Đội vốn, kéo dài thời gian thi công
Sau 8 lần sai hẹn, điều chỉnh vốn tăng thêm 18 nghìn tỷ đồng nhưng đến nay Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa cán đích như mục tiêu đề ra.
Cụ thể, dự án này được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư trên 552 triệu USD, tương đương gần 8.800 tỷ đồng và được phê duyệt điều chỉnh năm 2016 với tổng mức đầu tư hơn 868 triệu USD (tương đương hơn 18.000 tỷ đồng).
Dự án được khởi công năm 2011 và dự kiến hoàn thành năm 2015. Sau 8 lần sai hẹn về đích mà lần gần nhất theo cam kết của Bộ Giao thông Vận tải là hoàn thành vào tháng 4/2019 nhưng không thành. Mặc dù dự án đã hoàn thành 99% khối lượng nhưng Bộ Giao thông Vận tải cũng chưa hứa thời gian cụ thể để đưa dự án vào khai thác.
Ông Lưu Huy Vinh, cử tri quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội
Ông Lưu Huy Vinh, cử tri quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội cho biết, ông sốt ruột trước nhiều công trình kéo dài thời gian thi công, mà đường sắt Cát Linh- Hà Đông là ví dụ điển hình. Đến bây giờ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa có câu trả lời chính thức bao giờ mới đưa dự án vào sử dụng. Cử tri chúng tôi mong muốn Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ cần sớm chỉ đạo đưa dự án vào khai thác…)
Còn tại Dự án đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến metro số 1 dự kiến đưa vào khai thác năm 2020 nhưng đến nay mới hoàn thành 66,5% tổng khối lượng dự án.
Tuyến metro số 2 đã được phê duyệt cách đây 9 năm nhưng hiện mới hoàn thành gói thầu “Xây dựng toà nhà Văn phòng và các công trình phụ trợ”.
Các dự án giao thông trong đường bộ cũng trong tình trạng chậm tiến độ, đội vốn. Điển hình là dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Kế hoạch ban đầu dự án hoàn thành năm 2012, sau đó được điều chỉnh hoàn thành năm 2018 và hiện nay điều chỉnh thành cuối năm 2020.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công năm 2014, dự kiến hoàn thành trong năm 2019, nhưng với tiến độ hiện tại khó có thể hoàn thành theo kế hoạch…
Đại biểu Ngô Thanh Danh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng: Công trình đội vốn, có những công trình do lý do khách quan nhưng cũng có dự án do nguyên nhân chủ quan của từng bộ ngành. Do vậy, cũng cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để báo cáo trước Đảng, trước Quốc hội và nhân dân về vấn đề này. Theo tôi, ngay từ khi lập kế hoạch ban đầu cần làm rõ từng hạng mục, để có dự toán cụ thể.
Không thể phủ nhận nỗ lực không ngừng của ngành giao thông thời gian qua trong việc khẩn trương chỉ đạo thực hiện các dự án, công trình trọng điểm. Trong tổng số 47 công trình, dự án trọng điểm, đến nay đã đưa vào khai thác, sử dụng 23 công trình. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn 24 dự án chưa hoàn thành. Trong khi đó hàng trăm, hàng nghìn công trình dân sinh thiết thực khác đang “khát” vốn để xây dựng, thì vẫn còn những công trình xây dựng mang tên nghìn tỷ bị điều chỉnh vốn theo từng giai đoạn, gây lãng phí lớn ngân sách nhà nước.
Điều đáng nói là không chỉ trong lĩnh vực giao thông, tình trạng chậm tiến độ, đội vốn các dự án đầu tư công cũng diễn ra phổ biến ở nhiều ngành, lĩnh vực. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2018 cho thấy, cả nước có 56.567 dự án đầu tư công được thực hiện, trong đó có 1.778 dự án chậm tiến độ, 422 dự án thất thoát, lãng phí, 798 dự án điều chỉnh tổng vốn đầu tư… Kết quả thanh tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phát hiện trên 500 dự án vi phạm các quy định về thủ tục đầu tư, chất lượng công trình, thất thoát lãng phí.
Tháo gỡ vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội Kỳ họp thứ 8 QH khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã thừa nhận tình trạng một số dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ, đội vốn, kéo dài thời gian thi công. nguyên nhân tình trạng này chủ yếu tập trung ở các dự án quy mô lớn, công nghệ phức tạp, thực hiện qua nhiều năm và đã được phê duyệt, triển khai từ các giai đoạn trước, điển hình là các dự án đường sắt đô thị. Bên cạnh đó tiến độ giải ngân chậm, vướng mắc về cơ chế đấu thầu thì kế hoạch vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ, làm chậm tiến độ thanh toán cho các nhà thầu cũng là nguyên nhân dẫn đến tiến độ thi công của các dự án bị ảnh hưởng:
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: “Chúng tôi được giao 26.000 tỷ, nhưng năm nay chúng tôi giải ngân chậm, một số dự án trọng điểm cũng chậm, có lý do như thế này. Năm nay chúng tôi bố trí 10.000 tỷ đồng cho 11 dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông và cho 14 dự án với 15.000 tỷ Quốc hội đã thống nhất giữa năm 2017. 14 dự án giao thông cấp bách 15.000 tỷ thì từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ khởi công 10 dự án vì hiện nay đang đấu thầu và cũng đã chuẩn bị mặt bằng. Thứ hai, chậm là chúng tôi có khoảng 10.000 tỷ liên quan đến vốn ODA, vốn ODA thì có một số dự án đã được giao mới. Những dự án này kinh phí rất lớn được Quốc hội thông qua nhưng chúng tôi triển khai tương đối chậm. Ngoài ra, một số dự án đang triển khai do vướng mắc về mặt thủ tục, do điều chỉnh nên hơi chậm”
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể
Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước về kết quả kiểm toán các dự án đầu tư công; công tác quản lý, sử dụng vốn ODA cũng cho thấy nhiều bất cập trong các dự án đầu tư công như quyết định đầu tư chưa xác định rõ nguồn vốn, thời gian thực hiện dự án; xác định tổng mức đầu tư còn sai sót, thiếu chính xác, phải điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn; công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, năng lực chủ đầu tư còn nhiều bất cập…
Dưới góc độ nghiên cứu, đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho rằng: “cần phân tích rõ hơn nguyên nhân của việc chậm giải ngân các nguồn vốn đầu tư công, do mới triển khai luật đầu tư công chưa tốt hay do văn bản luật có vấn đề?”.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng
Có thể nói, các dự án đầu tư công kém hiệu quả kéo dài trong nhiều năm qua đã khiến hiệu quả đầu tư xã hội bị hạn chế, gia tăng nhiều hệ quả tiêu cực, như: tăng sức ép lạm phát, mất cân đối ngành, thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối, và thâm hụt ngân sách, nợ công quốc gia, thậm chí gây ra hiệu ứng lấn át đầu tư khu vực tư nhân. Điều này đang đặt ra yêu cầu Chính phủ cũng như các bộ ngành thực hiện hiệu quả các giải pháp tăng cường năng lực thực thi nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả, giảm thất thoát, lãng phí và chống tham nhũng trong đầu tư công.
Việc đội vốn, chậm tiến độ các dự án giao thông trọng điểm không còn là câu chuyện mới khi vấn đề này được báo chí, cử tri, đại biểu Quốc hội và cả xã hội nhắc đến nhiều lần. Những cái tên như: dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận... được chỉ ra nhiều năm gần đây nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Vậy đâu là căn nguyên và giải pháp cho vấn đề này? Phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi lại ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề này:
Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh
Phóng viên: Thưa đại biểu, Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn của Bộ Giao thông - Vận tải gửi tới Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV cũng đã nêu thực tế về một số dự án đầu tư phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, kéo dài thời gian thực hiện. Đại biểu đánh giá về thực trạng này như thế nào?
- Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: Thời gian qua, có một số dự án đầu tư còn dàn trải và một số dự án đầu tư nhưng chưa đáp ứng được mục tiêu phát triển ngành, phát triển của địa phương. Công tác kiểm tra, thanh gia, giám sát trong đầu tư chưa kịp thời nên hiệu quả, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Ngoài ra, việc ban hành chủ trương, chính sách, tôi cho rằng có đôi khi chưa phù hợp, dẫn tới nguồn lực cho đầu tư công hạn chế, dẫn tới hiệu quả đầu tư công giảm.
- Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi cho rằng, hầu hết các dự án đầu tư công hiệu quả thấp hơn, thời gian kéo dài hơn so với những dự án đầu tư của tư nhân. Điều này cho thấy cơ chế quản lý, cơ chế đánh giá nói chung của các dự án đầu tư công của chúng ta hiện nay còn lỗ hổng.
Phóng viên: Thưa đại biểu, để nâng cao chất lượng các dự án đầu tư công, nhất là các dự án đầu tư công trong lĩnh vực giao thông cần triển khai những giải pháp nào?
- Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi cho rằng, nguyên nhân do quá trình triển khai thực hiện tại địa phương, như vậy cần quy trách nhiệm rõ ràng của từng người trong các khâu. Tôi cho rằng, chỉ khi quy rõ trách nhiệm thuộc về ai, khi đó chúng ta mới có được các dự án thực sự mang lại hiệu quả và tránh được sự lãng phí như thời gian qua.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội
- Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: Tôi đề nghị khi triển khai dự án đầu tư công cần tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công. Chúng ta mở rộng quy định về nguồn vốn, tức là mở rộng đối tượng và thu hút các nguồn vốn, kể cả nguồn vốn khu vực tư, chứ không chỉ ngân sách nhà nước để huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền, đặc bệt là phân cấp phân quyền trong đầu tư công. Về mặt thủ tục thì cũng hướng tới tháo gỡ và đơn giản hóa thủ tục hành chính; đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu và có giải pháp xử lý nghiêm để việc thực hiện đầu tư công đúng quy định của pháp luật.
- Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Các số liệu báo cáo của Chính phủ cho thấy việc giải ngân của nhiều dự án, trong đó có dự án của ngành giao thông đạt thấp, do thủ tục chậm, khiến kéo dài thời gian, bị trượt giá nên đội vốn, chất lượng dự án bị ảnh hưởng. Thời gian tới, tôi hy vọng Chính phủ sẽ có giải pháp đẩy nhanh giải nhanh vốn đầu tư công, có như vậy mới giảm được tình trạng kéo dài thời gian và đội vốn dự án.
Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định
Giao thông vận tải là ngành kinh tế đặc biệt, là mạch máu của nền kinh tế. Thời gian qua, ngành giao thông đưa các công trình quy mô lớn, đạt chất lượng cao vào khai thác sử dụng góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc chậm triển khai nhiều dự án dự án đầu tư công đã gây nên nhiều hệ lụy, không chỉ tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, mà còn gây lãng phí tài nguyên đất đai, tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng tới kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhưng thiệt hại lớn nhất chính là về mặt tinh thần, đó là làm giảm niềm tin của người dân vào tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước. Theo ý kiến của đại biểu quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải cần phối hợp với các cơ quan hữu quan triển khai các giải pháp đồng bộ, tích cực nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, khắc phục việc đội vốn; đồng thời làm rõ nguyên nhân đội vốn, chậm tiến độ, đặc biệt phải truy trách nhiệm tới cùng đối với các cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm./.