Quan tâm về vấn đề này, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa- Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, phân tích cần phải có lộ trình để chúng ta xây dựng các lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Theo đó lực lượng dân phòng, chiếm 23%, cộng với lực lượng phòng cháy chuyên ngành, lực lượng phòng cháy cơ sở. Ba lực lượng này sẽ giải quyết 4 tại chỗ, Tuy nhiên ba lực lượng này hiện nay quân số cũng chưa đủ, nghiệp vụ cũng chưa bảo đảm về diễn tập, kỹ năng. Đại biểu đề nghị cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan Bộ Công an phải tham mưu cho Chính phủ để quyết tâm rà soát kỹ lại lực lượng này để kiện toàn và bảo đảm khi tình huống xảy ra chúng ta thực hiện được 4 tại chỗ sẽ giải quyết được hậu quả của phòng cháy, chữa cháy.
Bên cạnh đó, đại biểu chỉ ra rằng, vấn đề lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở các chung cư cũng cần quan tâm. Đề nghị Chính phủ cũng cần phải bàn về vấn đề này vì ban quản lý khu dân cư quản lý một lượng dân cư rất lớn, có những khu chung cư có thể hàng vạn dân có nghĩa là hơn một phường, nhưng hiện nay bộ máy chưa rõ. Hiện nay là lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở đây chưa rõ, thuộc đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở. Nhưng theo đại biểu phải thành lập đội phòng cháy, chữa cháy cho ngành ở những chung cư lớn để khi có tình huống xảy ra, phải có những lực lượng đủ mạnh để xử lý ngay tại chỗ. Đồng thời phải có những khoảng tường trống để tập kết lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Thêm vào đó, cần phải có một phương tiện để khi xảy ra sự cố cháy nổ thì chúng ta đã có thể xử lí kịp thời; bảo đảm tốt về lực lượng phòng cháy, chữa cháy.
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa phát biểu
Cũng quan tâm đến nội dung này, phát biểu tại Phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà- Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho rằng trong thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ luôn được xem là một trong những công tác quan trọng nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản nhà nước và của nhân dân. Góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Công tác phòng cháy, chữa cháy phải lấy phòng ngừa là chính. Vì vậy, để phòng ngừa cháy tốt thì kịp thời dập tắt đám cháy ngay từ khi nó mới xuất hiện thì điều kiện tiên quyết là công tác phòng cháy, chữa cháy phải được thực hiện từ mỗi cá nhân, mỗi gia đình và mỗi địa phương, đơn vị và phải được coi đây là công việc hằng ngày ở mọi nơi, mọi lúc.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà, một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng của công tác này là cần quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng của lực lượng nòng cốt trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Xác định con người là chủ thể chính trong phòng cháy, chữa cháy nhưng thực tế lực lượng này còn nhiều bất cập như đối với đội viên đội dân phòng đa số thì tuổi đời khá cao nên khó khăn trong việc tiếp cận các kỹ năng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Các thành viên của đội dân phòng mỗi người mỗi việc, thậm chí họ còn phải đi làm ăn xa nên rất khó khăn trong công tác quản lý, huấn luyện hay tham gia vào các hoạt động của đội. Vì vậy, cần quan tâm thu hút người trẻ, người có trình độ tham gia vào lực lượng này, từng bước củng cố về số lượng, về nghiệp vụ và có chính sách cụ thể để lực lượng này hoạt động ổn định và hiệu quả hơn. Cần đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và vận động từ các nguồn khác thông qua công tác xã hội hóa, nhằm khắc phục được tình trạng “3 không” đối với đội dân phòng, đó là không huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, không trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và không có chế độ. Đối với lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cũng phải được quan tâm, bố trí đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng.
Đồng thời, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà cũng nêu rõ, qua giám sát tại địa phương, nhìn vào thực trạng đội ngũ và trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy hiện có thì không thể không lo lắng. Tại thời điểm giám sát, cả tỉnh chỉ có Phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thuộc công an tỉnh và một đội cảnh sát phòng cháy, chữa cháy trung tâm. Các huyện chưa có đội cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Trong khi đó, khoảng cách từ trụ sở phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đến trung tâm cấp huyện là khá xa, nơi gần nhất cũng là 25km và nơi xa là 70km. Theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định thì khoảng cách tối đa 5km phải thành lập một trạm phòng cháy, chữa cháy trung tâm. Chưa kể đến về phương tiện chữa cháy, toàn tỉnh hiện chỉ có 9 xe chữa cháy và xe chuyên dùng, trong đó có 6 xe là đã quá niên hạn sử dụng theo quy định của Bộ Công an.
Từ những phân tích thực trạng, đại biểu đề nghị trong thời gian tới cần tăng cường đầu tư và xây dựng lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Quy hoạch và triển khai xây dựng mạng lưới các đơn vị cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn bán kính bảo vệ và nâng cao hiệu quả của việc chữa cháy. Đề nghị Bộ Công an quan tâm, hỗ trợ cho tỉnh thành lập các trạm phòng cháy, chữa cháy trung tâm và đầu tư các trang thiết bị, phương tiện còn thiếu./.