Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ, trở lại thời điểm tháng 10 - 11/2019 tại Kỳ họp thứ tám Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 58 về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020. Một trong những chỉ tiêu được Quốc hội thảo luận tại tổ là tăng trưởng 6,8%, xuất khẩu 7%. Ở thời điểm đó, chúng ta thấy rằng quá trình đổi mới đã đạt được rất nhiều thành tựu, đạt được giai đoạn ổn định kinh tế vĩ mô rất dài, từ năm 2014 đến năm 2019 lạm phát kiểm soát dưới 4% và cán cân thương mại liên tục xuất siêu, dự trữ ngoại hối tăng. Cho nên chúng ta có điều kiện để khẳng định năm 2020 sẽ ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng rất cao. Chúng ta đang tăng trưởng ở mức từ 6,2% năm 2016 lên 6,8% năm 2017; 7,08% năm 2018; 7,02% năm 2019. Như vậy, đà tăng trưởng rất tốt, bình quân là 6,8% thì chúng ta xây dựng kế hoạch năm 2020 là 6,8% là phù hợp. Tuy nhiên, khi bước vào năm 2020, chúng ta gặp phải nhiều thách thức, kể cả bên trong và bên ngoài. Ở bên ngoài thì đại dịch Covid19 đã gây tổn thương đến kinh tế xã hội, nhất là đã làm cho hơn 1,2 triệu người chết. Suy thoái kinh tế ngày càng trầm trọng hơn và các dự báo các nước đều âm hết. Ở khu vực ASEAN chỉ có 3 nước được dự báo là tăng trưởng dương, đó là Brunei, Myanmar và Việt Nam. Điều đó cho thấy rằng, đại dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tình hình kinh tế xã hội của thế giới. Trong khi Việt Nam lại là đất nước có độ mở lớn nên chúng ta chịu tác động bất lợi từ bên ngoài. Một điều phải càng lo lắng hơn là hiện nay chưa xác định được thời điểm có được vaccine trên thế giới và Covid 19 lại có nhiều biến tướng. Như vậy tác động từ bên ngoài rất bất lợi đến kinh tế Việt Nam chúng ta.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh
Bên cạnh đó, vấn đề về địa chính trị, vấn đề Biển Đông vẫn đang diễn biến rất phức tạp và ảnh hưởng đến vấn đề về đầu tư phát triển ở các nước trong khu vực hay là vấn đề về xu hướng bảo hộ mậu dịch, xu hướng xung đột thương mại giữa các nước lớn v.v. đều tác động bất lợi đến kinh tế nước ta.
Ở trong nước chúng ta lại bị bất lợi kép, vừa đại dịch Covid – 19 vừa là thiên tai lũ lụt. Covid19 đã làm 35 người chết nhưng thiên tai trong 10 tháng vừa qua đã làm 249 người chết và mất tích - một con số rất lớn. Điều này tác động rất lớn đến kinh tế xã hội.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ, với sự lãnh đạo của Đảng, với quyết tâm điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự đồng hành, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, chúng ta đã từng bước vượt qua những thách thức này. Đại biểu nhấn mạnh, chúng ta đặt ra không phải là tăng trưởng bao nhiêu mà mục tiêu là làm sao ổn định được, làm sao đảm bảo được an sinh xã hội, làm sao để người dân không bị đói, không bị màn trời chiếu đất. Đấy là những mục tiêu chúng ta đã và đang làm rất tốt.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, năm 2020 mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là mục tiêu kép, tức là vừa kiểm soát dịch bệnh vừa làm sao đảm bảo tăng trưởng dương nhưng không có nghĩa là chúng ta tăng trưởng bằng mọi cách mà phải giải quyết được công ăn việc làm. Qua tổng kết 10 tháng thì đã có những kết quả rất tích cực, cụ thể như tăng trưởng kinh tế quý I tăng 3,66; quý II rớt xuống đáy còn 0,39 và quý III tăng trưởng 2,62. Như vậy, 9 tháng đầu năm tăng trưởng 2,12. Thế giới ca ngợi Việt Nam là ngọn hải đăng trong chống dịch và là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế. Việt Nam tăng trưởng dương như vậy là nỗ lực rất đáng trân trọng. Lạm phát được kiểm soát dưới 4% và các cân đối lớn cũng đảm bảo.
Đại biểu cũng cho biết một điểm được nhiều bài báo thế giới đánh giá cao đó là xuất khẩu. Trong bối cảnh đại dịch tổng cầu giảm rất lớn, thương mại thế giới toàn cầu giảm từ 20 đến 30% nhưng ở quý III Việt Nam tăng 11% và được xem là quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới về xuất khẩu. Đại biểu cho rằng đây là một sự nỗ lực lớn và tận dụng được thời cơ của sự hội nhập quốc tế, tận dụng được những lợi thế trong 13 FTA đã ký kết. Đặc biệt là 2 Hiệp định thương mại thế hệ mới với châu Âu, Thái Bình Dương.
Cùng với đó, giải ngân đầu tư công năm nay cũng làm tốt hơn so với mọi năm.
Với những kết quả đó ADB dự báo năm nay Việt Nam sẽ tăng trưởng 1,8, còn IMF dự báo tăng trưởng 1,6. WB dự báo tăng trưởng thấp nhất là 1,5 và cao nhất là 2,8. Chính phủ định hướng đến giờ phút này tăng trưởng khoảng 2,5 đến 3%. Như vậy so với kế hoạch đề ra là 6,8 thì chúng ta không đạt được, và 12 chỉ tiêu mà Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết thì có khả năng đạt được là 8/12 chỉ tiêu. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân với một năm nhiều thách thức, nhiều rủi ro như vậy mà chúng ta vẫn đạt được những chỉ tiêu đó thì đây là một điểm thành công.
Về kế hoạch năm 2021, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng với bối cảnh thế giới và bối cảnh trong nước chưa rõ nét lắm về vấn đề về kiểm soát dịch bệnh và quá nhiều yếu tố bất định đang tồn tại trong tương lai, IMF 3 kỳ dự báo trong năm đều thay đổi dự báo cho nên nếu Chính phủ đưa ra để Quốc hội thảo luận chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 thì nên có nhiều kịch bản hơn, có thể đưa ra 2 chỉ tiêu. Như WB đưa ra chỉ tiêu cho Việt Nam, nếu tốt thì sẽ tăng trưởng 6,8, còn nếu không thuận lợi thì sẽ tăng trưởng 4,5. Đại biểu cho rằng nên có kịch bản xấu, bởi vì đại dịch Covid - 19 vẫn còn là một thách thức rất lớn, vắc xin thì chưa rõ ràng, hiệu quả chưa cao cho nên tổn thương này sẽ còn kéo dài và biến đổi khí hậu thì ngày càng khắc nghiệt. Do đó Chính phủ nên trình Quốc hội 2 phương án, một phương án xấu và phương án tốt, tức là một phương án bất lợi và có lợi. Đồng thời, đại biểu cũng đưa ra một số đề nghị.
Một là, hiện nay toàn Đảng và cả hệ thống chính trị đang tập trung cho đồng bào miền Trung nên trong kế hoạch chi có dự phòng ngân sách Chính phủ nên hỗ trợ nhiều hơn cho đồng bào miền Trung để khắc phục thiên tai.
Hai là, mục tiêu quan trọng nhất hàng đầu phải là kiểm soát dịch bệnh. Vừa qua Chính phủ thận trọng không mở du lịch quốc tế là đúng và phải xây dựng những tiêu chí, quy trình cho việc tiếp nhận người nước ngoài. Đi liền với đó là phải tăng xử phạt rất nặng, nghiêm minh với những người đưa người nước ngoài vào Việt Nam vi phạm pháp luật. Chính phủ phải đầu tư, tập trung vào vấn đề kiểm soát dịch bệnh này. Về kinh tế thì triển khai đầu tư công, đẩy nhanh các gói hỗ trợ bởi thực tế các gói hỗ trợ vừa qua đưa ra rất nhanh nhưng hiệu quả thì còn thấp. Đồng thời, đẩy nhanh các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư thông qua hình thức trực tuyến để tìm cơ hội để hàng hóa đi ra thế giới cũng như có những chính sách để thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao./.