ĐBQH NGUYỄN THANH HẢI: CẦN ĐẨY MẠNH TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC VACCINE

09/11/2021

“Quốc hội, Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục có các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa Chiến lược vaccine, nhất là việc nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước, nhằm tăng tỷ lệ bao phủ tiêm chủng, chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh…” là một trong những ý kiến đóng góp của đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Long An, về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

 

Toàn cảnh phiên họp toàn thể Quốc hội ngày 09/11/2021

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, việc đẩy mạnh thực hiện Chiến lược vaccine, nhất là việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, nhằm tăng tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cho người dân, để chúng ta được chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Song song đó là kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nhất là các tỉnh chịu sự ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch lần thứ tư vừa qua. Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có các giải pháp quyết liệt hơn nhằm tránh sự đứt gãy của thị trường lao động.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải phân tích, trong thời gian qua, do sự tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ, một số doanh nghiệp phải giải thể. Kéo theo đó, là hàng trăm ngàn công nhân lao động phải tạm dừng hoặc nghỉ việc trong thời gian dài. Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, rất nhiều công nhân lao động bỏ về địa phương. Tình trạng này vừa gây sức ép rất lớn cho các địa phương trong việc giải quyết vấn đề thâm hụt lao động, nhưng cũng gây áp lực không nhỏ cho các địa phương tiếp nhận nhiều người lao động hồi hương cùng lúc với số lượng lớn gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch, cũng như thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm. Đặc biệt, qua xảy ra dịch bệnh, chúng ta thấy được vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế chính sách về đất đai cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư được ưu đãi xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong các khu, cụm công nghiệp để cho công nhân, người lao động thuê, mua ưu đãi để an tâm lao động, sản xuất, đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Liên quan tới hỗ trợ nông dân tái sản xuất, đại biểu cho rằng cần có những giải pháp căn cơ hơn trong việc bình ổn giá trên lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ người nông dân tái sản xuất, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Đại biểu nêu dẫn chứng, trong quý III/2021, nước ta vừa chống dịch, vừa giãn cách xã hội kéo dài, sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp sản xuất ra người dân đều bị lỗ, giá bán các loại gia cầm chỉ bằng 1/3 giá thành sản xuất; ngành chăn nuôi heo bình quân cứ 100 kg heo xuất chuồng thì người dân bị lỗ từ 1 đến 2 triệu đồng và người trồng lúa bị giảm trên 50% lợi nhuận. Trong khi đó giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, xăng, dầu, khí gas, thức ăn gia súc,…lại tăng rất cao, làm cho đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp đưa ra các giải pháp bình ổn giá, kiểm soát thị trường và có cơ chế chính sách hỗ trợ người đân trong sản xuất nông nghiệp để người dân an tâm sản xuất, không bị đứt gãy trên lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Trung ương sớm tổng kết Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, để từ đó đề ra các giải pháp cụ thể, phù hợp hơn trong việc phòng, chống xâm nhập mặn và tác động khó lường của biến đổi khí hậu đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Về lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương, đại biểu cơ bản thống nhất với quan điểm của Chính phủ, bởi ngân sách thời gian qua tập trung công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, cử tri kỳ vọng mong muốn rất nhiều ở Chính phủ về những giải pháp thật cụ thể, rõ ràng hiệu quả hơn trong việc đảm bảo đầy đủ nguồn lực tài chính để thực hiện đúng lộ trình cải cách tiền lương trong năm 2022, tránh tình trạng lùi nhiều lần, nhằm duy trì động lực, sự an tâm công tác và cống hiến cho đất nước của cán bộ, công chức, viên chức người lao động. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ sớm điều chỉnh tăng mức lương hưu đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ./.

Hà Lan

Các bài viết khác