Trên cơ sở nghiên cứu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, về cơ bản, đại biểu Võ Đình Tín, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông thống nhất với nhiều nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý trong Dự thảo Luật.
Cho ý kiến về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, tại khoản 5 Điều 90 của Dự thảo Luật quy định: Người từ đủ 14 tuổi trở lên trong thời hạn 6 tháng 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và đã bị lập biên bản vi phạm hành chính tại vi phạm lần thứ ba về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Đại biểu Võ Đình Tín tán thành việc bổ sung đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là người sử dụng trái phép chất ma túy từ đủ 14 tuổi trở lên như quy định tại khoản 5 Điều 90 của Dự thảo Luật. Việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với nhóm đối tượng này cũng là để thể chế hóa Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị về tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Đại biểu cũng tán thành với việc chỉnh lý tại khoản 7 Điều 90 của dự thảo luật theo hướng giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục đối với người sử dụng trái phép chất ma túy từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi không có nơi cư trú ổn định trong thời gian áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Quy định như vậy là thống nhất với việc giao cho các tổ chức này quản lý, giáo dục đối với người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà không có nơi cư trú ổn định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, theo đại biểu Võ Đình Tín, chỉ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà không có hình thức, biện pháp xử lý mang tính nghiêm khắc hơn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tiếp tục có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy như trong Dự thảo Luật là chưa giải quyết triệt để vấn đề, chưa thể chế hóa đầy đủ Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Vì vậy, cần có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Bởi lẽ, với quy định như dự thảo luật thì người sử dụng trái phép chất ma túy đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nếu các hành vi sử dụng trái phép chất ma túy nhiều lần sau đó cũng bị chỉ xử phạt vi phạm hành chính. Trong khi đó, ranh giới giữa sử dụng ma túy nhiều lần với nguyện ma túy là rất mong manh. Do đó, nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy nhiều lần sẽ dẫn đến tình trạng bị lệ thuộc vào ma túy và trở thành người nghiện ma túy. Điều này làm gia tăng số lượng người nghiện ma túy và như vậy là chưa thực hiện đúng nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị là "tập trung, ngăn chặn sự gia tăng người nghiện mới".
Đại biểu Võ Đình Tín, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đề nghị quy định rõ trong Luật Xử lý vi phạm hành chínhchế tài nghiêm khắc đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Với các lý do đó, đại biểu Võ Đình Tín đề nghị trong Dự thảo Luật cần được chỉnh lý theo hướng cần có biện pháp mang tính đồng bộ hơn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy nhiều lần nhưng chưa nghiện ma túy. Cụ thể, người sử dụng trái phép chất ma túy nếu đã bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tiếp tục có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì bị áp dụng biện pháp nghiêm khắc hơn là đưa vào trường giáo dưỡng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên để quản lý, giáo dục người đó không có cơ hội sử dụng trái phép chất ma túy dẫn đến bị lệ thuộc và trở thành người nghiện ma túy. Quy định như vậy cũng đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với việc quy định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc đối với người đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tiếp tục có hành vi phạm được quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 92; khoản 1 Điều 94 của Dự thảo Luật.
Cho ý kiến về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đại biểu Võ Đình Tín nhận thấy so với Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, khoản 1 Điều 96 của Dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 10 đã được chỉnh lý theo hướng người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy. Tuy Dự thảo Luật đã được chỉnh lý như vậy nhưng trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sau khi Quốc hội thảo luận cho ý kiến đối với dự thảo Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi tại Kỳ họp 10 nếu đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì có thể quy định luôn trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo quan điểm của đại biểu, việc quy định theo hướng dẫn chiếu như trong dự thảo luật là phù hợp, không nên quy định cụ thể đối với đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong dự thảo luật. Bởi lẽ:
Thứ nhất, Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy mới được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 10 và theo chương trình sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11 nên đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa rõ ràng. Trong khi đó, người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo luật hiện hành hay dự thảo Luật Phòng, chống ma túy không chỉ là tất cả mà chỉ một phần trong tổng số người nghiện ma túy hay nói cách khác thì đây chỉ là phần ngọn, nếu chúng ta quyết phần ngọn trước, sau đó mới quyết phần gốc, phần thân thì không ổn.
Thứ hai, nếu quy định rõ đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại khoản 1 Điều 96 của Dự thảo Luật thì dễ dẫn đến trường hợp tại kỳ họp tới khi thông qua Luật Phòng, chống ma túy mà có quy định khác với quy định tại khoản 1 Điều 96 thì đương nhiên phải sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 96 để thực hiện đúng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong khi đó tại thời điểm đó Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính còn chưa có hiệu lực./.