Đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh
Bộ Tư pháp trả lời chất vấn như sau:
Tại khoản 39 Điều 1 của Luật số 64/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2015) đã bãi bỏ quy định trả đơn yêu cầu thi hành án. Như vậy, từ ngày 01/07/2015, thay vì các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) ra quyết định trả đơn yêu cầu và chấm dứt việc tổ chức thi hành án như trước (người được thi hành án sẽ làm đơn yêu cầu thi hành án trở lại khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành) thì hiện nay các cơ quan THADS phải lập sổ theo dõi riêng đối với các vụ việc chưa có điều kiện và vẫn tính vào số việc đang thụ lý giải quyết hàng năm cũng như chuyển kỳ sau. Quy định mới đã dẫn đến tình trạng việc chưa có điều kiện thi hành án tăng dần theo từng năm, tính đến ngày 30/9/2018, toàn quốc có 76.348 việc theo đơn yêu cầu nhưng chưa có điều kiện thi hành án (tăng so với năm 2015 khoảng 40.000 việc). Bên cạnh đó, pháp luật cũng chưa quy định cụ thể về cơ chế theo dõi riêng đối với loại việc này dẫn đến việc tiếp tục theo dõi, quản lý loại việc này cũng đã làm ảnh hưởng phát sinh chi phí và thời gian cho việc xác minh điều kiện thi hành án của đương sự. Trong khi đó, các cơ quan THADS cũng đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước nên đã dẫn đến tình trạng quá tải, không đủ điều kiện, thời gian vật chất để thực hiện đúng, đủ, chính xác các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Ngoài ra, việc đầu tư kinh phí phục vụ hoạt động xác minh, tạm ứng chi phí cưỡng chế, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho cơ quan THADS như kho tạm giữ tài sản, vật chứng; các trang thiết bị chuyên dùng phục vụ cho hoạt động tổ chức THADS vẫn còn hạn chế (đến năm 2018 vẫn còn hơn 504 cơ quan THADS chưa có kho vật chứng, tài sản tạm giữ và hiện Bộ Tư pháp đang chỉ đạo xây dựng Đề án tổng thể về quản lý kho vật chứng, tài sản tạm giữ). Việc hạn chế nêu trên cũng đã gây khó khăn không nhỏ cho cơ quan THADS trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, ảnh hưởng đến thời gian tổ chức những vụ việc thi hành án có điều kiện thi hành án khác.
Để giải quyết bất cập nêu trên, Bộ Tư pháp đang tiến hành xây dựng và trình Chính phủ “Đề án Giải quyết việc thi hành án dân sự chưa có điều kiện thi hành đã tồn đọng nhiều năm” (dự kiến trình vào cuối tháng 11/2018). Theo nội dung đề án, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ các biện pháp trước mắt và lâu dài nhằm từng bước giải quyết triệt để loại việc này, trong đó có nội dung để báo cáo, đề xuất Quốc hội xem xét, sửa đổi một số quy định của Luật Thi hành án dân sự trong đó có việc khội phục lại quy định trả đơn yêu cầu thi hành án như trước đây.