ĐBQH ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ CHẤT VẤN TỔNG THANH TRA CHÍNH PHỦ VỀ CĂN CỨ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG

22/01/2021

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đã có câu hỏi chất vấn đối với Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị làm rõ căn cứ khẳng định, thời gian qua, "tình hình tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm".

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ

Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2020, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 6.875 cuộc thanh tra hành chính và 210.199 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện nhiều vi phạm; kiến nghị thu hồi 44.582 tỷ đồng và trên 1.401 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.656 tập thể và nhiều cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 155 vụ, 135 đối tượng (so với cùng kỳ năm 2019, tăng 53 vụ).

Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 54.770,44 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra; 2 vụ việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp 101 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho các cơ quan chức năng.

Các Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 531 vụ án, 1.245 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 290 vụ, 616 bị can (tăng 70 vụ, 101 bị can so với cùng kỳ năm 2019). Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp thụ lý giải quyết 350 vụ/962 bị can; đã giải quyết 246 vụ/692 bị can, đạt 75,4%.  Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 436 vụ với 1.175 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 269 vụ, 645 bị cáo phạm các tội tham nhũng.

Công tác phòng chống tham nhũng được triển khai quyết liệt

Đánh giá về kết quả công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua, Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ từ Trung ương đến cơ sở; được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Công tác này đã đạt được kết quả rõ rệt, đem lại hiệu ứng rất tích cực trong xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trên nghị trường Quốc hội, công tác phòng, chống tham nhũng cũng được nhiều đại biểu hết sức quan tâm thảo luận, chất vấn. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi thấy cử tri đánh giá rất cao hiệu quả và những bước tiến trong công tác này. Điều này thể hiện các cơ quan chức năng đã vào cuộc hết sức tích cực, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng dưới sự chỉ đạo hết sức quyết liệt, có trọng tâm của Đảng và nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng mà trực tiếp là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Nhờ đó công tác phòng chống tham nhũng đã có bước chuyển biến mạnh mẽ.

Năm 2020 mặc dù tình hình trong nước và quốc tế có những tác động lớn, chưa từng có do đại dịch Covid-19 và thiên tai gây ra; các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội ngưng trệ. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã không “chững lại” hay “trùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực cả về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; đã góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Tôi nghĩ chưa có thời kỳ nào mà chuyện đấu tranh chống tham nhũng lại quyết liệt đến như vậy và hiệu quả đến như vậy, tuy nhiên nhiều người vẫn cho rằng tại sao vẫn còn nhiều tham nhũng thế, nhưng chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật có thời kỳ nào mà chúng ta đấu tranh chống tham nhũng mạnh mẽ như thời kỳ này chắc là không có, chưa có. Không phải thời trước chưa có tham nhũng, thời trước cũng có tham nhũng nhưng nó không nhiều không tinh vi như bây giờ. Bây giờ nhiều và tinh vi ở mức độ rất là nghiêm trọng, QH – cơ quan lập pháp, cơ quan giám sát tối cao đã vào cuộc và cả xã hội vào cuộc, nhân dân và báo chí vào cuộc và cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng quyết liệt”  Ông Nguyễn Viết Chức, Đại biểu Quốc hội khóa XII chia sẻ.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, cho rằng: Chưa bao giờ việc xử lý cán bộ sai phạm trong Đảng lại được hành động mạnh mẽ quyết liệt và không còn vùng cấm như thời gian vừa qua. Giữa kỉ luật Đảng với pháp luật của Nhà nước có quan hệ mật thiết với nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau. Vì vậy, bất kỳ một cán bộ đảng viên nào dù nắm chức vụ trong bộ máy nhà nước thì đều chấp hành kỷ luật Đảng, tuân thủ kỷ luật Đảng, đồng thời tuân thủ pháp luật của nhà nước. Do đó không có trường hợp ngoại lệ, không có vùng cấm trong công tác này.

Công tác phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh từ sau khi có Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đây được xem là dấu mốc, bước ngoặt tạo bước đột phá trong công tác này bởi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cử tri Đinh Thị Chàm, quận Ba Đình, Tp. Hà Nội đánh giá: “Ngay sau Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng, công tác phòng chống tham nhũng đã được tích cực triển khai nhưng năm 2020, công tác này được đẩy mạnh, quyết liệt và triệt để; nhiều vụ việc được xử lý công khai nghiêm minh. Người dân chúng tôi rất tin tưởng và ủng hộ vào công cuộc chống tham nhũng của Đảng....”

Tiếp đó, kể từ ngày 1/7/2019 khi Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) có hiệu lực đã góp phần hoàn thiện hơn hành lang pháp lý và nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Đồng thời, hạn chế được những khe hở mà các đối tượng tham nhũng có thể lợi dụng để tham nhũng. Tuy nhiên, tội phạm và vi phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm với thủ đoạn ngày càng tinh vi như lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thông đồng, móc nối giữa cán bộ có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý Nhà nước với người trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Vì vậy, cần tiếp tục nhận diện những khó khăn, thách thức và đưa ra  dự báo về tình hình tham nhũng giai đoạn tới để đề ra giải pháp phòng chống tham nhũng sát thực, hiệu quả.

Đánh giá tình hình tham nhũng dựa trên 4 căn cứ

Trả lời câu hỏi và chất vấn của Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, việc đánh giá tình hình tham nhũng hết sức khó khăn, mang tính trừu tượng. Thanh tra Chính phủ dựa vào 4 căn cứ chính để đánh giá: Thứ nhất, là ý kiến và cảm nhận của người dân được phản ánh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng;Thứ hai, Bộ chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI). Theo đó, đánh giá của Thanh tra Chính phủ là hiệu quả phòng, chống tham nhũng có tăng lên; Thứ ba, đánh giá của quốc tế; theo chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Thế giới, năm 2019 Việt Nam tăng 21 bậc so với năm 2018, từ nước đứng thứ 117 lên 96/180 nước; Thứ tư, căn cứ vào đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. "Trong báo cáo hàng năm, Ban chỉ đạo cân nhắc rất kỹ và có đánh giá tình hình tham nhũng".

Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Tiếp tục nhận diện, dự báo những hình thức, phương thức tham nhũng mới

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến mạnh mẽ với nhiều kết quả quan trọng được  nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao; được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm. Vậy cần làm gì để giữ vững và phát huy thành quả này và đâu là vấn đề cần được quan tâm nhận diện trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội về vấn đề này:

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội trả lời phỏng vấn

Phóng viên: Đại biểu có đánh giá như thế nào về kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Có thể nói năm 2020 vừa qua là năm có nhiều biến động: Thứ nhất, tình trạng dịch bệnh Covid – 19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng mọi mặt đời sống xã hội; Thứ hai, là tình trạng thiên tai lũ lụt ở miền Trung cũng chưa từng có trong lịch sử. Thực trạng này đã gây ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó, có hoạt động phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta trong năm 2020 không những không chững lại mà tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh; có những bước phát triển có thể nói là gần như là đỉnh cao trong giai đoạn đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian vừa qua. Chỉ tính riêng năm 2020 qua xét xử của tỏa án thì đã có đến 8 bị cáo bị xử phạt từ chung thân đến tử hình và 6 bị cáo bị xử phạt trên 20 năm tù đến 30 năm tù và đặc biệt việc thi hành án hình sự liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng kinh tế cũng có những bước tiến đáng kể tăng 19,4 % số việc và tăng 14% số tiền đã được thu hồi…

Kết quả này cho thấy, công tác phòng chống tham nhũng năm 2020 đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ với những kết quả quan trọng. Nhiều vi phạm của cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ, đảng viên cao cấp được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Kết quả này, được cử tri và nhân dân cả nước ghi nhận và đánh giá cao.

Phóng viên: Phần trả lời chất vấn, Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ những căn cứ khẳng định những kết quả tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua, Vậy đại biểu có đồng tình với những căn cứ được đưa ra?

Đại biểu Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Trong phần trả lời Tổng Thanh Tra Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ rõ 04 căn cứ làm cơ sở đánh giá công tác phòng chống tham nhũng: ý kiến và cảm nhận của người dân; Bộ chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI); theo chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Thế giới và đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Qua phân tích của Tổng Thanh tra Chính phủ về những căn cứ, cơ sở để đánh giá kết quả công tác phòng chống tham nhũng, tôi hoàn toàn đồng tình và cảm thấy các căn cứ được đưa ra là hoàn toàn xác đáng.

Phóng viên: Theo ý kiến của đại biểu đâu là những khó khăn cần tiếp tục được nhận diện để công tác phòng chống tham nhũng thời gian tới tiếp tục đạt được những kết quả tích cực?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Đúng là chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, việc nhận diện những hình thức tham nhũng mới, phương thức tham nhũng mới để phòng, chống hiệu quả là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa. Bởi phòng, chống tham nhũng là lĩnh vực vô cùng khó khăn, phức tạp. 

Khó khăn lớn nhất trong phòng chống tham nhũng đó là vấn đề tình hình tham nhũng ẩn còn lớn cho nên trong thời gian tới chúng ta phải tập trung và tiếp tục có những giải pháp quyết liệt để khắc phục khó khăn này, làm sao để bất cứ hành vi phạm tội tham nhũng nào đều phải bị đưa ra điều tra, truy tố, xét xử một cách kịp thời nhanh chóng và nghiêm minh. Khó khăn thứ hai trong phòng chống tham nhũng chính là ý thức của người dân với công tác phòng chống tham nhũng. Nếu như người dân vẫn chưa ý thức được tác hại của tham nhũng, vẫn chưa có ý thức không chấp nhận sống chung với tham nhũng thì công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Phóng viên: Luật Phòng, chống tham nhũng đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 7/2019. Qua theo dõi, đại biểu có đánh giá như thế nào về tác động của dự luật đến hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi và Luật đã có hiệu lực từ tháng 7/2019. Có thể nói đây là lần sửa đổi toàn diện vì vậy, qua thực tiễn bước đầu cho thấy, Luật là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả.

Có thể nói, từ khi Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực thì luật đã thực sự đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng là công cụ sắc bén để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. Trong luật có nhiều quy định mới mà nếu chúng ta thực hiện tốt Luật phòng chống tham nhũng thì sẽ thực hiện được mục tiêu từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng và một trong những giải pháp trong luật phòng chống tham nhũng ưu tiên đó là vấn đề công khai, minh bạch kê khai tài sản và kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, việc xử lý hành vi vi phạm liên quan đến quy định của Luật phòng chống tham nhũng cũng được quy định rất là đầy đủ, cụ thể và có thể nói là tính nghiêm khắc cao hơn so với luật trước đó.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Cơ bản đồng tình và đánh giá cao nội dung trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, cho rằng: Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những bước tiến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện; để lại dấu ấn tốt đẹp, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ vô cùng nặng nề, vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục nhận diện, dự báo những hình thức, phương thức tham nhũng mới để tiến tới đẩy lùi quốc nạn này./.

Lê Anh