ĐBQH PHẠM VĂN HÒA THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

18/01/2021

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Trong năm qua, tình hình kinh tế - xã hội nước ta còn nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, bão lũ càn quét miền Trung, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của người dân. Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp đã lây lan trong cả nước, làm thiệt hại đáng kể ngành chăn nuôi, nhất là người dân nuôi nhỏ lẻ. Đặc biệt dịch Covid-19 xảy ra nghiêm trọng, gây hoang mang, lo lắng cho người dân.

Trước tình thế đó, đại biểu Phạm Văn Hòa nhận định, kinh tế - xã hội nước ta vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là từ quý 3 trở lại đây, nền kinh tế nước ta đã phục hồi và khởi sắc, dự kiến có 8/12 chỉ tiêu đạt và vượt; GDP mặc dù không đạt nhưng vẫn tăng trưởng dương, trong khi đó nhiều quốc gia trên thế giới không có được, đây là điểm sáng cho nền kinh tế nước ta. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế tốt. Dự trữ ngoại hối tăng cao, nợ công giảm. Gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ đã có tác động lớn đến người dân lúc khó khăn.

Đại biểu  Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch Covid-19, kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực cũng còn gặp nhiều khó khăn. Sản xuất công nghiệp, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu bị sa sút, tín dụng tăng trưởng chậm, nguy cơ nợ xấu sẽ gia tăng. Thu ngân sách thiếu hụt, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Giải ngân vốn đầu tư chậm, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa có chuyển biến tích cực. Ô nhiễm môi trường, sạt lở, bão lũ, xâm nhập mặn, thiên tai, v.v. làm hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Tệ phá rừng làm nương rẫy, thủy điện, lâm tặc cũng là tác nhân gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, khó lường của thiên tai. Việc sử dụng, mua bán, vận chuyển, sản xuất ma túy tuy có giảm nhưng quy mô, tính chất rất nghiêm trọng. Khiếu kiện đông người trong các sự kiện quan trọng của quốc gia cũng đáng lo ngại. Tín dụng đen là nỗi ám ảnh của người dân ở thành thị lẫn nông thôn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nhận định, những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường. Năm 2021 và những năm tiếp theo, vấn đề quan trọng hàng đầu trong mục tiêu kép là phải khôi phục nền kinh tế và ngăn ngừa hiệu quả không để tái diễn dịch Covid-19. Ổn định đời sống sinh hoạt của người dân, tạo công ăn việc làm cho lao động, đồng thời kích cầu tiêu dùng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tái tạo lại sản xuất kinh doanh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, tạo niềm tin vững chắc của người dân với chính quyền trên tất cả các lĩnh vực.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đồng tình chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với phương châm là không lùi bước trước khó khăn, thách thức, mọi cấp, mọi ngành phải có tinh thần cao nhất, có những giải pháp hữu hiệu nhất để đưa kinh tế - xã hội nước ta ổn định và vươn lên đạt chỉ tiêu đề ra.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, nghị quyết 120 của Chính phủ đã đề cập rất nhiều vấn đề quan trọng cấp bách cho vùng đồng bằng sông Cửu Long trên tất cả các lĩnh vực, trong đó ưu tiên hàng đầu là phát triển hạ tầng giao thông cho cả vùng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa cũng như nhu cầu đi lại của người dân trong vùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các nơi khác. Điều quan trọng là kích thích các nhà đầu tư chiến lược quan tâm, vì nếu hạ tầng giao thông thấp kém, dù có trải thảm vàng đi nữa cũng khó mà thu hút. Thực tế đã chứng minh, nhiều năm qua nhiều nhà đầu tư đã đến rồi lại đi, có đầu tư cũng rất hạn chế về quy mô cũng như những ngành hàng mà đánh giá tác động môi trường được thuận lợi, dễ dàng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, bà con trong vùng rất phấn khởi với các dự án giao thông được đầu tư và dự án sắp khởi công, kết nối liên vùng là tín hiệu vui. Tuy nhiên, cũng cần có sự vào cuộc quyết liệt của bộ, ngành chủ quản, chính quyền địa phương thì tiến độ thi công mới đảm bảo theo yêu cầu, vì thực tế nhiều công trình chậm tiến độ vì nhiều lý do khác nhau như thiếu vốn, giải phóng mặt bằng khó khăn, đơn vị thi công thấp kém.

Thời tiết diễn biến thất thường, thiên tai khó lường, sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là điều rất hiện hữu, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sinh kế, hoạt động sản xuất của gần 20 triệu dân của vùng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ, bộ, ngành có quan tâm đầu tư khắc phục lâu dài, cần tính tới quy hoạch hồ trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt, vì vào mùa mưa lũ đầu nguồn hàng năm, nước ngọt tuôn ra biển không ngăn được, rất lãng phí, mùa khô thì lại hạn hán, thiếu nước, nước biển xâm nhập, cho nên việc trữ nước ngọt là giải pháp tối ưu cần phải tính tới cho kế hoạch dài hạn của Chính phủ.

Sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp thời gian qua mang tính quảng canh, lấy sản lượng năng suất là chính, chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng, hiệu quả kinh tế. Giá trị của nông sản hàng hóa, thâm canh tăng vụ còn gây tác động xấu đến môi trường, suy yếu nguồn tài nguyên thiên nhiên như rừng, nước, nguồn lợi thủy, hải sản, đa dạng sinh học, nhất là làm suy yếu sức khỏe của con người do sử dụng nhiều hóa chất trong nông nghiệp, do vậy theo đại biểu cũng cần phải tính đến an ninh lương thực cho phù hợp, không thể để đảm bảo an ninh lương thực thế giới mà giá trị gia tăng, hàng hóa nông sản thấp do sản lượng cao mà chất lượng thấp. Nâng sản lượng hay chất lượng cũng là bài toán khó cho ngành nông nghiệp, nhất là nông dân, trong điều kiện nông sản, hàng hóa bấp bênh, được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa, giải cứu nông sản là điệp khúc hàng năm.

Hình thức sản xuất của nông dân, nông hộ chiếm 90% diện tích sản xuất nông nghiệp. Trong các năm qua kinh tế hộ đã phát huy hiệu quả nhưng cũng đã kịch trần của việc phát triển theo chiều rộng, chủ yếu tập trung vào năng suất và số lượng sản phẩm mà chưa chú trọng đầu tư, nâng giá trị, tìm kiếm thị trường, mới chỉ tập trung sản xuất cái gì mình có mà chưa theo tín hiệu của thị trường. Mặc dù kinh tế hộ vẫn là hạt nhân của nền kinh tế nông thôn nhưng cũng rất cần nâng tầm cao mới, một vị thế mới.

Bên cạnh đó, sự liên kết, liên doanh giữa hợp tác xã với nông dân vẫn chưa thiết thực. Các hợp tác xã đa phần là hợp tác xã kiểu cũ được khoác áo kiểu mới, được đánh giá là kém hiệu quả trong việc cung cấp đầu vào, đầu ra cho nông hộ. Mặc dù đã có sự thay đổi, đóng góp của hợp tác xã vào sự phát triển kinh tế trang trại của nông thôn. Giống cây trồng, vật nuôi, lúa, hoa màu phần lớn là hàng ngoại nhập. Giống trong nước dù tốt nhưng thiếu sự trợ giá của chính sách cho nông dân. Do vậy dù bị lép vế trước hàng ngoại về những cam kết mở cửa thị trường sâu rộng, hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, nếu nhà nước không có chính sách hỗ trợ kịp thời để phát triển giống trong nước thì buộc phải nhường đường cho nông sản, thực phẩm, giống cây trồng, vật nuôi từ nước ngoài vào. Điều này sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh trên thị trường nội địa giữa sản phẩm trong nước và sản phẩm ngoại nhập, dù năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp nước ta là vô cùng to lớn.

Hồ Hương