tạo vẫn theo kiểu truyền thống, không thu hút người học…
- Từ thực tế hiện nay, cần có giải pháp gì để GDNN phát huy vai trò của mình, tham gia thực hiện một trong ba khâu đột phá mà Đại hội XIII của Đảng đặt ra, đó là phát triển nguồn nhân lực, trong đó ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao?
- Giải pháp đầu tiên để thay đổi nhận thức là công tác truyền thông. Cần truyền thông mạnh mẽ, tích cực, thường xuyên, liên tục và đa dạng, phong phú về mặt hình thức. Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng như Tổng cục GDNN đã có những sáng kiến, đổi mới trong truyền thông để xã hội nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của GDNN, cũng là để bản thân các cơ sở GDNN nhận ra tầm quan trọng và vai trò của mình. Khi các cơ sở GDNN tự thay đổi, làm mới mình, xây dựng thương hiệu, đó là cách truyền thông tốt nhất để thuyết phục xã hội. Từ nhận thức đầy đủ về vai trò của GDNN, tăng cường nguồn lực, kiện toàn bộ máy, đầu tư cho con người, để có được đội ngũ tốt làm công tác tham mưu cho lĩnh vực GDNN.
Tôi biết, thời gian này Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến để hoàn thiện Chiến lược Phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, và xây dựng Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là những văn bản rất quan trọng, quyết định hướng phát triển cũng như kết quả của hoạt động GDNN 5 năm tới và giai đoạn tiếp theo.
Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN phải khẩn trương. Đây không chỉ là trách nhiệm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mà còn của các bộ, ngành, địa phương là cơ quan chủ quản của một số cơ sở GDNN. Cần phối hợp chặt chẽ để có quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở GDNN trên toàn quốc, tránh tình trạng nguồn lực đã thiếu, lại dàn trải, manh mún, đầu tư không đồng bộ và không tập trung. Trong quá trình rà soát mạng lưới, cơ sở GDNN nào đủ năng lực thì giữ lại, cơ sở nào không đáp ứng thì tinh gọn để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tóm lại, chỉ khi xác định được tầm quan trọng của GDNN trong thực hiện mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực đủ mạnh, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, lúc đó chúng ta sẽ có sự đầu tư đúng hướng, quyết liệt hơn cho GDNN.
- Xin cảm ơn bà!