ĐBQH NGUYỄN THÀNH NAM: CẦN CÓ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

10/11/2021

Tại Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn chiều ngày 10/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

 

Đại biểu Nguyễn Thành Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ

Đặt vấn đề, đại biểu Nguyễn Thành Nam cho biết, hiện nay vẫn còn có một số cơ sở giáo dục chưa phát huy hiệu quả, làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo lao động, vừa làm lãng phí cơ sở vật chất, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có giải pháp như thế nào để đào tạo chất lượng lao động được tốt hơn, đáp ứng phục hồi kinh tế sau đại dịch?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay chúng ta có khoảng 1.900 các cơ sở đào tạo nghề nghiệp. Trong đó, có khoảng 400 cơ sở công lập hệ cao đẳng, khoảng 400 cơ sở trung cấp, còn lại hầu như là các cơ sở tư thục.

Gần đây,  Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang tiến hành rà soát, sắp xếp theo nguyên tắc những cơ sở giáo dục nghề nghiệp nào hoạt động 3 năm liền không đạt yêu cầu thì sắp xếp lại; những cơ sở giáo dục nào cùng trên địa bàn có ngành nghề, lĩnh vực trùng nhau khoảng 60% thì cũng sắp xếp, sáp nhập lại. Trường hợp, 1 tỉnh có nhiều trường thì có thể hình thành 1 đến 2 trường cao đẳng, trừ những nơi như Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hà Nội, những vùng trọng điểm kinh tế thì có thể có nhiều trường nghề hơn, còn cơ bản là sắp xếp lại 1 đến 2 trường cao đẳng (trong trường cao đẳng thì có hệ cao đẳng, có hệ trung cấp, hệ sơ cấp).

Theo Bộ trưởng, qua hơn 2 năm triển khai, về cơ bản đã tổ chức sắp xếp và tinh gọn được khoảng trên 300 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở giáo dục nghề nghiệp do nhiều ngành, nhiều bộ, cơ quan, địa phương quản lý trên cùng một địa bàn dẫn đến cùng một đối tượng nhưng hiệu quả, chất lượng ở mức độ khác nhau.

Bộ trưởng cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ quy hoạch mạng lưới các trường nghề trên quy mô cả nước theo tinh thần tinh gọn nhất và có thể chuyển giao về một đầu mối ở Trung ương là một đầu mối quản lý nhà nước. Đối với địa phương, giao cho địa phương chủ động sắp xếp theo quy hoạch mạng lưới và quy hoạch lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Riêng các trường cao đẳng thì có sự thỏa thuận thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vì bộ là cơ quan quản lý nhà nước và quyết định việc thành lập các trường này./.

Lê Anh

Các bài viết khác