ĐBQH - BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG NGÔ XUÂN LỊCH LÀM RÕ Ý KIẾN CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ THAM GIA LỰC LƯỢNG GIỮ GÌN HÒA BÌNH CỦA LIÊN HỢP QUỐC

25/01/2021

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Thay mặt cơ quan trình dự thảo nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, đầy trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội đã phát biểu thảo luận, đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Đề cập nguyên tắc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, quy định tại Điều 4, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết: Dự thảo nghị quyết quy định việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Hội đồng Quốc phòng và an ninh quyết định, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, quản lý nhà nước của Chính phủ. Nguyên tắc này nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước đối với lực lượng vũ trang nhân dân và thẩm quyền của Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Nguyên tắc đảm bảo độc lập, tự chủ và tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia là nguyên tắc quan trọng để khẳng định Việt Nam hoàn toàn chủ động và tự quyết trong việc lựa chọn hình thức, quy mô, thời gian, địa bàn triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, phù hợp với điều kiện và khả năng của Việt Nam.


Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.

Về hình thức, lĩnh vực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, quy định tại Điều 5, dự thảo nghị quyết quy định có 2 hình thức tham gia gồm đơn vị và cá nhân. Các hình thức này phù hợp với quy định của Liên Hợp Quốc và khả năng tham gia của Việt Nam. Trên thực tế, đối với hình thức đơn vị, Việt Nam đã cử 2 lượt bệnh viện dã chiến cấp hai, với 126 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia. Đối với hình thức cá nhân, Việt Nam cũng đã cử 50 lượt sĩ quan tham gia tại 2 phái bộ là Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và trụ sở Liên Hợp Quốc.

Dự thảo nghị quyết quy định các lĩnh vực tham gia gồm: tham mưu, hậu cần, kỹ thuật, thông tin liên lạc, công binh, quân y, cảnh sát. Đây là những lĩnh vực Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện, khả năng và nguồn lực để tham gia. Trên thực tế, Việt Nam đã và đang tham gia các lĩnh vực tham mưu, hậu cần, quân y, quan sát viên quân sự. Quá trình thực hiện nhiệm vụ đều khẳng định năng lực và hiệu quả, được Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Hiện nay, Liên Hợp Quốc đang tiếp tục đề nghị Việt Nam cử thêm lực lượng và mở rộng sang các lĩnh vực khác như công binh, cảnh sát, quan sát viên và giám sát bầu cử.

Về kinh phí và chế độ chính sách cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc quy định tại Điều 13 và Điều 14, Việt Nam đã chính thức tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc từ năm 2014. Tuy nhiên, hiện nay chưa được bố trí nguồn ngân sách riêng để triển khai nhiệm vụ này. Trong khi đó, kinh phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và tuân thủ theo Luật Ngân sách nhà nước nên không thể chi cho nhiệm vụ này được. Vì vậy, dự thảo nghị quyết quy định ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc nhằm tạo cơ sở pháp lý để bố trí nguồn lực cho hoạt động này theo đúng quy định.

Mặt khác, hoạt động tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc luôn ở trong môi trường, điều kiện làm việc đặc biệt khó khăn, gian khổ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về an ninh, an toàn. Vì vậy, dự thảo Nghị quyết quy định lực lượng trực tiếp và gián tiếp tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc được hưởng chế độ, chính sách phù hợp với tính chất nhiệm vụ và đặc thù hoạt động theo quy định của pháp luật. Trường hợp bị thương, bị bệnh, bị tai nạn hoặc hy sinh từ trần trong khi thực hiện nhiệm vụ được xem xét, giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật Việt Nam và của Liên Hợp Quốc.

Về chính sách cụ thể, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh sẽ tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và đề nghị giao cho Chính phủ quy định. Ngoài những nội dung báo cáo làm rõ nêu trên, Bộ Quốc phòng xin được tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để phối hợp với các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết đảm bảo chất lượng trình Quốc hội thông qua./.

Bích Lan