ĐBQH ĐIỂU HUỲNH SANG: CẦN QUAN TÂM ĐẦU TƯ CHO CÔNG TÁC Y TẾ DỰ PHÒNG

15/01/2021

Tại phiên thảo luận tại Hội trường về phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường đầu tư cho ngành Y tế để phòng chống dịch bệnh, phục vụ nhân dân.

Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, hiện nay Chính phủ đã tăng cường đầu tư cho các đô thị, các vùng trọng điểm lớn. Đại biểu đánh giá, đây là một việc làm rất là cần thiết, tuy nhiên, đối với các tỉnh còn yếu thế, các tỉnh thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng miền núi, đại biểu đề nghị Chính phủ cũng cần quan tâm đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, tạo tiền đề cân bằng giữa các địa phương để phát triển đồng đều. Đề nghị Chính phủ quan tâm trong việc xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối trong liên kết vùng.

Về giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho biết, năm 2020 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 57% kế hoạch, chưa đạt theo kỳ vọng của Chính phủ đề ra, nhưng kết quả khá tích cực so với cùng kỳ và cả giai đoạn 2016-2020, trong khi vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng đầu năm chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 so với cùng kỳ.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Tốc độ tăng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 9 tháng tăng tới 33% so với cùng kỳ và cao nhất từ năm 2016 đến nay. Tính đến ngày 30/9, có 8 bộ, cơ quan ngang bộ và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%, trong đó có 6 bộ ngành trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 70%. Tuy nhiên, vẫn còn 11 bộ cơ quan trung ương và một địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.

Bên cạnh các yếu tố chủ quan như năng lực chuyên môn của cán bộ, sự chậm trễ của các nhà đầu tư, đại biểu Điểu Huỳnh Sang nhận định, một số nguyên nhân khách quan cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc giải ngân vốn đầu tư công, đó là sự chồng chéo, rườm rà về mặt thủ tục do các quy định ở các luật theo quy định của pháp luật dẫn đến khó thực hiện và khó khăn thứ hai là vướng trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Một số địa phương được phân bổ nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ nguồn thu tiền sử dụng đất, nhưng do bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên cũng không triển khai được và theo Nghị quyết số 84 của Chính phủ là giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển đối với các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 60%.

Chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng việc giải ngân vốn đầu tư công không chỉ đơn thuần là một hoạt động trong quá trình đầu tư mà chính là đòn bẩy kinh tế quan trọng”, đại biểu Điểu Huỳnh Sang nhận định, đồng thời cho biết, các dự án đã được đưa vào kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm nay là đã được rà soát, tính toán kỹ lưỡng về hiệu quả và tầm ảnh hưởng. Do đó, đối với việc rà soát và quyết định điều chuyển cũng cần phải nghiên cứu kỹ.

Chúng ta đang ở vào những tháng cuối năm và cũng rất cần một quyết sách mạnh mẽ để tạo bước nhảy vọt cho công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 nhằm đạt được kỳ vọng đề ra”, đại biểu Điểu Huỳnh Sang nói.

Thống nhất với chính sách cắt giảm vốn đầu tư công của các bộ, ngành trung ương có tốc độ giải ngân thấp, tuy nhiên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Chính phủ cũng cần xem xét cẩn trọng để tránh làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển kinh tế - xã hội và đồng thời cũng điều chỉnh, bố trí vốn cho các dự án có khả năng giải ngân vốn, nhất là các dự án mà có nguồn vốn ODA.

Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, cần phải triển khai mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 84 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; đề nghị các bộ, ngành và địa phương báo cáo tình hình triển khai thực hiện nghị quyết để xem xét cũng như rút kinh nghiệm và nghiên cứu, ban hành một quyết sách phù hợp với tình hình hiện nay; cần có giải pháp xử lý nghiêm các bộ, ngành cũng như địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chậm mà nguyên nhân là từ chủ quan, cũng phải cân nhắc xem xét về mức độ bố trí tỷ lệ vốn vào kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 đối với các dự án mà các bộ, ngành, địa phương có tốc độ giải ngân chậm trong năm 2020.

Về công tác y tế dự phòng, đại biểu Điểu Huỳnh Sang nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác này, đó là phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm sức khỏe nhân dân, đồng thời giảm chi phí điều trị, góp phần giảm tải cho bệnh viện.

Đại biểu cho biết, trên thực tế kinh phí dành cho công tác y tế dự phòng còn rất hạn hẹp. Năm 2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18, trong đó yêu cầu phải dành 30% chi ngân sách cho y tế dự phòng, nhưng hầu như tất cả địa phương chỉ dành 18% đến 22% cho công tác này, cá biệt có tỉnh chỉ chi 10%. Trong số này, 80% là dành cho chi lương, điện, nước và chi thường xuyên. Do vậy kinh phí dành cho công tác dự phòng rất ít.

Vào mỗi mùa dịch, các bệnh viện lại xảy ra tình trạng quá tải do công tác y tế dự phòng còn yếu, trong khi kinh phí cho hoạt động này chỉ đáp ứng một phần cho phòng, chống dịch khẩn cấp. Công tác phòng dịch ngay từ đầu và toàn diện không được đảm bảo và theo tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Từ thực tế trên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị ngân sách nhà nước dành một nguồn kinh phí thích đáng cho công tác y tế dự phòng, còn điều trị sẽ do bảo hiểm hoặc do người bệnh chi trả.

Ở đây trừ các đối tượng được nhà nước bảo trợ ra thì chúng ta sẽ kêu gọi xã hội hóa cũng như các cơ sở khám chữa bệnh y tế tư nhân”, đại biểu Điểu Huỳnh Sang nói, đồng thời đề nghị Chính phủ ban hành các Đề án tổng thể về đầu tư các trang thiết bị cần thiết cho y tế dự phòng trong cả nước, trong đó ưu tiên các vùng, địa phương dễ bị ảnh hưởng của dịch bệnh, đồng thời cũng phải tính toán đến nguồn nhân lực để đáp ứng được việc thực hiện nhiệm vụ và tạo được một cơ chế thu hút đối với cán bộ có tâm huyết và làm việc hiệu quả.

Bộ Y tế cần phối hợp tốt với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng và phát triển công nghệ theo dõi sức khỏe cho nhân dân. Công nghệ này phải có chức năng cảnh báo tình hình sức khỏe của người dùng và thông báo các dự đoán về tình hình dịch bệnh trong phạm vi rất gần.  

Hồ Hương