ĐẠI BIỂU NGUYỄN TẠO: CẦN QUAN TÂM GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN

09/11/2021

Tham gia thảo luận tại hội trường ngày 09/11 về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, đại biểu Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị, Chính phủ cần quan tâm giải ngân vốn đầu tư công trung hạn; lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội.

 

Đại biểu Nguyễn Tạo tham gia thảo luận tại hội trường ngày 09/11 về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022

Đại biểu Nguyễn Tạo bày tỏ thống nhất cao với quan điểm chỉ đạo, điều hành, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu trong dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Chính phủ đã bám sát, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhấn mạnh việc tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đại biểu Nguyễn Tạo đề cập, kiến nghị thêm một số nội dung, cụ thể:

Một là, công tác quy hoạch có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và được xác định là động lực cho tăng trưởng; theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 và Nghị định số 37/NĐ-CP ngày 07/05/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch thì trong hệ thống quy hoạch quốc gia, trước tiên phải tập trung cho quy hoạch tổng thể quốc gia, sau đó quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, sau đó tới quy hoạch tỉnh; tuy nhiên, việc triển khai Luật Quy hoạch rất chậm, không đủ cơ sở, gây khó khăn trong việc tích hợp các quy hoạch chung như: Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021-2030, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch rừng… Đề nghị, Chính phủ cần sớm có quy hoạch tổng thể quốc gia để đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng, gắn với khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, phát triển các ngành, vùng, địa phương trong thời gian tới.

Hai là, về cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2022 và các năm tiếp theo, trước tình hình khó khăn của kinh tế thế giới và đất nước, để bảo đảm chủ động cho Chính phủ có nguồn lực phòng chống dịch COVID-19, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và nhân dân phục hồi sản xuất, đặc biệt là việc tăng cường nâng cao nguồn lực cho y tế cơ sở vốn đã yếu và thiếu sau đại dịch, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết, điều tiết kịp thời đối với các dự án chậm triển khai ; phấn đấu tăng thêm số thu ngân sách Nhà nước thông qua các nguồn thu còn dư địa và thí điểm cơ chế, chính sách phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng động lực tăng trưởng mới đăc biệt là những địa phương có thị trường thương mại, dịch vụ, bất động sản sôi động…

Ba là, Chính phủ cần quan tâm giải ngân vốn đầu tư công trung hạn; lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, nhất là có các giải pháp đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (vì còn quá nhiêu khê làm nản lòng các nhà đầu tư, hoặc có vốn nhưng phải chờ công trình được phê duyệt…), đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính liên vùng, liên khu vực, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, trong đó có đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị... Thực hiện triệt để việc phân cấp, phân quyền từ Trung ương đến địa phương; qua thực tế cho thấy việc giải ngân vốn đầu tư công chậm được triển khai có nhiều lý do, trong đó có một lý do khách quan tồn tại kéo dài đó là công tác quản lý việc giải phóng mặt bằng. Đại biểu đề nghị Quốc hội quyết nghị cho tách dự án giải phóng mặt bằng giao cho địa phương làm chủ đầu tư đối với các dự án đi qua địa phương mình để đẩy nhanh tiến độ, gắn với cơ chế phân công và xác định trách nhiệm người đứng đầu một cách rõ ràng, minh bạch, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Bốn là, về quản lý và sử dụng tài sản công, đây là nguồn lực còn bỏ ngỏ, chưa được khơi dậy và phát huy hiệu quả một cách toàn diện và đầy đủ, còn lãng phí rất lớn và phát sinh nhiều tiêu cực trong thực tiễn đời sống xã hội; đề nghị Chính phủ cần có các chế định đủ mạnh, kiên quyết để thống kê quản lý, điều chỉnh một cách chặt chẽ về đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng… Mặc dù đây là nguồn lực lớn nhưng số thu còn hạn chế, tránh tình trạng lãng phí trong thực tế còn diễn ra như: tình trạng sử dụng sai mục đích, triển khai quy hoạch sử dụng đất chậm, không đồng bộ, tình trạng quy hoạch treo vẫn còn tồn tại,…phát sinh tiêu cực, gây bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội, kìm hãm sự phát triển đồng bộ, thiếu bền vững./.

Kim Liên

Các bài viết khác