ĐBQH TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH: ĐỀ NGHỊ NÂNG MỨC TRỢ CẤP CHO NGƯỜI THAM GIA KHÁNG CHIẾN DƯỚI 15 NĂM

07/05/2019

Trong các cuộc tiếp xúc của tri của các đoàn đại biểu Quốc hội, nhiều cử tri phản ánh mức trợ cấp cho người tham gia kháng chiến dưới 15 năm hiện nay quá thấp, không đảm bảo điều kiện sinh hoạt hiện nay. Lắng nghe kiến nghị của cử tri, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về nội dung này.

Chi trả trợ cấp một lần cho người tham gia kháng chiến dưới 15 năm

Ông Nguyễn Văn Đức nhập ngũ tháng 6/1966, giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Ông Đức cùng đồng đội đã chiến đấu anh dũng trong nhiều chiến dịch, góp phần vào chiến thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Gần 15 năm trong quân ngũ, đến năm 1980 do yêu cầu của nhiệm vụ, ông được phục viên, xuất ngũ trở về địa phương. Ông Nguyễn Văn Đức cho biết: tôi phục vụ quân độ gần 15 năm, đến tháng 8/1980 tôi được phục viên. Những bộ đội phục viên, xuất ngũ như chúng tôi gặp nhiều khó khăn về kinh tế, tìm việc làm. Đến nay tôi vẫn chưa được hưởng trợ cấp một lần do vướng mắc về thủ tục giấy tờ.

Ông Nguyễn Văn Đức, phường Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội

Đầu thập niên 1990, thực hiện nhiệm vụ tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị quân đội, nhiều cán bộ, chiến sỹ đang phục vụ tại ngũ được phục viên trở về địa phương. Nhằm ghi nhận công lao của người tham gia kháng chiến, năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 142 "Về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương".

Theo Quyết định số 142, quân nhân tham gia kháng chiến có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Đối với quân nhân có dưới 15 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương (bao gồm cả số tiếp tục công tác sau đó thôi việc), chỉ được hưởng chế độ trợ cấp một lần tính theo số năm công tác thực tế trong quân đội và được Nhà nước mua bảo hiểm y tế. Cụ thể, có đủ 2 năm công tác thực tế trong quân đội trở xuống, mức trợ cấp bằng 2 triệu đồng; từ năm thứ 3 trở đi, mỗi năm được tính hưởng trợ cấp bằng 600.000 đồng (khi thời gian hưởng chế độ trợ cấp 1 lần, nếu có tháng lẻ thì đủ 6 tháng trở lên được tính tròn 1 năm, dưới 6 tháng được tính 1/2 năm)...

Sau khi Chính phủ ban hành Quyết định 142, nhiều cựu chiến binh nhập ngũ trước năm 1975 đã được nhận chế độ trợ cấp một lần. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Phúc, cựu chiến binh phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội cho rằng, mức trợ cấp cho đối tượng này còn thấp so với mức sống chung. Nghị định 142 của Chính phủ đã được ban hành cách đây nhiều năm, hiện nay không còn phù hợp với mức sống hiện tại. Tôi kiến nghị Chính phủ nghiên cứu xem xét tăng mức hỗ trợ đối với các đồng chí là hạ sĩ quan, chiến sỹ có thời hạn dưới 15 năm, ông Phúc nói.

Theo thống kê của Bộ Quốc phòng, tính đến cuối năm 2015, toàn quốc đã giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 969.948 đối tượng tham gia kháng chiến dưới 15 năm, với số tiền chi trả trên 4.219 tỷ đồng. Mặc dù đến nay, việc thực hiện chế độ theo Quyết định 142 của Chính phủ cơ bản đã hoàn thành và tổ chức tổng kết ở các cấp theo quy định, tuy nhiên hiện còn một số ít đối tượng do nhiều nguyên nhân còn tồn đọng hồ sơ chưa được giải quyết chế độ theo Quyết định 142. Bên cạnh đó, đã xuất hiện một số bất cập về mức hỗ trợ sau hơn 10 năm thực hiện chính sách và được cựu chiến binh phản ánh:

Đại tá Lê Hồng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi tăng mức hỗ trợ sẽ giúp người tham gia kháng chiến bớt khó khăn. Nếu trong thời điểm hiện tại chưa thể tăng mức hỗ trợ, mong muốn Chính phủ có hình thức hỗ trợ nào đó cho cựu chiến binh.

Chiến tranh đã lùi xa, đến nay những người tham gia kháng chiến trước năm 1975 còn sống không nhiều, đa phần đã già yếu, lại không có tiền trợ cấp hàng tháng nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Để bảo đảm công bằng trong cống  hiến và thụ hưởng chính sách, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã chất vấn đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần sớm xem xét, kiến nghị Chính phủ chỉnh sửa, bổ sung các chính sách bảo đảm phù hợp với thực tế cuộc sống để các cựu chiến binh tham gia kháng chiến dưới 15 năm không phảo chịu thiệt thòi. Sau khi nhận được chất vấn của đại biểu, ngày 20/12/2018, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 5350 trả lời chất vấn đại biểu Trần Thị Quốc Khánh.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn đại biểu quốc hội

Công văn nêu rõ: Theo Quyết định số 142 ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ, quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhập ngũ từ ngày 30/4/1975 trở về trước, có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương (bao gồm cả số tiếp tục công tác sau đó thôi việc) được thực hiện chế độ trợ cấp hàng tháng theo số năm công tác thực tế trong quân đội. Cụ thể, đủ 15 năm được trợ cấp 600 nghìn đồng/người/tháng; sau đó cứ thêm một năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 5% trên mức trợ cấp khởi điểm. Nếu dưới 15 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương (bao gồm cả số tiếp tục công tác sau đó thôi việc), được hưởng chế độ trợ cấp một lần tính theo số năm công tác thực tế trong quân đội. Như vậy, người tham gia kháng chiến, chiến đấu từ trên 15 năm hay dưới 15 năm đều được xem xét, giải quyết trợ cấp và được nhà nước mua bảo hiểm y tế.

Như vậy, Công văn trả lời của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã khẳng định, người tham gia kháng chiến, chiến đấu trên – dưới 15 năm đều được xem xét giải quyết trợ cấp. Nhưng liệu việc thực hiện chính sách này trên thực tế có bị vướng mắc? Ngoài việc được trợ cấp một lần thì những người tham gia kháng chiến trước năm 1975 còn được hỗ trợ những chính sách gì? Phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về vấn đề này:

Phóng viên: Thưa đại biểu, được biết tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có văn bản chất vấn đối với Bộ Lao động Thương binh và xã hội. Cụ thể nội dung chất vấn được tập trung vào khía cạnh nào, thưa đại biểu?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Trong kỳ họp thứ 6, tôi chất vấn nhiều Bộ trưởng, riêng với Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, có 1 chất vấn với 3 nội dung, thứ nhất là chế độ chính sách cho người tham gia kháng chiến dưới 15 năm. Thứ hai là chính sách cho người cao tuổi và một trường hợp cụ thể ở huyện Thường Tín về công nhận liệt sỹ cho 14 trường hợp. Vấn đề này đã được Bộ trưởng trả lời bằng văn bản rất sớm.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Phóng viên: Xuất phát từ lý do hay thực trạng nào đại biểu lại đề xuất Bộ Lao động – Thương binh và xã hội nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Nhà nước bổ sung chính sách đối với người đã tham gia kháng chiến, chiến trường dưới 15 năm?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Trong quá trình đi tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến lặp đi lặp lại nhiều lần, trong đó phản ánh tình trạng người tham gia kháng chiến từ 30/4/1975 đến nay cũng không còn nhiều. Nếu không có chính sách thì những trường hợp này sẽ rất thiệt thòi. Tôi suy nghĩ, đây là ý kiến chung của nhiều cử tri, nên kiến nghị và chất vấn Bộ. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng có trả lời là từ năm 2008 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 142 về chính sách cho người tham gia kháng chiến từ 30/4/1975 trở về trước, những trường hợp này đều có chính sách cụ thể, mỗi một năm được hưởng trợ cấp 600 nghìn/người/tháng. Còn những năm còn lại mỗi người sẽ được thêm 5% mức trợ cấp. Trong khi đó, những người chưa đủ 15 năm thì số lượng này đông nhưng họ chỉ được hưởng trợ cấp 1 lần, như vậy khó khăn. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, Nhà nước cũng đã quan tâm đến đối tượng tham gia kháng chiến đủ 15 năm hay chưa đủ đều có chính sách. Tuy nhiên, qua trả lời của Bộ trưởng, tôi đề nghị Bộ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và có đề xuất, vì từ 2008 đến nay, có nhiều thay đổi. Vì vậy, cần tiếp tục quan tâm để những người tham gia kháng chiến được hưởng chính sách đền ơn đáp nghĩa.

Phóng viên: Sau khi nhận được văn bản chất vấn, ngày 20/12/2018 Bộ Lao động – Thương binh và xã hội đã có văn bản trả lời chất vấn. Vậy, đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời của Bộ Lao động thương binh và xã hội ?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi cũng thấy Bộ trưởng trả lời, nhưng cũng chỉ dựa vào văn bản hiện hành, tức là văn bản này đã được ban hành từ năm 2008 đến giờ, hơn 10 năm rồi, nhưng cuộc sống đổi thay nên tôi mong muốn Bộ Lao động tiếp tục nghiên cứu, đề xuất có những đánh giá cụ thể vì những đối tượng chính sách này hiện càng ngày càng ít đi.

Phóng viên: Tại văn bản trả lời của Bộ Lao động thương binh và xã hội đã nêu rõ người tham gia kháng chiến , chiến đấu từ trên 15 năm hay dưới 15 năm đều được xem xét, giải quyết trợ cấp và được Nhà nước mua bảo hiểm y tế. Nếu dưới 15 năm công tác được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần tính theo số năm công tác thực tế trong quân đội. Vậy, theo ý kiến của đại biểu hình thức tính trợ cấp như vậy có phù hợp hay không?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi cho rằng, 10 năm trước quy định như vậy, có thể phù hợp vì thời điểm đó đất nước còn khó khăn, còn hiện nay, cử tri mong muốn nhà nước quan tâm, nghiên cứu để bổ sung thêm. Cơ quan quản lý nhà nước cũng nên tiếp thu để có báo cáo với Chính phủ, đặc biệt nghiên cứu thực trạng những người đang hưởng chính sách này, đời sống của họ hiện nay gặp nhiều khó khăn. Vì vậy cần có chế độ chính sách phù hợp, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa.

Phóng viên: Đại biểu có đề xuất giải pháp gì để bổ sung chính sách cho đối với người đã tham gia kháng chiến, chiến trường dưới 15 năm để đảm bảo quyền lợi của đối tượng này?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Hiện nay, phần lớn người tham gia kháng chiến trở về, thực hiện công cuộc đổi mới có nhiều người được hưởng chính sách thương binh, thanh niên xung phong, như vậy họ được bù đắp một phần. Hiện nay, chính sách của nhà nước mở rộng như bảo hiểm y tế, nên chăng bổ sung chế độ miễn giảm học phí cho con em đối tượng tham gia kháng chiến dưới 15 năm. Đặc biệt, khảo sát đời sống của những đối tượng này nếu khó khăn cần hỗ trợ kịp thời./.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lan Hương