Dù đã nhiều lần không hài lòng về những sản phẩm mua qua mạng, nhưng vì bận rộn, tiết kiệm thời gian mà Hoàng Linh vẫn tìm mua. Chị Hoàng Linh – trú tại Quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội - chia sẻ, mua hàng trên mạng sẽ không giống như hình ảnh họ quảng cáo. Chẳng hạn như 1 cái váy mình thấy hình ảnh trên trang của họ rất đẹp nhưng khi mua về lại hoàn toàn khác...
Dù đã nhiều lần không hài lòng về những sản phẩm mua qua mạng, nhưng vì bận rộn, tiết kiệm thời gian mà Hoàng Linh - Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội vẫn tìm mua
Dạo quanh các trang mạng xã hội như facebook, zalo,...thật dễ dàng bắt gặp nhiều trang cá nhân bán hàng online, thậm chí choáng ngợp trước sự xuất hiện dày đặc của nó. Người tiêu dùng chỉ cần vài thao tác đơn giản trên các phương tiện có kết nối Internet thì dù có bất cứ nhu cầu gì cũng sẽ được ship hàng đến tận nơi với đủ các loại mặt hàng từ đồ ăn đến các sản phẩm tiêu dùng, thời trang, mỹ phẩm... Đáng chú ý là hầu hết các mặt hàng này đều không có thông tin cụ thể về sản phẩm như thành phần, phụ gia…nhưng vẫn thu hút lượng lớn người mua.
Nghiên cứu trên 1.700 người tại Hà Nội về việc mua bán thực phẩm qua mạng của Phó Giáo sư Trần Xuân Bách cho thấy: 81% người tìm mua thực phẩm bằng cách tra trên mạng (google) mà không có địa chỉ cụ thể; 69% người mua vì lý do thuận tiện; 59% là vì giá cả hợp lý hoặc cho rằng rẻ; 30% vì thông tin thực phẩm đẹp, hấp dẫn; 51% người tiêu dùng quan tâm tới hạn dùng; 11% quan tâm tới việc sản phẩm có được cấp phép hay không. Phụ nữ hoặc những người bị hạn chế về thời gian sẽ chịu ảnh hưởng từ mạng xã hội và mua hàng trên mạng nhiều.
Trong thời đại phát triển hiện nay, mua hàng qua mạng là phương án rất tiện cho người đi làm, đặc biệt người đi làm công sở với thời gian bận rộn, mình thường xuyên đặt hàng online trên các trang điện tử. Số liệu thống kê đầu năm 2018 cho thấy, lượng người dùng mạng xã hội nói chung trên toàn thế giới đã chạm ngưỡng xấp xỉ 3,3 tỷ người. Trong đó, Facebook dẫn đầu với 2,23 tỷ người dùng. Tại Việt Nam có hơn 58 triệu người có tài khoản Facebook (xếp ở vị trí thứ 7), Ấn Độ là nước có lượng người dùng Facebook cao nhất thế giới.
Chị Phan Thành Vinh – quận Đống Đa, Hà Nội - cho biết, vì công việc bận rộn nên việc mua hàng online là không thể tránh khỏi nhưng chị cũng có gặp một số rắc rối
Chị Phan Thành Vinh – trú tại quận Đống Đa, Hà Nội - cho biết, vì công việc bận rộn nên việc mua hàng online là không thể tránh khỏi nhưng chị cũng có gặp một số rắc rối. Ví dụ như gần đây mình có mua 1 chai dầu gội đầu nhưng gội được vài lần thì thấy đầu tóc rối bời, nhiều gầu nên mình rất thất vọng về việc mua hàng online lần này.
Không phủ nhận những tiện ích của việc mua bán hàng online, song không ít người tiêu dùng đã đặt hàng, chuyển tiền nhưng người bán đã giao hàng kém chất lượng, không đúng mẫu mã hoặc đúng mẫu mã nhưng chất lượng không đảm bảo, thậm chí là không giao hàng. Với những mặt hàng gia dụng, đồ điện tử, quần áo bị làm giả gây thiệt hại cho người tiêu dùng về mặt kinh tế. Nhưng với các mặt hàng thực phẩm, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm giả để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng về sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Cũng do việc trao đổi thông tin giữa kẻ mua, người bán quá giản đơn, công khai trên mạng xã hội đã khiến nhiều người bán hàng không chân chính,đối tượng xấu đánh cắp thông tin, cưới khách hàng và đã đưa sản phẩm không đảm bảo chất lượng đến người tiêu dùng nhằm thu lợi bất chính.
Chị Đỗ Nguyệt chia sẻ, gần đây chị có đặt thuốc thực phẩm chức năng qua mạng, họ báo là 10 ngày sẽ nhận được hàng nhưng thực tế 3 ngày chị đã nhận được. Khi đó, đang bận nên chị không kiểm tra được hàng, lúc về nhà kiểm tra thì thấy chữ viết không sắc nét, hàng không có mã vạch. Khi đó, chị phản hồi với người bán hàng trên facebook thì họ nói chưa chuyển hàng. Liên lạc lại với người chuyển hàng thì người đó đã khóa máy, không liên lạc được.
Cũng do việc trao đổi thông tin giữa kẻ mua, người bán quá giản đơn, công khai trên mạng xã hội đã khiến nhiều người bán hàng không chân chính, đối tượng xấu đánh cắp thông tin của khách hàng và đã đưa sản phẩm không đảm bảo chất lượng đến người tiêu dùng nhằm thu lợi bất chính.
Mạng xã hội phát triển, bất cứ ai có sản phẩm, bất cứ sản phẩm gì, bất kỳ ai cũng có thể tự lập tài khoản để kinh doanh, rao bán trên mạng. Trong khi đó, việc quản lý bán hàng online vẫn đang còn là một lỗ hổng lớn, không thuế, không đăng ký kinh doanh,không có cơ quan nào kiểm tra, kiểm soát chất lượng; nguồn gốc xuất xứ hàng hóa…Nhiều trường hợp người bán hàng online lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của khách hàng cùng một lúc tạo nhiều tài khoản ảo để giao dịch, trò chuyện và bán hàng, biến mạng xã hội trở thành mảnh đất màu mỡ để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Điều 174 Bộ Luật Hình sự quy định "tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân, tùy vào từng trường hợp cụ thể. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Để làm rõ quan điểm này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long:
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Mua sắm online là xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại khi công nghệ ngày càng phát triển và tỉ lệ người dùng thiết bị kỹ thuật số ngày càng cao
Phóng viên: Thưa đại biểu, mua sắm online đang trở thành xu hướng, ngày càng có nhiều người tiêu dùng tìm đến với hình thức mua sắm này. Ý kiến của đại biểu về vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Đây là xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại khi công nghệ ngày càng phát triển và tỉ lệ người dùng thiết bị kỹ thuật số ngày càng cao. Có những hãng bán hàng ở nước ngoài như Amazon của Mỹ phát triển rất nhanh, người sáng lập ra nó trở thành tỉ phú ở tuổi đời rất trẻ với hình thức kinh doanh online. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Theo thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có trên 60% dân số sử dụng internet, tức khoảng 60 triệu người sử dụng internet thường xuyên, thời gian truy cập mạng trung bình 7 tiếng 1 ngày. Tức số lượng người cũng như thời gian truy cập internet ở Việt Nam rất nhiều, dẫn đến kết quả tất yếu là việc sử dụng mạng sẽ gắn với xu hướng sử dụng các tiện ích qua mạng trong đó có mua sắm online. Và Việt Nam còn là 1 quốc gia có dân số trẻ, tỉ lệ thanh thiếu niên nhiều, đây là đối tượng sử dụng các thiết bị công nghệ nhiều, mua sắm online cũng là một xu hướng, nhu cầu của giới trẻ.
Phóng viên: Bên cạnh những tiện ích mang lại thì mua sắm online cũng gặp không ít rủi ro. Rủi ro đến từ phía người bán cũng như người mua. Ý kiến của đại biểu về vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Chúng ta thường nói mạng là ảo. Mọi giao dịch được thực hiện trên mạng, người bán đưa những hình ảnh minh hoạ cho sản phẩm của mình trên mạng, người mua cũng căn cứ vào những hình ảnh, những lời giới thiệu đó để mua, không có cam kết nào về chất lượng cả. Việc thanh toán cũng thực hiện trên mạng, người bán và người mua không gặp nhau trực tiếp nên khi người mua nhận được sản phẩm không như cam kết của người bán trên mạng thì việc đổi trả chắc chắn là không dễ. Người bán cũng thực hiện giao dịch qua mạng, không gặp trực tiếp người mua, tiền thì người vận chuyển thu hộ. Cả khâu mua và bán đều có thể gặp những rủi ro không kiểm soát được.
Với xã hội Việt Nam, khi hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, hoàn thiện; những quy định của pháp luật chưa điều chỉnh những hành vi mới trong xã hội như mua sắm online nên không có chế tài về mặt pháp lý để kiểm soát việc mua bán qua mạng.
Phóng viên: Bất cứ ai có sản phẩm gì cũng đều có thể bán hàng qua mạng. Tuy nhiên việc quản lý bán hàng online vẫn còn là một lỗ hổng, không thuế, không đăng ký kinh doanh, không có cơ quan nào kiểm tra, kiểm soát chất lượng; nguồn gốc xuất xứ hàng hóa...v.v Vậy theo đại biểu cần có những giải pháp như thế nào để tháo gỡ bài toán này?
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Đây là lĩnh vực kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ và đòi hỏi sự phối kết hợp của nhiều cơ quan, đồng thời cũng đòi hỏi người tiêu dùng phải nâng cao ý thức. Để nâng cao ý thức thì trước tiên các cơ quan quản lý phải xây dựng các quy định để điều chỉnh hoạt động mua bán trên mạng. Trong đó, phải quan tâm tới việc quản lý, điều chỉnh của 3 chủ thể: các công ty, doanh nghiệp kinh doanh công nghệ; người mua và người bán. Đặc biệt người bán phải có trách nhiệm với những cam kết, những giới thiệu của mình. Trên cơ sở những quy định, chúng ta phải tuyên truyền để người dân, đặc biệt là người sử dụng hình thức giao dịch trên mạng phải ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời phải có ý thức đề phòng trước những rủi ro có thể đem lại khi thực hiện giao dịch trên mạng. Người bán, người cung cấp dịch vụ phải thực hiện trách nhiệm của mình, phải thực hiện một cam kết nào đó với cơ quan quản lý để vừa có thể quản lý được, vừa có nguồn thu thuế cho ngân sách, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người mua và người bán.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!