ĐBQH LƯU BÌNH NHƯỠNG: CÓ CƠ CHẾ HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC CHO PHỤC HỒI THIỆT HẠI DO DỊCH BỆNH VÀ THẢM HỌA THIÊN TAI GÂY RA

21/01/2021

Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, góp ý vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đề nghị bổ sung vào Nghị quyết cơ chế để huy động các nguồn lực cho phục hồi các thiệt hại to lớn do dịch bệnh và thảm họa thiên tai gây ra.

Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung một đoạn về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và có cơ chế để huy động các nguồn lực cho phục hồi các thiệt hại to lớn do dịch bệnh và thảm họa thiên tai gây ra. Để có điều kiện đảm bảo an sinh xã hội và đầu tư phát triển, đại biểu đề nghị cán bộ, công chức, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, địa phương gương mẫu trong các chi tiêu, tổ chức các hoạt động để tránh gây lãng phí, phản cảm và xử lý nghiêm tất cả các hành vi lãng phí ấy. Chúng ta đã có Luật Phòng, chống tiết kiệm rồi, nên theo quan điểm của đại biểu trong giai đoạn này và đặc biệt năm 2021 phải đề cao tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là là đảng viên và cán bộ cần nêu gương.

 Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đề nghị bổ sung vào Nghị quyết cơ chế để huy động các nguồn lực cho phục hồi các thiệt hại to lớn do dịch bệnh và thảm họa thiên tai gây ra.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị trong Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 cần làm sâu sắc đoạn 2 của trang 5 về kinh tế nông nghiệp và nông thôn, trong đó xác định tính ưu tiên và chiến lược phát triển nông nghiệp trong tình hình mới. Hiện nay chúng ta đã rút ra được bài học nông nghiệp là cứu cánh, là bệ đỡ an toàn cho cả Việt Nam và thế giới. Nông nghiệp là chiến sĩ tiên phong trong các lĩnh vực lao động, sản xuất và cũng là bà đỡ cho nền công nghiệp hiện đại. Nông nghiệp vừa là chị nuôi, kiêm bác sĩ khi kinh tế bị tổn thương. Do đó, đại biểu đề nghị cần có một thái độ trân trọng, rõ ràng trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp. Đây cũng là lĩnh vực sở trường của người Việt Nam và thể hiện được tính nhân văn, nhân bản của chính sách, đưa Việt Nam trở thành một một cường quốc nông nghiệp.

Về chỉ tiêu cụ thể trong Nghị quyết, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị bổ sung một đoạn  là: quan tâm cải thiện, nâng cao tỷ lệ được sử dụng nước sạch nông thôn vào cuối khoản 9 Điều 2. Vì nếu chỉ quy định tỷ lệ 90% dân cư hưởng nước sạch của đô thị là thiếu công bằng về chính sách. Trong khi đó, Chính phủ đã có những quy định rất rõ ràng về vấn đề khuyến khích và hỗ trợ cho nước sạch của nông thôn, nếu không đưa vào cuối khoản này thì coi như chỉ giải quyết vấn đề tâm lý cho người dân. Ngoài ra, trong một số những vấn đề về kỹ thuật, đại biểu đề nghị cân nhắc cụm từ “tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu”. Cụm từ này chỉ phù hợp khi đại dịch COVDID-19 không hoành hành như hiện nay. Nếu tham gia sâu vào chiến dịch toàn cầu thì hiện nay chúng ta đã thấy được bài toán về toàn cầu hóa, hiện nay không thích hợp trong thời điểm dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát trên toàn thế giới./.

 

Lan Hương