Đại biểu Đặng Thuần Phong đề nghị việc sửa đổi, bổ sung quy định về cai nghiện bắt buộc thì nên xem xét trong quá trình thảo luận cho ý kiến tổng thể về Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Đại biểu Đặng Thuần Phong, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre chưa đồng tình với quan diểm của đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho rằng: nên quy định luôn đối tượng từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quy định ngay trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mà không đợi để quy định trong Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Đại biểu Đặng Thuần Phong cho rằng, biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc đã được điều chỉnh cả trong Luật Phòng chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cai nghiện có 2 biện pháp là cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện. Cai nghiện bắt buộc có thể ở cả tự nguyện, có thể địa điểm, hình thức thì cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, ở xã, phường, thị trấn, các cơ sở cai nghiện công lập hoặc là các cơ sở cai nghiện của tư nhân. Cho nên, đối tượng để đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc này thì phải nằm ở bên Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và chúng ta đã phấn đấu một quá trình rất dài để thay đổi biện pháp hành chính, biến từ kỹ thuật hành chính từ Ủy ban nhân dân sang thẩm quyền cho Tòa án hành chính tư pháp để đưa người đi cai nghiện bắt buộc. Trong đó, xác định rõ tình trạng nghiện để đưa vào cai nghiện, có thể 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng hay là 2 năm. Nếu chúng ta trở lại hành chính thông thường để cho Ủy ban nhân dân đưa vào đó thì đi ngược lại xu thế tiến bộ hiện nay.
Thứ hai, Luật Phòng, chống ma túy hiện hành cũng đã quy định đầy đủ, cụ thể các biện pháp đối với người nghiện ma túy, trong đó có biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và biện pháp này có mối quan hệ chặt chẽ với các quy định khác trong Luật Phòng, chống ma túy. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung quy định về cai nghiện bắt buộc thì nên xem xét trong quá trình thảo luận cho ý kiến tổng thể về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), như vậy sẽ phù hợp hơn, toàn diện hơn và đúng với phạm vi, đối tượng điều chỉnh.
Thứ ba, Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 cũng đã quy định cụ thể các trường hợp bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc (thể hiện tại khoản 1 Điều 37). Vì vậy, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định theo hướng dẫn chiếu Luật Phòng, chống ma túy khi quy định đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là phù hợp. Quy định như vậy sẽ tránh được sự xung đột pháp luật, nhất là khi biện pháp cai nghiện bắt buộc đang được điều chỉnh ở cả hai dự án luật.
Thứ tư, cũng tại Điều 37 Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) cũng liên quan trực tiếp tới quyền con người, quyền công dân và một số nội dung của điều luật này đang được hoàn thiện và vẫn còn tham khảo nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và của các đối tượng chịu sự tác động. Vì vậy nếu chúng ta quy định các đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong Luật Xử lý vi phạm hành chính thì không đảm bảo tính khả thi và khoa học, chưa đáp ứng được yêu cầu hoàn thiện pháp luật.
Để tạo điều kiện Chính phủ và Quốc hội có thêm thời gian để xem xét, nghiên cứu thấu đáo khi thông qua luật này, đại biểu Đặng Thuần Phong đề nghị nên dẫn chiếu sang Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)./.