Đại biểu Sần Sín Sỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV.
Góp ý vào các nội dung cụ thể của Luật, đại biểu Sần Sín Sỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cho biết, tại khoản 25 Điều 1 dự thảo luật sửa đổi, bổ sung; đoạn mở đầu, khoản 4 Điều 52, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định, trường hợp vụ việc do nhiều người thực hiện nhiều hành vi phạm, vì thực tế có nhiều người thực hiện nhiều hành vi phạm trong một vụ việc và thẩm quyền xử phạt của từng người vi phạm là khác nhau. Tuy nhiên, Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 chưa có quy định để xác định thẩm quyền xử phạt đối với những trường hợp này.
Thứ hai, khoản 28 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 58, đại biểu đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 58, theo đó đề nghị tăng thời gian lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với các vụ việc phức tạp.
Nội dung thứ ba, nội dung sửa đổi khoản 3 Điều 58, đại biểu đề nghị bỏ đoạn “trường hợp cá nhân, tổ chức yêu cầu giải trình thì phải ghi rõ ý kiến vào biên bản” vì tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm không yêu cầu giải trình. Tuy nhiên, trong trường hợp đến ngày cuối cùng của thời hạn giải trình thì người vi phạm lại yêu cầu giải trình nên việc đưa lý do không giải trình vào biên bản là không khả thi.
Cho ý kiến khoản 42 Điều 1 của dự thảo luật về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 86 xử lý vi phạm hành chính, đại biểu chọn phương án 1, không bổ sung điểm d khoản 2 Điều 86 vì việc thi hành quyết định xử phạt hành chính không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc áp dụng biện pháp này sẽ vi phạm quyền con người và nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính.
Đại biểu Sần Sín Sỉnh cho biết: Khoản 45 Điều 1 của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 90 áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Khoản 46 sửa đổi, bổ sung Điều 92 đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng. Khoản 47 sửa đổi, bổ sung Điều 94 đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc cần có điều kiện như sau: Trong thời hạn 6 tháng, 2 lần vi phạm xử phạt hành chính và đã bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba so với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, vi phạm trật tự an toàn xã hội 2 lần trở lên trong vòng 6 tháng, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì khó khả thi hơn so với luật năm 2012. Mặt khác, theo quy định của Luật Hình sự, người có hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe gây tổn hại sức khỏe cho người khác, v.v. đã được xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì sẽ xử lý hình sự. Như vậy, có sự mâu thuẫn giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Hình sự.
Tại khoản 70 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 140a quy định giáo dục dựa vào cộng đồng theo quy định: Giáo dục dựa vào cộng đồng là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính với việc nhắc nhở, quản lý tại gia đình. Đối tượng áp dụng biện pháp này theo quy định tại khoản 1 Điều 92, đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng người đủ 12 tuổi trở lên đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự có nơi cư trú ổn định, đang theo học tại các cơ sở giáo dục và có cha, mẹ, người giám hộ cam kết bằng văn bản về việc quản lý giáo dục. Theo quan điểm của đại biểu, áp dụng biện pháp này thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với đối tượng này là chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính răn đe của pháp luật. Đồng thời, bản thân đối tượng khi đã thực hiện hành vi phạm có dấu hiệu phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nếu để sinh hoạt trong cộng đồng không có sự kiểm soát, quản lý của cơ quan chức năng sẽ tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho xã hội. Đại biểu Sần Sín Sỉnh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét quy định này cho phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, đại biểu Sần Sín Sỉnh cho rằng tại khoản 2 Điều 71 của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, trong quá trình áp dụng có rất nhiều nội dung vướng mắc. Do vậy, phải sửa đổi, do vậy bổ sung quy định sửa đổi theo hướng là bổ sung quy định trường hợp này nếu quyết định xử phạt gửi đến các cơ quan ở địa phương mà không có đồn biên phòng hoặc đơn vị cùng cấp ý; đề nghị chuyển đến Ủy ban nhân dân nơi mà cá nhân vi phạm cư trú để có thẩm quyền xử phạt tương đương để xử phạt đối với đối tượng vi phạm./.