GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: TINH GIẢN BIÊN CHẾ VẪN MÁY MÓC, CƠ HỌC

18/12/2018

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII thể hiện quan điểm, chủ trương của Đảng ta về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, theo đại biểu Bùi Văn Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, qua thực tế triển khai chủ trương này ở một số nơi đã xuất hiện những bất cập, đặc biệt là tình trạng tinh giản biên chế theo kiểu máy móc, cơ học.

Hàng ngày, các cán bộ công chức, viên chức ở xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang phải giải quyết khối lượng công việc rất lớn, thậm chí phải làm việc ngoài giờ để phục vụ nhân dân. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 và Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII, xã Danh Thắng đang triển khai các phương án tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và sắp xếp vị trí việc làm phù hợp, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy chính quyền ở cơ sở:

Ông Nguyễn Văn Hinh, Chủ tịch UBND xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho biết: “Hiện nay  tiền lương cấp xã tôi cho rằng đối với cán bộ công chức đang làm việc tại xã  rất thấp. Nghị quyết Trung ương 7 ra đời, chúng ta sẽ thực hiện theo hướng đó và sắp xếp làm sao tiền lương đảm bảo từng chức danh, có những người công việc ít và nhiều nhưng mức lương như nhau. Nếu tình trạng lương cào bằng thì không hợp lý. Việc bố trí công việc theo vị trí việc làm phù hợp. Để chuẩn bị điều này, chúng tôi cũng xác định cán bộ công chức phải được chắt lọc, cử đi tập huấn, học tập nâng cao”

Ông Nguyễn Đình Hương,Trưởng phòng Nội vụ huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang

Cũng với mục tiêu tinh giản biên chế, sắp xếp lại các cơ quan nhà nước theo hướng tinh gọn, thời gian qua, Phòng Nội vụ huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện triển khai sát nhâp Trung tâm Văn hóa với Đài truyền thanh huyện thành một cơ quan; sát nhập 3 đơn vị sự nghiệp gồm Trung tâm Khuyến nông, Trạm Thú y và Trạm bảo vệ thực vật thành một đầu mối; đồng thời tiến hành sát nhập nhiều cơ sở giáo dục, đảm bảo mỗi xã có 3 cấp học độc lập.

Ông Nguyễn Đình Hương,Trưởng phòng Nội vụ huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho biết, thời gian qua Phòng Nội vụ huyện Hiệp Hòa đã tham mưu Huyện ủy, UBND huyện tinh giản bộ máy theo Nghị quyết Trung ương 6 và, đã thực hiện giải thể một đơn vị sự nghiệp cấp huyện là trung tâm công nghệ khoa học môi trường, sát nhập trung tâm dạy nghề vào trung tâm giáo dục thường xuyên. Năm 2017 huyện đã sát nhập 4 trường học tại 2 xã thành vào 2 trường, giảm 2 đầu mối. Tháng 8/2018, sát nhập 2 xã có 2 trường cùng một cấp học mầm non, đảm bảo mỗi xã có 3 cấp học độc lập, mỗi cấp học chỉ có 1 trường. Trong năm 2019 và những năm tiếp theo huyện tiếp tục hoàn thiện và tiếp tục thực hiện sát nhập với các đơn vị còn lại với các xã có trường tiểu học 2 cấp có ít học sinh.

Thực tế việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở một số địa phương đã phát huy hiệu quả tích cực, từng bước giải quyết tình trạng cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp. Thống kê của Bộ Nội vụ, tổng số người tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP được Bộ Nội vụ thẩm tra từ năm 2015 đến ngày 6/8/2018 là gần 40 nghìn người. Trong đó, hưởng chính sách về hưu trước tuổi: 34.515 người chiếm 86,67%; hưởng chính sách thôi việc ngay 5.234 người chiếm 13,14%; hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học: 29 người chiếm 0,07%; hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước: 40 người chiếm 0,1%.

Ở một số nơi, việc tinh giản biên chế, sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức, viên chức vẫn còn tình trạng áp dụng máy móc, cơ học hay tinh giản để lấy thành tích đã dẫn đến những phản ứng dữ dội từ phía người lao động, đặc biệt trong ngành giáo dục. Để đạt mục tiêu giảm ít nhất 10% biên chế vào năm 2021 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, một số địa phương đã thực hiện giảm biên chế giáo viên một cách máy móc khiến nhiều giáo viên hợp đồng có nguy cơ mất việc, trong số đó có cả những thầy cô là giáo viên dạy giỏi. Có những địa phương thiếu giáo viên đứng lớp nhưng biên chế thì không được tăng thêm mà tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế:

- Đầu năm nay, hàng trăm giáo viên hợp đồng của huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) đã “đứng ngồi không yên” khi nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng. Một trong những lý do là chính sách tinh giản biên chế của huyện. Mặc dù ngành chức năng cũng như Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và làm rõ những sai phạm tại tỉnh Đắk Lắk nhưng sự việc này đã gây nên nỗi bất an và lo lắng cho đội ngũ giáo viên trong tỉnh.

- Tương tự, giữa tháng 7/2018, hơn 400 giáo viên hợp đồng của huyện Thanh Oai (Hà Nội) cũng trong tình cảnh “dở khóc, dở cười” khi nhận được thông báo của UBND huyện về chuyển chủ thể ký hợp đồng. Trong số này có những giáo viên đã dành cả tuổi thanh xuân, gắn bó với công việc trồng người gần 20 năm nhưng vẫn bị chấm dứt hợp đồng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự việc trên cũng là thực hiện chủ tương, chính sách tinh giản biên chế của địa phương.

- Cũng với lý do thực hiện tinh giản biên chế, 264 lao động tại tỉnh Cà Mau được thông báo chấm dứt hợp đồng theo đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Tại Công văn số 283/BDN do Ban Dân nguyện, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phản ánh kiến nghị của cử tri tỉnh Hải Dương về tình trạng tinh giản biên chế tại các trường học hiện nay không phù hợp. Số lượng học sinh ngày càng tăng, số lớp tăng đòi hỏi số giáo viên đứng lớp cũng tăng, tuy nhiên theo kế hoạch thì các nhà trường vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế.

Để giải quyết bức xúc này, tháng 7/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 3043 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đôn đốc thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục trên tinh thần không cắt giảm cơ học chỉ tiêu biên chế giao hàng năm, mà cần đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để sàng lọc, phân loại làm căn cứ tinh giản.

Chia sẻ về vấn đề biên chế giáo viên, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 nhiều đại biểu phân tích nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này do các địa phương, các trường học đã kí hợp đồng chưa đúng với quy định, còn cơ quan quản lý lại không kiểm tra, xử lý khiến hàng trăm, hàng nghìn giáo viên tại các địa phương có nguy cơ mất việc.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước lo lắng trước tình trạng cắt giảm biên chế một cách cơ học như đã xảy ra ở một số địa phương thời gian qua: “Chúng ta không nên giảm một cách cơ học. Cứ sáp nhập lại hoặc là giảm trên số lượng. Trong khi đó, thực chất nhu cầu, nội dung giảng dạy vẫn yêu cầu cần phải có giáo viên. Tôi mong muốn trong quá trình tinh giản biên chế cần phải có lộ trình, quá trình thực hiện cũng cần phải phù hợp, hợp lý”.

Cùng quan điểm này, đại biểu Cao Đình Thưởng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ nêu thực tế, do chưa có hướng dẫn cụ thể cũng như thiếu cơ sở pháp lý đầy đủ nên việc tổ chức thực hiện và triển khai trong thời gian qua ở các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ, thiếu thống nhất và rất lúng túng. Mỗi nơi làm một cách khác nhau, trong khi chúng ta chưa tổ chức thí điểm mô hình tổng kết đánh giá để nhân ra diện rộng. Nhiều băn khoăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ. Việc giảm đầu mối và tinh giản biên chế bộ máy còn nặng tính cơ học. Ví dụ, việc sáp nhập giữa cơ quan Đảng với cơ quan nhà nước, việc sáp nhật các phòng ban, sở, ngành, một số tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp... chưa được tính toán thấu đáo trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và các quy định của pháp luật.

Đại biểu Cao Đình Thưởng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ

Chủ trương tinh giản thì đúng nhưng cách hiểu, cách làm của nhiều địa phương vẫn còn lúng túng. Tinh giản biên chế không phải là sự cắt giảm một cách cơ học thuần túy cán bộ, công chức ở một vị trí, một bộ phận chuyên môn nào đó. Vấn đề tinh giản biên chế phải gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng được cơ cấu cán bộ, công chức hợp lý về số lượng, chức danh ngạch, chức danh nghề nghiệp; trình độ, độ tuổi, dân tộc, giới tính, nhất là tương quan cơ cấu giữa các cơ quan trung ương với các cơ quan địa phương…

Tinh giản biên chế không phải là vấn đề mới nhưng để đạt được hiệu quả thì cần thay đổi ngay từ tư duy, nhận thức để có giải pháp phù hợp, tránh lặp lại lối mòn cũ. Thời gian trước, nước ta đã nhiều lần thực hiện tinh giản biên chế, tuy nhiên kết quả đạt được còn nhiều hạn chế.  Ở một số địa phương khi thực hiện tinh giản biên chế chỉ quan tâm đến số lượng mà chưa quan tâm đến chất lượng và nhu cầu thực tiễn. Tinh giản không chỉ đơn thuần là giảm cơ học một số lượng biên chế nhưng cần phải chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng và nâng cao hiệu lực hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước. Một trong những nguyên nhân đó là các đơn vị chưa cụ thể hóa việc mô tả vị trí việc làm; tinh giản thực chất, công khai và minh bạch vẫn chưa được nhiều cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai. Giải pháp cho vấn đề này như thế nào, phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Bùi Văn Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình:

Phóng viên: Thưa đại biểu, tinh giản biên chế là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và đang được triển khai. Đại biểu đánh giá như thế nào về những kết quả bước đầu trong thời gian qua?

Đại biểu Bùi Văn Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình: Tôi khẳng định việc tinh giản tổ chức, bộ máy biên chế là chủ trương đúng của Trung ương, xuất phát từ thực tiễn của đất nước và yêu cầu buộc phải tinh giản tổ chức bộ máy và biên chế. Vì đã có một thời gian khá dài chúng ta buông lỏng công tác quản lý nên đã xảy ra tình trạng tăng bộ máy, biên chế một cách quá dễ dãi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hiện nay đang có nhận thức chưa được đầy đủ, đang có biểu hiện lúng túng. Vì vậy, cần nhận thức đúng chủ trương của Đảng là tinh giản tổ chức, bộ máy và biên chế nhưng đi theo đó là phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả bộ máy. Từ đó đặt ra có chỗ sẽ giảm, có chỗ phải tăng, chứ không nên nhận thức một chiều là đều phải giảm, chỗ nào cần tăng vẫn phải tăng. Thứ hai, tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy cũng phải trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương, nếu trung lắp chức năng nhiệm vụ thì sắp xếp lại, nếu có nhiều tầng lớp trung gian thì phải bỏ. Nhưng mà hình như gần đây tôi thấy ở một số địa phương coi việc cắt giảm, sát nhập nhiều được coi là thành tích. Thứ ba, Đảng lãnh đạo bằng chủ trương, định hướng, thông qua việc Trung ương ban hành Nghị quyết, từ đó Nhà nước, Chính phủ phải thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng bằng chính sách pháp luật để tổ chức thực hiện. Tôi cho đây là yêu cầu chúng ta phải làm và đặc biệt Trung ương chỉ đạo phải làm rất thận trọng và bình tĩnh, không nóng vội.

Phóng viên: Mặc dù các bộ, ban ngành, địa phương đã tích cực thực hiện tinh giản biên chế, trong đó có việc sáp nhập các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, ở một số nơi việc tinh giản vẫn mang tính cơ học. Quan điểm của đại biểu về ý kiến này?

Đại biểu Bùi Văn Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình: Thời gian vừa qua, tôi thấy có hoạt động sát nhập giữa sở này với sở khác như tài chính với kế hoạch đầu tư, nhưng căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật nào để làm thì lại chưa có. Vì Chính phủ hiện chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện. Một trong những nguyên tắc quan trọng là phải thực hiện theo pháp luật, và cấp trên chưa có hướng dẫn mà bên dưới tiên phong làm, tôi cho như vậy chưa hẳn đã tốt. Bởi vì một nhà nước pháp quyền thì phải tuân thủ pháp luật, thậm chí có tình trạng lạm dụng từ sát nhập. Tôi nghĩ sát nhập là cần thiết nếu chức năng nhiệm vụ có chồng lắp, chồng chéo. Nếu không chồng chéo, không trùng lắp mà vẫn tiến hành sát nhập thì thành sát nhập cơ học. Như vậy có thể sẽ giảm được một số vị trí, nhưng hiệu quả hoạt động sẽ như thế nào?

Phóng viên: Đề án xác định vị trí việc làm đang được thí điểm ở một số địa phương, đại biểu có cho rằng, việc sớm sắp xếp biên chế theo vị trí việc làm có đảm bảo không tăng biên chế hay không?

Đại biểu Bùi Văn Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình: Đề án sắp xếp lại vị trí việc làm chắc chắn bộ máy sẽ gọn lại, nếu sắp xếp theo yêu cầu vị trí việc làm mà gắn với việc cải cách và sàng lọc thì sẽ hiệu quả. Với yêu cầu như vậy, vị trí nào đảm đương được thì sẽ ở lại còn những vị trí không đảm đương được thì sẽ ở lại, còn những người khác không phù hợp thì phải chấp nhận đào thải như cơ chế thị trường đào thải những cái không phù hợp với thực tế. Tôi nghĩ, nếu làm nghiêm đề án sắp xếp biên chế theo vị trí việc làm thì chắc chắn sẽ có hiệu quả. Tuy nhiên, tôi vẫn lưu ý đến câu chuyện sát nhập tổ chức cần phải tính toán kỹ, cần phải có cơ sở khoa học và thực tiễn thì mới sát nhập.

Phóng viên: Để chủ trương tinh giản biên chế thực sự hiệu quả, theo đại biểu cần có những giải pháp nào?

Đại biểu Bùi Văn Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình: Tôi vẫn khẳng định việc tinh giản tổ chức, bộ máy, biên chế là hoàn toàn đúng đắn nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện cần hết sức thận trọng. Bởi vì chúng ta đã có bài học và thậm chí phải trả giá đắt về việc chia tách, sát nhập thiếu cơ sở khoa học, thiếu cơ sở thực tiễn. Tôi hy vọng, việc thực hiện tinh giản bộ máy, tổ chức và biên chế đợt này sẽ không lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Bởi thực tế thời gian qua, tinh giản mới là giảm cơ học. Nhiều đại biểu Quốc hội nhận định tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV như vậy là chính xác, vì hiện giảm biên chế chủ yếu giảm ở đối tượng về hưu. Còn quan trọng hơn là từ việc xác định vị trí việc làm, xác định định cơ quan này cần bao nhiều biên chế, công chức thì chúng ta vẫn chưa làm được như mong muốn. Thứ hai là công chức, viên chức không đảm đương được yêu cầu nhiệm vụ thì cũng cần có giải pháp sắp xếp lại. Có như vậy, bộ máy tổ chức ít nhưng tinh và hiệu lực hiệu quả.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lan Hương