GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: NHIỀU DẤU ÁN ĐỔI MỚI TRONG NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA XIV

21/01/2021

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016 - 2021 có nhiều sự đổi mới với những dấu ấn đậm nét, được cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao. Trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã đạt được những thành tựu quan trọng trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; góp phần to lớn vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016 - 2021

Nhiều đạo luật quan trọng được Quốc hội xem xét, thông qua; Tiếp tục cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát; Quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước;Triển khai và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào trong hoạt động Quốc hội; Dấu ấn Việt Nam trong vai trò Chủ tịch AIPA 41;…chỉ là một số trong rất nhiều dấu ấn tiêu biểu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

 Quốc hội khóa XIV được cử tri cả nước bầu ra vào ngày 22/5/2016, hoạt động trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động; tình hình trong nước, với những thuận lợi, thời cơ đan xen những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội Khóa XIV dưới sự lãnh đạo của Đảng đã luôn đoàn kết, sáng tạo, có những đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và phương thức hoạt động; nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước.

Trong nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các ngành, các cấp và các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai khối lượng lớn công việc trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng và hoạt động đối ngoại; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Nhiều đạo luật quan trọng được thông qua

Đối với hoạt động lập pháp, Quốc hội xác định công tác lập pháp là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần hoàn thiện thể chế. Quốc hội khóa XIV tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và ban hành khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều đạo luật quan trọng đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của đất nước. Tính đến hết tháng 12/2020, Quốc hội khóa XIV đã ban hành 72 luật, 18 nghị quyết quy phạm pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã ban hành 2 Pháp lệnh và 23 nghị quyết quy phạm pháp luật. “Có thể nói nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV là nhiệm kỳ Quốc hội có rất nhiều dấu ấn đặc biệt trong công tác lập pháp. Quốc hội khóa XIV đã thông qua rất nhiều bộ luật, luật; Nghị quyết quan trọng để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. Nhiều đạo luật quan trọng đã được thông qua đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh mới...” -  Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội chia sẻ.

Tiếp tục cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát

Hoạt động giám sát nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, được nhân dân và cử tri vả nước ghi nhận. Nội dung giám sát đã tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực từ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đến văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, quốc phòng an ninh, đối ngoại, hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Đặc biệt, tinh thần dân chủ trong các phiên chất vấn được cử tri ghi nhận và đánh giá cao. Tại các kỳ họp của Quốc hội khoá XIV, có thể thấy những cuộc chất vấn, tranh luận trên Nghị trường rất sôi nổi, khi cần thiết có thể giơ biển tranh luận ngay. “Tại mỗi kỳ họp của Quốc hội, nội dung cử tri trông chờ, quan tâm nhất là các phiên chất vấn. Qua theo dõi các phiên chất vấn thời gian gần đây đặc biệt phiên chât vấn, có thể thấy đã có nhiều chuyển biến tích cực. Vấn đề đại biểu tập trung chất vấn là những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong xã hội được cử tri quan tâm. Các đại biểu đã chất vấn rất thẳng thắn, sôi nổi, đúng trọng tâm; thể hiện được ý chí nguyện vọng của cử tri....”  - cử tri Lưu Huy Vinh cư trú tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội cho biết.

Thông qua giám sát, Quốc hội đã kịp thời phát hiện, có các ý kiến kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật; phát huy tính tích cực, giảm thiểu những hệ lụy nảy sinh từ chính sách; chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm, thúc đẩy các cơ quan hữu quan thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn. Theo đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, hiệu quả hoạt động giám sát đã tác động tích cực đến hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Kết quả này cũng góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn trật tự kỷ cương của đất nước.

Về quyết định các vấn đề quan trọng, Quốc hội khóa XIV đã lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, tập trung trí tuệ tập thể, xem xét, thảo luận quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội một cách công khai, minh bạch, khách quan nhưng cũng thận trọng, kỹ lưỡng nhằm đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, thách thức, giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền dân tộc, lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Hoạt động đối ngoại góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường Quốc tế

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV để lại nhiều dấu ấn nổi bật, tích cực, góp phần quan trọng vào công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Nhân dân; nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới. Các nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm của Quốc hội được thực hiện liên tục, nhất quán, đúng phương hướng, kế hoạch đề ra; quyết dịnh các chính sách lớn về đối ngoại; giám sát việc thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; …

Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam đã ghi dấu ấn với vai trò là Chủ tịch AIPA 41. Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lần đầu tiên trong lịch sử của AIPA, Đại hội đồng AIPA diễn ra từ ngày 8-10/9/2020 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Với sự dẫn dắt, điều hòa của Quốc hội Việt Nam, Đại hội đồng AIPA 41 đã thành công tốt đẹp. Trong tất cả các phát biểu tại các phiên họp, Lãnh đạo nghị viện và đại diện các nghị viện thành viên AIPA, Quan sát viên và khách mời đều ghi nhận, đánh giá cao và cảm ơn sự chuẩn bị chu đáo của Quốc hội (QH) nước chủ nhà Việt Nam đã làm nên thành công của Đại hội đồng AIPA 41.

Triển khai thành công Quốc hội điện tử

Năm 2019, lần đầu tiên Quốc hội áp dụng công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo trong việc điều hành kỳ họp. Theo đó, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội thí điểm thực hiện, tất cả file âm thanh được chuyển thành chữ chạy trên màn hình của chủ tọa, giúp cho việc điều hành chính xác hơn. Bên cạnh đó, các phần mềm ứng dụng cài đặt trên thiết bị iPad để phục vụ đại biểu Quốc hội như App Quốc hội phục vụ cung cấp tài liệu Kỳ họp Quốc hội; App Netview phục vụ tổng hợp phân tích thông tin báo chí và mạng xã hội về hoạt động của đại biểu Quốc hội;  App Đại biểu….

Nhận xét về sự đổi mới, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho biết: “Việc cung cấp tài liệu thông qua hình thức trực tuyến rất hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí in ấn tài liệu; thông tin, tài liệu lại kịp thời, nhanh chóng. Cải tiến này đã được ứng dụng từ kỳ 7 và được đại biểu đón nhận, đánh giá rất cao… Sự đổi mới này góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội nói riêng cũng như Quốc hội nói chung.”

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 9 đã ghi dấu ấn đậm nét trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động của Quốc hội. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã ứng dụng công nghệ thông tin để họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Họp trực tuyến của Quốc hội có những đặc thù khác so với họp trực tuyến của Chính phủ. Thời gian họp Quốc hội dài hơn và các yêu cầu về một số phần mềm đảm bảo cho hoạt động của nghị viện cũng khác với các cuộc họp thông thường. Vì vậy, đòi hỏi phải đáp ứng nhiều yêu cầu phức tạp hơn.

Mặc dù là lần đầu tiên, nhưng với sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan, tổ chức liên quan, đợt họp trực tuyến đã được tổ chức rất thành công. Các hoạt động của đại biểu như đăng ký phát biểu, tranh luận... vẫn diễn ra bình thường, theo đúng quy định pháp luật.

Quốc hội khóa XIV đã đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức và hoạt động, thực hiện có hiệu quả phương châm “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân”. Sự đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội được cử tri dõi theo và ghi nhận, tô đậm thêm truyền thống lịch sử 75 năm Quốc hội Việt Nam. Mỗi một kỳ họp Quốc hội đi qua, lại có những dấu ấn, những đổi mới được bồi đắp. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận những cảm nhận của các vị Đại biểu Quốc hội về dấu ấn nhiệm kỳ:

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Có thể thấy, nhiệm kỳ Quốc hội 2016 -2021 là một nhiệm kỳ mà Quốc hội đã hoàn thành tốt tất cả các nội dung chương trình đề ra từ đầu khóa. Các đại biểu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã hoạt động rất tích cực, sôi nổi; phát biểu chất lượng về những nội dung thảo luận, cho ý kiến,…. và đã được Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đánh giá cao. Điều đó cho thấy trình độ, năng lực của các đại biểu Quốc hội khóa này cũng đã được vươn lên. Bên cạnh đó, dấu ấn đậm nét của nhiệm kỳ này đối với tôi là tinh thần dân chủ, thẳng thắn trong các phiên chất vấn, thảo luận tại Hội trường,…

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: 

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã có nhiều đổi mới, đạt được kết quả toàn diện trên các mặt công tác từ lập pháp, giám sát đến quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Kết quả này được cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao. Kết quả này cũng cho thấy, tinh thần cầu thị, đổi mới, sáng tạo của Quốc hội, sự nỗ lực của các đại biểu Quốc hội trong cả nhiệm kỳ. Một trong những dấu ấn đậm nét của nhiệm kỳ này là cách thức điều hành khoa học, linh hoạt của Chủ tịch Quốc hội trong các phiên họp; là tinh thần thẳng thắn, xây dựng của đại biểu Quốc hội; là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Quốc hội từ việc cung cấp thông tin, tài liệu đến tổ chức phiên họp trực tuyến đều rất kịp thời và hiệu quả….

Đại biểu Bùi Xuân Thống, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Đại biểu Bùi Xuân Thống, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã sắp kết thúc, nhìn lại hoạt động nhiệm kỳ này có thể thấy, Quốc hội đã nỗ lực hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ. Mặc dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động, đặc biệt là trong năm cuối của nhiệm kỳ nhưng với tinh thần sáng tạo, Quốc hội đã đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp mang lại hiệu quả cao với nhiều đạo luật, nhiều quyết sách có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước,…Trong hoạt động giám sát nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, được nhân dân và cử tri vả nước ghi nhận. Nội dung giám sát đã tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực từ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đến văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, …Các phiên chất vấn liên tục được đổi  mới, cải tiến; các bộ trưởng đều phải trả lời chất vấn và như vậy giúp đại biểu mang hơi thở cuộc sống vào nghị trường. Trong cách thức tổ chức kỳ họp tạo điều kiện cho đại biểu tiếp cận tốt hơn, vai trò đại biểu được nâng lên; mới liên hệ giữa đại biểu và cử tri ngày càng chặt chẽ, khăng khít hơn.

Trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và hành động, Quốc hội khóa XIV đã cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để hoàn thành tốt những nhiệm vụ của cơ quan quyền lực Nhà nước. Mỗi đại biểu Quốc hội, mỗi cơ quan của Quốc hội đã phát huy mạnh mẽ và tô thắm thêm truyền thống 75 năm vẻ vang của Quốc hội Việt Nam./.

Lê Anh