Chế độ đãi ngộ chưa tương xứng là một trong những nguyên nhân khiến cán bộ y tế rời bỏ bệnh viện công lập sang làm việc tại bệnh viện tư nhân.
Có một công việc ổn định, lâu dài trong các bệnh viện công là mơ ước của rất nhiều sinh viên y khoa sau khi tốt nghiệp ra trường. Nhưng thời gian gần đây, nhiều sinh viên ra trường lại ưu tiên tìm việc tại các cơ sở y tế tư nhân. Còn nhiều cán bộ y tế làm việc tại bệnh viện công lại xin nghỉ việc, ảnh hưởng lớn đến công tác khám chữa bệnh cho người dân. Vẫn biết không nên phân biệt bệnh viện công –bệnh viện tư, cán bộ y tế làm việc ở đâu cũng là chăm sóc, cứu chữa cho người bệnh, nhưng tình trạng cán bộ y tế ồ ạt xin nghỉ chuyển sang làm việc tại các bệnh viện tư đã cho thấy những bất cập về cơ chế, chính sách, từ khâu tuyển dụng, đãi ngộ, chính sách tiền lương và môi trường làm việc.
Cán bộ y tế làm rời bỏ bệnh viện công sang làm việc tại bệnh viện tư tăng cao
Năm 2018, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk có gần 40 bác sỹ, điều dưỡng xin nghỉ việc.
Mặc dù tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều chính sách ưu ái nhưng đã có khoảng 30 nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện công xin nghỉ việc.
Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh Cà Mau có gần 100 bác sỹ rời bỏ các cơ sở y tế công lập để làm tại các cơ sở y tế tư nhân.
Còn tại tỉnh Hậu Giang, 2 năm qua cũng có khoảng 20 bác sỹ chuyển từ bệnh viện công để làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân.
Hiện các bệnh viện, cơ sở y tế công trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thiếu hụt khoảng 300 y, bác sỹ. Riêng tháng 9/2018 toàn tỉnh có 64 y, bác sĩ xin nghỉ việc.
Thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2017 đến tháng 3/2018, 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước đã ghi nhận 125 bác sĩ tại các bệnh viện công xin nghỉ việc để chuyển sang các bệnh viện, phòng khám tư nhân.
Với mức lương từ 4-6 triệu đồng/tháng, 23 cán bộ y tế tại Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM cũng xin nghỉ việc.
Cũng với mức thu nhập trung bình 3 triệu đồng/tháng, từ tháng 10/2017 đến tháng 9/2018, tại tỉnh Lâm Đồng có 20 bác sĩ, dược sĩ làm việc tại cơ sở y tế công lập xin nghỉ việc….
Trên đây chỉ là một vài con số thống kê chưa đầy đủ về tình trạng cán bộ y tế từ bỏ công việc tại bệnh viện công chuyển sang làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Bệnh viện Melatec
Là người có nhiều năm công tác trong ngành y tế, GS Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, hiện là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Bệnh viện Melatec, phân tích: cán bộ y tế đang làm việc tại các bệnh viện công lập chuyển sang bệnh viện tư nhân ngày càng tăng. Ở nhiều bệnh viện công lập mất thời gian tuyển chọn, đào tạo, nhưng cán bộ y tế lại không gắn bó, rõ ràng là mất mát. Nguyên nhân cán bộ y tế ưu tiên lựa chọ ở bệnh viện tư, thậm chí có bác sỹ đang làm tại bệnh viện công chuyển sang làm bệnh viện tư thì có nhiều. Đó là cơ chế tuyển chọn, cơ chế đào tạo, sử dụng, bổ nhiệm. Ngoài ra, chế độ đãi độ, bao gồm lương và các quyền lợi khác có sự chệnh lệch giữa bệnh viện công và bệnh viện tư. Vì vậy, các bệnh viện công cần xem lại điều này. "Nếu bệnh viện công lập không thay đổi thì đến thời gian nào đó, sinh viên ra trường sẽ ưu tiên lựa chọn bệnh viện tư nhân để làm việc", GS Nguyễn Anh Trí chia sẻ.
Chưa có thống kê toàn diện về tình trạng bác sĩ chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư
Hiện toàn ngành y tế có khoảng 70.000 bác sĩ chưa kể lực lượng bác sĩ trong ngành quân đội, công an và bác sĩ ngoài công lập. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn chưa có thống kê cụ thể và toàn diện về tình trạng bác sĩ chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư, để từ đó đánh giá, nhìn nhận lại thực trạng sử dụng nguồn nhân lực y tế thời gian qua. Nhưng theo khảo sát của các bệnh viện có cán bộ y tế xin nghỉ việc thì áp lực công việc, lương thấp, chế độ đãi ngộ không tương xứng… là những lý do khiến đội ngũ y - bác sĩ bỏ bệnh viện công ngày càng phổ biến ở các địa phương hiện nay.
Điều đáng nói là những bất cập trong chính sách tiền lương của ngành y tế không chỉ diễn ra ở hệ điều trị mà lĩnh vực y tế dự phòng. Chị Nguyễn Thị Phương Thảo tốt nghiệp đại học Y Hà Nội năm 2015 hiện là bác sỹ tại khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm và Dinh dưỡng của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội. Đặc thù công việc của Thảo thường xuyên phải di chuyển, tiếp xúc trực tiếp với nhiều hóa chất độc hại trong công tác phòng, chống dịch. Nguy hiểm hơn là phải tiếp xúc với những bệnh truyền nhiễm, phải có mặt đầu tiên ở nơi xuất hiện dịch, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh luôn cận kề. Tuy nhiên, thu nhập hiện nay của Thảo lại thuộc mức thấp hơn so với nhiều cán bộ y tế có trình độ tương đương ở hệ điều trị.
Bác sỹ Nguyễn Thị Phương Thảo, cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội
Bác sỹ Nguyễn Thị Phương Thảo, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội chia sẻ: “Tôi được đào tạo ngành y tế dự phòng, sau khi tốt nghiệp về công tác tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội. Công việc phải thường xuyên di chuyển, đặc biệt là vào mùa dịch. Tuy nhiên, mức thu nhập hiện nay rất thấp so với cán bộ y tế có trình độ tương đương ở hệ điều trị. Đặc thù công việc vất vả, áp lực nhưng hệ số lương vẫn giống như những cán bộ làm ở khu vực hành chính nhân sự nhiều khi bản thân tôi cũng cảm thấy buồn, nhưng vẫn cố gắng hoàn thành công việc vì mục tiêu chung là nâng cao sức khỏe nhân dân”.
Để có được tấm bằng bác sĩ, người học phải đầu tư một khoản tiền rất lớn, từ 400 đến 500 triệu đồng, chưa kể những chi phí phát sinh khác. Tuy nhiên, khi ra trường, lương của nhiều cán bộ y tế làm việc tại các bệnh viện công chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Hiện lương ngành Y vẫn được chi trả theo thời gian công tác với hệ số cứng nhắc, vừa thấp vừa cào bằng, không liên quan đến hiệu suất công việc. Với áp lực công việc, nhưng với mức thu nhập như vậy, các bác sĩ rất khó bảo đảm cuộc sống, trong khi đó, tại bệnh viện tư nhân, thu nhập của bác sĩ cao hơn từ 4-5 lần so với làm việc tại bệnh viện công lập.
“Đất lành chim đậu”, việc dịch chuyển bác sĩ đến y tế tư nhân là tín hiệu về mảnh đất lành ở đó. Điều này cho thấy y tế công lập và y tế tư nhân đã bước đầu có sự cạnh tranh, nguồn nhân lực dịch chuyển về nơi nào có điều kiện lao động và thu nhập cao hơn. Việc nhiều bác sĩ bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư ở khía cạnh nào đó có thể là đòn bẩy để kích thích y tế tư nhân phát triển, giảm tải bệnh viện công. Nhưng nếu hiện tượng này xảy ra ở nhiều địa phương và năm nào cũng tái diễn thì ngành Y tế cần xem lại cơ chế đãi ngộ, đổi mới chất lượng bệnh viện và có phương án chăm lo tốt hơn cho đời sống nhân viên y tế.
Giải pháp nào hạn chế bác sỹ rời bỏ bệnh viện công lập sang làm việc tại bệnh viện tư?
Trước thực trạng cán bộ y tế rời bỏ bệnh viện công ngày càng tăng, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã chất vấn đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp nhằm thu hút cán bộ y tế, đặc biệt là cán bộ có trình độ cao làm việc tại các cơ sở y tế công lập. Sau khi nhận được chất vấn của đại biểu, ngày 14/6/2018, Bộ Y tế đã có Công văn số 3376 trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Tạo.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Công văn nêu rõ: Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ ban hành nhiều chế độ đối với cán bộ viên chức ngành y tế:
- Nghị định số 56/2011 của Chính phủ quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, với mức phụ cấp cao nhất lên tới 70%.
- Nghị định 64/2009 của Chính phủ quy định chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
- Quyết định số 73/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch…
Theo Bộ Y tế, hiện những chính sách này vẫn dựa trên tương quan giữa các ngành nghề, lĩnh vực do vậy cần có chế độ, chính sách thỏa đáng hơn, đáp ứng yêu cầu hoạt động khám chữa bệnh. Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2014 trong đó có nhiều quy định về chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế đang làm việc tại trạm y tế xã phường thị trấn. Bộ Y tế cũng tiếp tục thực hiện Đề án 1816 cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Công văn của Bộ Y tế cũng cho biết, thời gian qua Bộ đã triển khai nhiều giải pháp đổi mới cơ chế tài chính, thực hiện tự chủ tài chính tại các bệnh viện để tự chủ cao hơn trong các hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy và sử dụng nguồn tài chính. Đồng thời, triển khai Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, các Nghị quyết của Chính phủ nhằm thu hút cán bộ y tế, đặc biệt là các bác sỹ có trình độ chuyên môn cao vào làm việc tại các bệnh viện công lập.
Vẫn biết không nên phân biệt bệnh viện công – bệnh viện tư, cán bộ y tế làm việc ở đâu cũng là chăm sóc, cứu chữa cho người bệnh, nhưng tình trạng cán bộ y tế ồ ạt xin nghỉ chuyển sang làm việc tại các bệnh viện tư đã cho thấy những bất cập về cơ chế, chính sách, từ khâu tuyển dụng, đãi ngộ, chính sách tiền lương và môi trường làm việc. Trong phẩn trả lời của Bộ Y tế đã nêu một loạt giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, những giải pháp này đã phát huy như thế nào trong thực tế và ngành y tế cần làm gì để giữ chân được cán bộ y tế, phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Tạo về vấn đề này:
Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng
Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIV, Đại biểu đã có văn bản chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Đại biểu có thể cho biết cụ thể nội dung chất vấn của đại biểu?
Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Xuất phát từ yêu cầu xã hội và qua các đợt tiếp xúc cử tri, cử tri băn khoăn, đó là việc quá tải bệnh viện tuyến trên trong khi bệnh viện tuyến dưới chưa được đầu tư tương xứng, gây áp lực lớn đối với cơ sở vật chất và đội ngũ bác sỹ bệnh viện tuyến trên. Từ đó điều kiện phục vụ bệnh nhân sẽ giảm sút. Và chế độ chính sách, tạo điều kiện cho y, bác sỹ phục vụ, cống hiến cho nhân dân thì vẫn còn hạn chế. Vì vậy tôi đã chất vấn Bộ Y tế về nội dung này.
Phóng viên: Ngày 14/06/2018 Bộ Y tế đã có văn bản số 3376 trả lời chất vấn. Đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Bộ Y tế?
Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Từ Kỳ họp thứ 5 đến nay những chuyển biến tích cực của ngành Y tế, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Y tế trong chỉ đạo ngành và tại địa phương chúng tôi nhận thấy có sự thay đổi tích cực. Tuy nhiên, vấn đề còn tồn tại là chất lượng xây dựng các công trình trong ngành y tế, trong đó cử tri cũng phản ánh, có những công trình xây dựng nhiều năm nhưng chưa được đưa vào sử dụng, trang thiết bị y tế chưa được đưa vào sử dụng. Đây là vấn đề mà chính quyền và ngành y tế đang khắc phục để phục vụ nhân dân tốt hơn. Tiến độ xây dựng các công trình của ngành y tế ở một số địa phương còn chậm so với kế hoạch đề ra. Đội ngũ biên chế của ngành cũng cần tính toán lại để bảo đảm phục vụ đủ trong định biên của bệnh viện theo phân bổ giường bệnh của bệnh viện. Đồng thời bảo đảm chế độ cho y bác sỹ yên tâm công tác…
Phóng viên: Tại văn bản trả lời, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm xây dựng củng cố, phát triển ngành y tế một cách hoàn thiện, bền vững, nhất là đối với các bệnh viện công lập. Theo quan điểm của đại biểu, những giải pháp do Bộ y tế đưa ra đã đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành y tế?
Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Tôi cho rằng ngành y tế là ngành nhạy cảm phục vụ con người và thước đo hiệu quả và sự hài lòng cần có thời gian đánh giá nhưng với những giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra thì tôi hài lòng và qua kiểm nghiệm thực tế ở địa phương và qua tiếp xúc cử tri, cử tri cũng nhận thấy có sự hài lòng nhất định. Kết quả, sự tín nhiệm, hài lòng tuy cần thời gian nữa mới khắc phục được nhưng cũng tương đối đáp ứng được một phần mong mỏi của cử tri qua trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Phóng viên: Thưa đại biểu, nhân lực y tế chính là yếu tố then chốt để phát triển ngành Y tế một cách bền vững và là cơ sở cho việc đạt được các mục tiêu về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Vậy, giải pháp Bộ y tế đưa ra tại văn bản trả lời có đáp ứng yếu tố thu hút nhân lực cho ngành y tế?
Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương cũng nhấn mạnh là đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần của Bộ Y cho thấy ngành đang từng bước đổi mới tự chủ tài chính, mở rộng dịch vụ phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn. Ở khu vực Tây Nguyên cần tiếp tục đổi mới, trong đó điều kiện khám chữa bệnh cần được đổi mới, nhà nước đầu tư phục vụ đồng bào nhiều dân tộc khác nhau sinh sống trên địa bàn. Thứ hai, đối với nguồn nhân lực, cần có chính sách thu hút phù hợp để y bác sỹ gắn bó với công việc, gắn bó với vùng có điều kiện khó khăn hơn. Cần cải tiến thang bậc lương của ngành y tế, cũng giống như ngành giáo dục, cũng cần có mức lương tương đối để có điều kiện phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Bên cạnh đó, đội ngũ đó cần được đào tạo thường xuyên hơn để nâng cao tay nghề, đòi hỏi cần sự quan tâm của nhà nước.
Phóng viên: Để xây dựng củng cố và phát triển ngành y tế, trong thời gian tới, theo quan điểm của đại biểu thì vai trò của người đứng đầu ngành cần phải phát huy vai trò như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Đảng và Nhà nước đề cao vai trò của người đứng đầu thì khi nhận nhiệm vụ thì trách nhiệm của người đứng đầu phải hoàn thành sứ mệnh của Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, giao phó. Tuy nhiên, ngành Y tế có nhiều vấn đề nhạy cảm và để tạo được hài lòng của toàn xã hội thì rất khó khăn, vì liên quan đến tính mạng và sức khỏe của con người. Do vậy, cần tạo điều kiện cho người đứng đầu thực thi nhiệm vụ, đó là cơ chế, chính sách nhà nước giúp người đứng đầu đảm đương nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành, hoàn thành sứ mệnh được giao. Với người đứng đầu cần quan tâm đến đội ngũ y bác sỹ và đặc biệt có mối qua hệ chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành tạo thành sức mạnh, có sự hỗ trợ của cả cộng đồng và cơ quan chức năng thì nhiệm vụ phục vụ con người mới hoàn thành.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!