GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH - ĐẨY LÙI THAM NHŨNG

27/11/2019

Từ khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng năm 2013 và hơn ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực. Tại phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết tâm từ Bộ Chính trị cho đến các ngành, các cấp, được dư luận đồng tình ủng hộ, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Công tác phòng, chống tham nhũng: Xoá nhoà quan điểm "vùng cấm"

Từ Đại hội XII của Đảng, nhân dân đã được chứng kiến sự quyết tâm của Đảng về việc làm trong sạch bộ máy chính quyền các cấp từ Trung ương xuống tới địa phương. Qua các kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã lần lượt công khai xử lý nhiều người đứng đầu thông qua công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng. Điển hình như:

- Giữa năm 2016, nhiều dấu hiệu vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh khi giữ cương vị lãnh đạo tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (giai đoạn 2007-2013) được đưa ra ánh sáng. 

- Năm 2017, người dân Đà Nẵng chứng kiến người đứng đầu thành phố Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật.

- Cũng trong năm 2017, Lịch sử Đảng lần đầu tiên chứng kiến nguyên Ủy viên Bộ Chính trị cũng bị dính vào vòng lao lý.

- Năm 2018 - 2019, nhiều tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang cũng bị xử lý thích đáng do vi phạm pháp luật .

Đáng lưu ý là nếu như trước đây, các vụ án kinh tế lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng do cơ quan điều tra không chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt nên phải xử lý về tội phạm kinh tế... thì nay, nhiều vụ án đã chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt để xử lý nghiêm minh. Điển hình như thương vụ Mobifone mua cổ phần của AVG. Hai cựu bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã bị khởi tố vì nhận hối lộ. 

Minh chững rõ nét cho thông điệp “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống” trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước được thể hiện rõ nét trong 6 tháng đầu năm 2019,  khi các cơ quan chức năng mở rộng điều tra khởi tố 5 vụ án, phục hồi điều tra 4 vụ án, khởi tố thêm 26 bị can, kết thúc điều tra 3 vụ án và 19 bị can, xét xử sơ thẩm 9 vụ án và 21 bị cáo. Công tác phòng, chống tham nhũng ở các địa phương cũng được đẩy mạnh, khởi tố 176 vụ, 425 bị can về các tội tham nhũng, (tăng 13,5% số vụ và tăng 32,8%, số bị can) so với cùng kỳ năm 2018.

Ngoài ra, Cấp ủy, Ủy ba kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 123 tổ chức Đảng, kỷ luật trên 256 đảng viên do có hành vi tham nhũng và cố ý làm trái. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật đối với một tổ chức Đảng, 13 Đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Tạm giữ kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch,  với giá trị trên 10.000 tỷ đồng.

Sự nghiêm minh kiên quyết không bỏ lọt tội phạm trong các vụ án tiêu cực của các cơ quan chức năng còn thể hiện ở chỗ nhiều vụ án trong quá trình xét xử điều tra nếu các cơ quan chức năng phát hiện thêm những tình tiết mới thì lại tiếp tục mở rộng điều tra xét xử kiên quyết không để lọt và bỏ xót tội phạm. Ví dụ như vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ tức Vũ "Nhôm" hay Định Ngọc Huệ, các cơ quan điều tra đang tiếp tục mở rộng để làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng.   


Phó GS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Bất kỳ một cán bộ đảng viên nào dù nắm chức vụ trong bộ máy nhà nước thì đều chấp hành kỷ luật Đảng

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, cho rằng: Chưa bao giờ việc xử lý cán bộ sai phạm trong Đảng lại được hành động mạnh mẽ quyết liệt và không còn vùng cấm như thời gian vừa qua. Giữa kỉ luật Đảng với pháp luật của Nhà nước có quan hệ mật thiết với nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau. Vì vậy, bất kỳ một cán bộ đảng viên nào dù nắm chức vụ trong bộ máy nhà nước thì đều chấp hành kỷ luật Đảng, tuân thủ kỷ luật Đảng, đồng thời tuân thủ pháp luật của nhà nước. Do đó không có trường hợp ngoại lệ, không có vùng cấm trong công tác này.

Vẫn còn một số hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng

Tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, năm 2019, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống”. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi. 

Đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bày tỏ công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương có nhiều tiến bộ, có nhiều vụ việc phức tạp đã thực hiện vượt tiến độ, kế hoạch, khắc phục dần tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "tham nhũng vặt", tạo chuyển biến bước đầu trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng. Số trường hợp phát hiện yếu tố tham nhũng, vụ lợi trong các vụ án kinh tế còn ít, chưa phản ánh đúng bản chất, động cơ, mục đích của người phạm tội.  


Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh: Việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Đồng thời lưu ý, việc để xảy ra tham nhũng ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian qua cũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Cụ thể, như vụ Nguyễn Thị Kim Anh - Phó Trưởng phòng Phòng, chống tham nhũng - Thanh tra Bộ Xây dựng, và đồng phạm nhận hối lộ trong quá trình thanh tra tại một số đơn vị của tỉnh Vĩnh Phúc; vụ 5 cán bộ thanh tra tỉnh Thanh Hóa nhận hối lộ trong quá trình thanh tra một số địa phương của tỉnh này.

Tại phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vào cuối tháng 7 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ, một số hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng, như khâu giám định còn yếu, công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương có chuyển biến nhưng chưa đều. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý cần tiếp tục đẩy mạnh, kiên trì, thường xuyên, liên tục với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, đạt được nhiều kết quả hơn trong phóng chống tham nhũng, góp phần chuẩn bị tốt cho Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Không có chuyện dừng lại và không thể dừng, phải quyết tâm cao hơn, đây là yêu cầu của Đảng, của nhân dân.

Thực hiện tốt, đồng bộ và hoàn thiện chính sách để đẩy lùi tham nhũng

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật vì có hành vi tham nhũng và cố ý làm trái. Phải xử lý kỷ luật cán bộ là điều không ai mong muốn, là điều không khỏi đau xót. Nhưng là việc không thể không làm bởi “luật bất vị thân”, mọi đảng viên phải tuân thủ điều lệ Đảng, bình đẳng trước pháp luật, đặc biệt là những cán bộ cấp cao lại càng phải chịu trách nhiệm lớn hơn trước pháp luật, trước Đảng, trước nhân dân. Điều này cũng thể hiện quyết tâm chính trị cao, tinh thần thượng tôn pháp luật của Đảng và nhà nước ta là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Hải Hưng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về vấn đề này:

Đại biểu Nguyễn Hải Hưng: Thực hiện tốt, đồng bộ và hoàn thiện chính sách để đẩy lùi tham nhũng

Phóng viên: Đại biểu có đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua?

Đại biểu Nguyễn Hải Hưng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: Thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ từ Trung ương đến cơ sở, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Công tác này đã đạt được kết quả rõ rệt, đem lại hiệu ứng rất tích cực trong xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trên nghị trường Quốc hội, công tác phòng, chống tham nhũng cũng được nhiều đại biểu hết sức quan tâm thảo luận, chất vấn. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi thấy cử tri đánh giá rất cao hiệu quả và những bước tiến trong công tác này. Điều này thể hiện các cơ quan chức năng đã vào cuộc hết sức tích cực, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng dưới sự chỉ đạo hết sức quyết liệt, có trọng tâm của Đảng và nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng mà trực tiếp là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Nhờ đó công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được kết quả thành công bước đầu. Đặc biệt, nhiều vụ việc, vụ án lớn, kể cả những vụ tồn tại từ nhiều năm trước đã được điều tra làm rõ, xử lý, thể hiện không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Phóng viên: Thưa đại biểu, quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn gặp những khó khăn, vướng mắc như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Hải Hưng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: Tham nhũng là vấn đề tồn tại xã hội. Ở tất cả các quốc gia đều có tham nhũng, tuy nhiên ở mức độ nhiều hay ít là do cơ chế quản lý.

Ở nước ta, tham nhũng xảy ra ở hầu hết các ngành, các cấp, thậm chí xảy ra ngay trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, nên việc đấu tranh, ngăn chặn và xử lý rất khó khăn. Dù cơ chế quản lý đã có rất nhiều, biện pháp có rất nhiều nhưng chúng ta vẫn còn có những kẻ hở trong trong lĩnh vực này dẫn đến hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng chưa được như mong muốn. Bởi lẽ trong công tác phòng chống tham nhũng chúng ta chưa có các quy định về kiểm soát đối tượng có hành vi tham nhũng, có nguy cơ tham nhũng  và kiểm soát ngay tại các cơ quan Nhà nước và những người thực tiễn thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tham nhũng. Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế, xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, chồng chéo, dễ nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi. Tâm lý chung của người dân là sớm điều tra ra các vụ tham nhũng, tuy nhiên, công tác đấu tranh chống tham nhũng lại là cuộc đấu tranh hết sức phức tạp, đòi hỏi nhiệm vụ lâu dài và phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, thận trọng, không nóng vội, không chủ quan, phải có kế hoạch cụ thể, bước đi vững chắc. Ngoài ra, công khai, minh bạch trong các hoạt động có liên quan đến người dân, doanh nghiệp, trong quản lý tài chính, tài sản của Nhà nước, trong công tác cán bộ của nước ta hiện nay vẫn còn hạn chế. 

Phóng viên: Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được cho là biện pháp quan trọng đầu tiên để ngăn ngừa tham nhũng. Ý kiến của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Hải Hưng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: Công khai, minh bạch không chỉ là một biện pháp đầu tiên quan trọng ngăn ngừa tham nhũng mà còn là một biện pháp không thể thiếu được trong công tác phòng chống tham nhũng. Để đạt được kết quả tốt và thành công thì chúng ta phải công khai, minh bạch. Công khai, minh bạch để toàn xã hội, toàn dân có thể thực hiện quyền nghĩa vụ của mình trong việc giám sát hoạt động của các các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là phát hiện và tố cáo những hành vi tham nhũng của đối tượng tham nhũng. Công khai, minh bạch cũng sẽ làm cho công chức nhà nước có ý thức hơn trong việc thực hiện chức trách, công vụ của mình, đặc biệt là cán bộ công chức có chức, quyền, công tác ở những vị trí có nguy cơ tham nhũng thì không dám tham nhũng và không thể tham nhũng.

Bên cạnh đó, công khai minh bạch cũng giúp phát huy tối đa hiệu quả của các cơ quan báo chí trong việc phát hiện và phát hiện tham nhũng để góp phần thực hiện cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Phóng viên: Để tiếp tục ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, đại biểu có đề xuất, kiến nghị gì?

Đại biểu Nguyễn Hải Hưng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: Để thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng chúng ta phải thực hiện thật tốt Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, luật và các văn bản quy phạm pháp luật. Chúng ta phải làm đồng bộ các giải pháp, hoàn thiện thể chế, chính sách, luật pháp để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không còn muốn tham nhũng.

Tiếp tục ban hành quy định, hướng dẫn, quy định cụ thể về về cơ chế quản lý kiểm soát, đặc biệt là cơ chế kiểm soát đối tượng có hành vi tham nhũng, có nguy cơ tham nhũng và kiểm soát ngay tại các cơ quan Nhà nước và những người thực tiễn thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tham nhũng. Tuyên truyền, vận động để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và không mắc vào tham nhũng. Qua đó cũng tạo niềm tin cho người dân và người dân dũng cảm dám đứng lên đấu tranh chống tham nhũng.

Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương VI của Ban Chấp hành Trung ương về tinh gọn bộ máy, thực hiện có hiệu lực, hiệu quả và giảm bớt, loại bỏ những cán bộ công chức không đủ tiêu chuẩn, không đắp ứng yêu cầu nhiệm vụ và thay đổi luân chuyển những cán bộ công tác ở những vị trí có nguy cơ tham nhũng để giảm thiểu và hạn chế thấp nhất hành vi tham nhũng. 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Xưa nay, tham nhũng bị coi là quốc nạn, là hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn vong của đất nước. Dẫu biết rằng phòng chống tham nhũng là công việc trường kỳ, khó khăn, phức tạp… nhưng người dân vẫn mong đợi công cuộc này vẫn tiếp tục quyết liệt hơn, sâu rộng hơn, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh./.

Lê Phương