ĐBQH HOÀNG QUỐC THƯỞNG: BỘ CÔNG THƯƠNG PHẢI LÀM RÕ MỘT SỐ ĐIỂM VỀ TỔ CHỨC MÔ HÌNH TỔNG CỤC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

18/05/2019

Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang thực hiện Đề án đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, lực lượng quản lý thị trường lại được tổ chức theo mô hình Tổng cục, trực thuộc Bộ Công thương. Mô hình tổ chức này khiến dư luận và cử tri băn khoăn đặt câu hỏi về cơ cấu nhân sự bộ máy? Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, trong phiên chất vấn trực tiếp, ĐBQH Hoàng Quốc Thưởng đã có chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về nội dung này.

Thành lập Tổng cục Quản lý thị trường

Trước yêu cầu cần nâng cao chất lượng công tác quản lý thị trường trong điều kiện hội nhập sâu rộng kinh tế khu vực và thế giới với nguy cơ gia tăng tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương. 

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) được tổ chức thành hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của Bộ trưởng Bộ Công Thương theo nguyên tắc tập trung thống nhất. Cơ cấu, tổ chức của Tổng cục QLTT được kế thừa và phát triển từ tổ chức QLTT hiện có, bảo đảm thực hiện thống nhất trong quan hệ chỉ đạo, điều hành xuyên suốt; giữ ổn định, không phát sinh tăng đầu mối, biên chế, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống các vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, chống gian lận thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Lực lượng Quản lý thị trường 

Bộ máy Tổng cục ở trung ương được tổ chức tinh gọn trên cơ sở nâng cấp, kiện toàn từ Cục QLTT thuộc Bộ Công Thương. Tại địa phương, thành lập Cục QLTT cấp tỉnh trực thuộc Tổng cục, có Đội QLTT cấp huyện trực thuộc Cục QLTT cấp tỉnh thay cho mô hình Chi cục trực thuộc Sở Công Thương hiện nay. Theo nhà báo Nguyễn Minh Phong, việc thành lập Tổng cục Quản lý thị trường là quyết định cần thiết trong bối cảnh thị trường hiện nay quản lý còn thiếu chặt chẽ, đặc biệt là sự thiếu thống nhất từ trên xuống và sự phân công phối hợp giữa các đơn vị, các ngành, địa phương còn khá lỏng lẻo khiến cho rất nhiều tình trạng về hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và những tranh chấp giữa người tiêu dùng và đơn vị cung cấp diễn ra rất phức tạp. Bên cạnh đó, trong bối cảnh tiến hành hội nhập thì việc siết lại môi trường thương mại trong nước để đảm bảo sự phù hợp với những cam kết hội nhập cũng như đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng là rất cần thiết.

Tuy nhiên, trong khi các bộ, ban, ngành khác đang tích cực tìm cách thu gọn bộ máy, xóa bỏ các tổng cục thì việc thành lập Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công thương đã khiến nhiều chuyên gia nghi ngại về tính hiệu quả. Việc tổ chức lực lượng quản lý thị trường theo mô hình mới liệu có đảm bảo không tăng biên chế như Bộ đã cam kết? Theo bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, để thực hiện đúng cam kết không tăng biên chế, phình bộ máy khi tổ chức bộ máy của Tổng cục Quản lý thị trường thì Bộ Công thương cần tuân thủ nghiêm ngặt nội dung trong đề án đề ra, cần có kế hoạch chi tiết và tiến hành thận trọng. Đồng thời, trong quá trình sắp xếp tổ chức lại thì cần mạnh dạn thanh lọc những cán bộ không đủ tư cách, năng lực đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý thị trường có chuyên môn sâu, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Công thương: Xây dựng theo mô hình tập trung, thống nhất từ trung ương xuống địa phương

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, trong phiên chất vấn trực tiếp tại hội trường, Đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Thưởng - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, là một trong số nhiều đại biểu đã có câu hỏi chất vấn trực tiếp đối với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về việc thành lập Tổng cục Quản lý thị trường trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang thực hiện đề án đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

Trả lời đại biểu Hoàng Quốc Thưởng cũng như một số đại biểu khác về nội dung thành lập Tổng cục Quản lý thị trường trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Bộ trưởng Bộ Công thương nêu rõ: mô hình tổ chức lực lượng quản lý thị trường (QLTT) theo cấu trúc ngang bao gồm 63 Chi cục thuộc Sở Công Thương các tỉnh/thành phố và Cục QLTT tại Bộ Công Thương được duy trì hơn 60 năm qua đã góp phần ổn định thị trường nội địa, xử lý các hành vi vi phạm gian lận thương mại.Tuy nhiên, thực tế cho thấy các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong những năm gần đây đã phát triển ở mức độ tinh vi, phức tạp hơn. Gian lận thương mại giờ đây không chỉ ở một địa bàn cục bộ cấp xã, huyện, tỉnh nữa mà có phạm vi rộng hơn, liên tỉnh, liên vùng. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet, mạng xã hội, thương mại điện tử, giờ đây Internet đang trở thành một kênh tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém phẩm chất mà các lực lượng chức năng rất khó phát hiện và xử lý. Cách tổ chức lực lượng QLTT theo mô hình cũ bị giới hạn và chia cắt theo địa phương đã không còn theo kịp nhu cầu quản lý. Vì vậy, việc tổ chức lực lượng QLTT theo mô hình tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, bao gồm các Cục ở địa phương trực thuộc Tổng cục QLTT sẽ đáp ứng yêu cầu thực tế trong bối cảnh mới. Mô hình tổ chức theo ngành dọc sẽ góp phần bảo đảm phát huy sức mạnh, hiệu quả hoạt động của lực lượng QLTT.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, không phải vì thay đổi mô hình từ Chi cục ở địa phương thành Cục của Tổng cục thuộc Bộ Công Thương mà chính quyền địa phương không còn trách nhiệm với công tác QLTT. Việc thành lập Tổng cục QLTT về bản chất chỉ là sự thay đổi mô hình quản lý. Công tác QLTT không tách rời với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trên địa bàn. Biên chế công chức của QLTT trên địa bàn vẫn giữ nguyên. Nhiệm vụ chính của QLTT vẫn gắn liền và phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chống gian lận thương mại của tỉnh.

Không tăng biên chế, tạo sự phối hợp chặt chẽ với địa phương

Năm 2019, Bộ Công Thương xây dựng Đề án thành lập 19 Cục quản lý thị trường liên tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước tháng 12 năm 2019. 681 Đội quản lý thị trường cấp huyện thuộc Cục cấp tỉnh cũng sẽ được sắp xếp, tổ chức lại theo hướng sáp nhập thành các đội liên huyện, bảo đảm mục tiêu giảm 305 Đội đến năm 2020. Vậy cần lưu ý những nội dung gì để việc triển khai lực lượng quản lý thị trường theo mô hình mới được hiệu quả nhưng phải tinh gọn bộ máy? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Thưởng để làm rõ nội dung này.

Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Phóng viên: Thưa đại biểu, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, đại biểu là một trong nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương. Vậy cụ thể nội dung đại biểu chất vấn tập trung vào những khía cạnh nào?

Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV tôi cũng như một số đại biểu đã chất vấn trực tiếp đối với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh liên quan đến việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của Tổng cục Quản lý thị trường. Tôi đặt vấn đề trong quá trình thực hiện Nghị quyết của Trung ương về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy cũng như tinh giản đội ngũ cán bộ công chức viên chức như hiện nay thì việc sắp xếp thành lập Tổng Cục quản lý thị trường và các chi cục quản lý thị trường như vậy có ảnh hưởng gì đối với việc thực hiện Nghị quyết hay không?

Phóng viên:Về nội dung đại biểu và một số đại biểu khác chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có phần giải trình trước Quốc hội đồng thời có văn bản trả lời đối với đại biểu. Vậy, đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: Đối với nội dung chất vấn của tôi, Bộ trưởng Bộ công thương cũng đã có văn bản trả lời. Tại văn bản trả lời cũng đã phân tích các nội dung, lý do cũng như sự cần thiết phải sát nhập mô hình tổ chức quản lý thị trường theo tổng cục. Bộ trưởng cũng khẳng định đối với 63 chi cục quản lỷ thị trường nhập về tổng cục quản lý thị trường theo ngành dọc thì không ảnh hưởng gì về việc tăng biên chế hay làm mất sự phối hợp với địa phương trong lĩnh vực quản lý thị trường.

Phóng viên:Trong phần trả lời, Bộ trưởng Bộ Công thương đã khẳng định sự cần thiết thành lập Tổng Cục Quản lý thị trường. Vậy, đại biểu có đồng tình với quan điểm do Bộ trưởng bộ Công thương đưa ra?

Đại biểu Hoàng Văn Thưởng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: Tôi thấy Bộ trưởng Bộ Công thương cần phải làm rõ hơn một số nội dung như: Thứ nhất, khi sát nhập mô hình 63 chi cục quản lý thị trường về Tổng cục quản lý thị trường thì cần phải có quy chế phối hợp rõ ràng; cụ thể trách nhiệm của chính quyền địa phương theo luật tổ chức chính quyền địa phương trong công tác phối hợp với ngành quản lý thị trường.

Thứ hai, khi sắp xếp lại bộ máy tổ chức cần lưu ý vấn đề biên chế bởi vì khi nhập vào thì chắc chắn biên chế thuộc trung ương sẽ tăng. Vậy giữa biên chế của Bộ Công thương tăng lên (trước biên chế của các chi cục quản lý thị trường các tỉnh thuộc biên chế địa phương) nhưng biên chế ở địa phương lại giảm thì đây cũng là việc cần phải phân tích rõ ràng.

Thứ ba, khi nhập đội ngũ quản lý thị trường ở địa phương về thì đòi hỏi chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức làm công tác này phải được nâng cao vì với đề án về thành lập Tổng cục có đặt ra tiêu chí đối với chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức làm trong ngành quản lý thị trường đòi hỏi trình độ kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ phải chuyên sâu, vững vàng đặc biệt trong bối cảnh hội nhập.

Phóng viên:Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang thực hiện đề án đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, theo đại biểu việc sắp xếp mô hình Tổng cục Quản lý thị trường cần thực hiện theo hướng như thế nào để hạn chế tăng biên chế và bộ máy nhưng vẫn tăng hiệu lực, hiệu quả công việc?

Đại biểu Hoàng Văn Thưởng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: Trước hết tôi đánh giá cao Bộ Công an và Bộ Tài chính thời gian qua đã rất tích cực trong việc thực hiện đề án đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Cụ thể, Bộ Tài chính đã đánh giá lại hoạt động của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế để sát nhập liên cục, liên huyện. Vì vậy, tôi thiết nghĩ rằng với mô hình Tổng cục hải quan và Tổng cục thuế mà Bộ Tài chính đang làm thì Bộ Công thương có thể nghiên cứu, trao đổi với các Bộ đã làm trước để rút kinh nghiệm, từ đó tìm cho mình 1 giải pháp, phương án phù hợp nhất. Để tránh làm phình bộ máy, có thể không nhất thiết 63 tỉnh, thành phố đều có cục quản lý thị trường mà có thể theo mô hình kết hợp giống như là của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế đang làm, có thể từ 2 đến 3 tỉnh thành 1 chi cục và có đại diện ở các tỉnh. Tôi cho rằng như vậy sẽ thu gọn được đầu mối nhưng vẫn phát huy được hiệu lực, hiệu quả trong quá trình chỉ đạo và giải quyết các vụ việc. Tôi cũng nhấn mạnh lại, phải tăng cường được sự phối hợp giữa liên ngành và địa phương trong quản lý thị trường thì chúng ta mới giải quyết được những vấn đề đang tồn tại hiện nay của ngành quản lý thị trường. 

Phóng viên:Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

 

Lê Anh