ĐBQH: ĐỀ NGHỊ TĂNG CƯỜNG ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ, ĐẢM BẢO QUY CHUẨN TRONG PCCC

19/11/2019

Tại Phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018 trong Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, một số đại biểu cho rằng cần tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, đảm bảo đúng quy chuẩn trong phòng cháy, chữa cháy.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh- Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, cho rằng việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng cháy, chữa cháy trong báo cáo còn rất mờ nhạt. Từ năm 2014 đến 2018 cho đến nay, cả nước mới chỉ có 56 nhiệm vụ khoa học công nghệ về phòng cháy, chữa cháy để thực hiện. Trong đó có 9 nhiệm vụ cấp nhà nước, 18 nhiệm vụ cấp bộ và 29 nhiệm vụ cấp cơ sở. Việc nghiên cứu chế tạo các thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa, cháy và cứu nạn, cứu hộ trong nước còn ít vì đa phần nhập khẩu từ nước ngoài. Trong quá trình tham gia Đoàn giám sát, các đại biểu đã đề nghị cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành và địa phương để có nhiều số liệu, thông tin tích cực hơn về vấn đề này.

Đại biểu cũng đưa ra một vài ví dụ điển hình, như qua phương tiện truyền thông trong nước cử tri và nhân dân đều biết kỹ sư Phan Đình Phương là nhân viên Công ty Xăng dầu khu vực Nam Đà Nẵng. Từ năm 2005 đã phát minh máy chữa cháy tự động đa năng được cơ quan phát minh của Việt Nam cũng như là Hoa Kỳ cấp bằng độc quyền sáng chế. Là người nước ngoài đầu tiên được Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy Hoa Kỳ kết nạp là thành viên. Ngoài ra, còn nhiều tổ chức, cá nhân trong nước đã và đang say mê nghiên cứu sáng chế thành công xe chữa cháy hơi nước tự động hay xe chữa cháy của các lão nông hai lúa ở An Giang. Thiết bị phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ tự động ở nhà chung cư. Sáng chế nhà thông minh tự chữa cháy của học sinh lớp 9 ở Hà Nội. Do đó đề nghị công tác quản lý nhà nước, nhất là lực lượng phòng cháy, chữa cháy của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tập đoàn nhà nước phải thực sự quan tâm, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho những tổ chức, cá nhân nêu trên để có thể sản xuất, cung ứng các sản phẩm phòng cháy, chữa cháy phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xã hội hóa trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh phát biểu

Để có thể khắc phục một số tồn tại trong công tác phòng cháy, chữa cháy, đại biểu đề nghị các cơ quan của Quốc hội rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các dự án Luật cần có nội dung gắn với công tác phòng cháy, chữa cháy. Ví dụ như đối với Luật Đầu tư đối tác công tư, Luật Công nghệ thông tin, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp.

Đối với Chính phủ, trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, trí tuệ sáng tạo của người Việt rất phong phú, dồi dào, được quốc tế công nhận và đã hợp tác, đề nghị Chính phủ, nhất là các bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp và tạo thuận lợi để tổ chức các cuộc thi nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất các vật liệu, thiết bị máy móc, phương tiện và các phương pháp để phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn của tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong nước theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Trước mắt, cần sớm khắc phục những bất cập, hạn chế mà các vị đại biểu Quốc hội đã chỉ ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy ở các khu chung cư, khu dân cư, phố cổ, phố cũ, chợ dân sinh, ở các cơ sở thờ tự chứ không phải chỉ nhăm nhăm đi kiểm tra, thanh tra ở các doanh nghiệp. Cần bổ sung vào tiêu chuẩn xây dựng các khu chung cư, nhà cao tầng phải có các hồ nước, vừa tạo cảnh quan môi trường, vừa là nơi cung cấp nước phòng cháy, chữa cháy khi cần thiết.

Cũng tham gia phát biểu tại Phiên thảo luận, đại biểu Ngô Sách Thực- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nêu rõ, liên quan đến thẩm định, về duyệt thiết kế, cho phép về kiểm tra, nghiệm thu, tiêu chuẩn và quy chuẩn, vẫn còn có một số bất cập về quy định thẩm định phê duyệt thiết kế, kiểm tra biên bản nghiệm thu, cấp phép về giấy chứng nhận. Đồng thời đại biểu cũng chỉ rõ vẫn còn một số mâu thuẫn giữa pháp luật phòng cháy, chữa cháy với Luật Xây dựng. Trong quá trình chỉ đạo, các đại biểu nhận thấy Chính phủ, các bộ, ngành đã có quan điểm chỉ đạo tích hợp một số nội dung, ví dụ như đã có khắc phục những vấn đề chồng chéo, tuy nhiên việc cấp phép vẫn cần phải tiếp tục rà soát kỹ hơn, đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện công khai, minh bạch, đặc biệt là khắc phục hình thức trong cấp giấy chứng nhận về phòng cháy, chữa cháy. Cần phải xem xét để gắn liền trách nhiệm với cấp phép xây dựng.

Riêng đối với hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, đại biểu đồng tình với những giải trình của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Đề nghị cần có lộ trình để sửa đổi, khắc phục những bất cập; bảo đảm an toàn, chất lượng, sử dụng lâu dài các vật liệu thay thế./.

Hồ Hương