ĐBQH NGUYỄN SỸ HỘI NÊU QUAN ĐIỂM ĐỐI VỚI DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ THAM GIA LỰC LƯỢNG GIỮ GÌN HÒA BÌNH CỦA LIÊN HỢP QUỐC

29/01/2021

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Sỹ Hội – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An nêu quan điểm đối với dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đánh giá cao công tác chuẩn bị của cơ quan thường trực đã cung cấp cho đại biểu những cơ sở pháp lý, kết quả hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình trong thời gian qua. Tổng hợp và giải trình thấu đáo ý kiến của các cơ quan liên quan, kiến nghị những vướng mắc về cơ sở pháp lý, đây là cơ sở để các đại biểu nghiên cứu thể hiện chính kiến của mình.

Thực tế, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trong 6 năm qua không nhiều (gần 200 lượt người), chủ yếu là cứu trợ nhân đạo ở khu vực khó khăn do ảnh hưởng của chiến tranh, địa hình, khí hậu khắc nghiệt, nhân dân nghèo đói và lạc hậu. Lực lượng không nhiều nhưng đã để lại hình ảnh tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tính lan tỏa lớn, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Hai lần Liên Hợp Quốc gửi lời cảm ơn Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ có những vướng mắc, bất cập về cơ sở pháp lý, Tờ trình của Chính phủ đã nêu đầy đủ. Đặc biệt là thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ quốc phòng kết hợp với đối ngoại ở lĩnh vực đưa lực lượng vũ trang ra hoạt động ngoài lãnh thổ của Việt Nam. Cụ thể, khoản 2 Điều 89 Hiến pháp năm 2013 có nội dung: Quốc hội quyết định tình trạng chiến tranh, quyết định đưa lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động, góp phần bảo vệ hòa bình khu vực và thế giới. Như vậy, hôm nay Quốc hội chúng ta thực hiện nhiệm vụ này.


Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.

Từ những cơ sở lý luận và thực tiễn trên, đại biểu Nguyễn Sỹ Hội hoàn toàn nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành nghị quyết về lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại kỳ họp này. Về điều khoản của nghị quyết, đại biểu Nguyễn Sỹ Hội xin tham gia 2 nội dung sau:

Nội dung thứ nhất, Điều 1 về phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết này quy định về nguyên tắc, phạm vi, hình thức, lĩnh vực, lực lượng, thẩm quyền quy định cử, điều chỉnh rút lực lượng, kinh phí bảo đảm, chế độ, chính sách, quản lý nhà nước với việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Hội, ở điều này nên bổ sung thêm cụm từ “trang bị vũ khí, phương tiện” sau cụm từ “thẩm quyền quy định cử, điều chỉnh, rút lực lượng”. Tuy rằng, ở khoản 3 Điều 3 có thể hiện cụm từ "trang bị vũ khí đi cùng". Ví dụ lực lượng quân y làm nhiệm vụ có trang thiết bị ngành y, thuốc men, để đưa lực lượng đến nơi làm việc thì phải có phương tiện, có thể là máy bay. Hoặc ở khoản 2 Điều 9 có nêu "các trang bị phương tiện, vật chất cần thiết khác", dự thảo nghị quyết đưa 2 nội dung này vào hai điều khác nhau, không sai nhưng còn tản mạn. Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Hội, để toát lên được nội hàm của phạm vi điều chỉnh nghị quyết bao quát tổng thể và logic. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc chỉnh sửa cho phù hợp.

Nội dung thứ hai, Chương III về thẩm quyền quy trình triển khai lực lượng, chương này có 3 điều. Cả 3 điều này chỉ mới bảo đảm cho việc tự điều chỉnh rút lực lượng trong điều kiện ổn định, nghĩa là cử lực lượng tham gia tổ chức lực lượng thay thế. Trong điều kiện hòa bình, với nội hàm như thế thì phù hợp, chặt chẽ, còn nếu xảy ra chiến tranh cục bộ, nội chiến thì khó bảo đảm cho lực lượng này. Vì lực lượng này thường làm nhiệm vụ ở khu vực ảnh hưởng của chiến tranh, lực lượng ít làm nhiệm vụ ở khu vực khó khăn, xa Tổ quốc. Thực tế hiện nay vũ khí trang bị hiện đại, không gian, thời gian tác chiến bất ngờ, xung đột cục bộ, nội chiến có thể xảy ra. Việc bảo đảm an toàn cho lực lượng này, nếu chờ báo cáo theo quy trình e là chậm. Quy trình là Chính phủ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định trong điều kiện khẩn cấp, khó đáp ứng, có thể nhiều giờ và cũng có thể là nhiều ngày.

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Hội, Nghị quyết nên có 1 điều hoặc 1 khoản giao cho cơ quan ngoại giao khu vực đó, người chỉ huy lực lượng thời điểm đó quyết định giải pháp an toàn cho lực lượng đó nhanh nhất. Như vậy, Nghị quyết của Quốc hội đã định hướng dự báo mọi tình huống khi đưa lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ ở những khu vực khó khăn. Nhưng dân tộc Việt Nam, hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm đến bảo đảm an toàn cho mọi lực lượng./.

Bích Lan

Các bài viết khác