Trước đó, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khoá XIV, Thủ tướng Chính phủ nhận được Phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng: Bao giờ Chính phủ sẽ có biện pháp xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động? Khoản nợ này có được xem là nợ công không?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng chất vấn các thành viên chính phủ
Trả lời chất vấn trên, Thủ tướng Chính phủ cho biết, thực hiện quy định tại khoản 7 Điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cũng đã triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm quyền lợi của người lao động.
Cụ thể, quy định cho phép các doanh nghiệp đang gặp khó khăn còn chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được đóng riêng cho từng người lao động để kịp thời giải quyết quyền lợi cho người lao động đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất) hoặc ghi nhận quá trình đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời được giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp hoặc tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tại các đơn vị, doanh nghiệp mới.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 02/4/2015 về tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; kiến nghị Quốc hội bổ sung tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài ra, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiều văn bản gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị đôn đốc, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó tập trung vào các giải pháp mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, tăng cường tính tuân thủ pháp luật, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội
Như vậy cho thấy, thời gian qua Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều biện pháp triển khai thực hiện, qua đó đã từng bước hạn chế được tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, số nợ đã giảm hơn so với những năm trước; quyền lợi của người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp đang nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được giải quyết kịp thời hơn. Tuy nhiên, việc bảo đảm quyền lợi của người lao động vẫn chưa được giải quyết triệt để trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn mà còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Xây dựng chính sách bảo đảm quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ là người nước ngoài bỏ trốn mà còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp: Về vấn đề này, Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất các phương án và xây dựng văn bản quy định bảo đảm quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng văn bản quy định bảo đảm đảm quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ là người nước ngoài bỏ trốn mà còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp gặp vướng mắc do Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm và Luật Ngân sách nhà nước đều không quy định nội dung chi đối với trường hợp này nên vượt quá thẩm quyền của Chính phủ. Mặt khác, thông lệ quốc tế cũng không quy định đối với các trường hợp này.
Do vậy, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; xây dựng ứng dụng tra cứu thông tin về bảo hiểm xã hội trên thiết bị di động nhằm cung cấp kịp thời thông tin đóng, hưởng bảo hiểm xã hội tới người lao động; đồng thời tiến hành rà soát, thống kê cụ thể số người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi trong các doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh, có chủ là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam (số người lao động, thời gian nợ và tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của từng người cụ thể) để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá tác động toàn diện (tránh tạo ra tiền lệ để các doanh nghiệp khác lợi dụng tiếp tục trốn đóng làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động) và đề xuất trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và các luật khác có liên quan, đồng bộ với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Việc xác định nợ công được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 1 và Điều 4 của Luật Quản lý nợ công. Luật Quản lý nợ công cũng chỉ điều chỉnh các quan hệ liên quan đến hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công.
Chủ thể nợ bảo hiểm xã hội mà Đại biểu đề cập là doanh nghiệp (người sử dụng lao động). Vì vậy, căn cứ quy định nêu trên, khoản nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp không phải quan hệ vay nợ nên không thể xác định là nợ công.