Thủy là người dân tộc Mày, nhà em có 5 anh em, em là con gái út trong gia đình. Nơi em sống là một trong những bản xa xôi nhất của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Em chia sẻ: Bản em nghèo lắm và là nơi sinh sống của 71 hộ gia đình với gần 400 khẩu. Hàng ngày, người trẻ có sức lên rừng hái rau kiếm măng, người già ở nhà chăm chăm con gà, con lợn vừa để mắt tới gần 200 đứa trẻ tự chơi đùa với nhau. Ngày qua ngày, những đứa trẻ lên lớn yêu nhau có bầu, rồi cưới, rồi đẻ vì chẳng ai biết mình bao nhiêu tuổi nên cứ thấy lớn lớn, thấy thích thích ai đó là có con rồi xin cha mẹ cho phép thành vợ, thành chồng. Có người 15; 16 tuổi nhưng cũng có người chỉ mới 13, 14. Tất cả đều thấy như thế là bình thường, vì ở nơi đây ai cũng vậy. Phụ nữ Bản em chừng nào còn sống là còn đẻ vì thế nhà nào cũng có 5 đến 7 đứa con.
Thủy (áo trắng) chia sẻ tại Diễn đàn Trẻ em gái
Tâm sự của Thủy cũng là tiếng lòng của nhiều bé gái trước vấn nạn tảo hôn hiện nay. Một mong muốn tưởng chừng giản dị “không phải làm vợ, làm mẹ ở cái tuổi đến trường” dường như lại xa vời đối với những bé gái vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Một bé gái dân tộc Tày, tỉnh Quảng Bình tại Diễn đàn Trẻ em gái 2018 cho biết:“Ở bản em vẫn còn tình trạng tảo hôn diễn ra nhiều, có bạn mới 12 tuổi đã lấy chồng sinh con. Em mong rằng sẽ chấm dứt được nạn tảo hôn để trẻ em gái được đến trường, được thực hiện ước mơ của mình mà không phải làm vợ, làm mẹ từ quá sớm”.
Trên thế giới mỗi năm có khoảng 15 triệu bé gái kết hôn và hiện có khoảng 700 triệu nữ giới kết hôn trước 18 tuổi. Ước tính đến năm 2050 sẽ có 1,2 tỷ bé gái là nạn nhân của tệ nạn tảo hôn. Thống kê của Liên Hợp Quốc cho thấy, nạn tảo hôn phổ biến nhất ở Nam Á và khu vực cận Sahara ở Châu Phi. Trong đó, Niger, Bangladesh và Ấn Độ là những quốc gia có tỷ lệ tảo hôn cao, trong đó Niger có tỷ lệ cao nhất thế giới.
Trung bình mỗi năm trên toàn thế giới có 16 triệu trẻ sơ sinh chào đời từ những bà mẹ trong độ tuổi từ 15-19, chiếm 11% tổng số sản phụ toàn cầu. Số bé gái mang thai ở độ tuổi từ 10-14 tuy ít song rất đáng lo ngại, trong đó số sản phụ sinh con ở độ tuổi dưới 15 tại nhiều quốc gia ở phía Nam sa mạc Sahara lại chiếm tỷ lệ khá cao, lên tới 12% số sản phụ tại vùng này và tỷ lệ tương ứng ở khu vực Mỹ Latinh là 3%.
Ở Việt Nam, nạn tảo hôn đang là một thực trạng nhức nhối đặc biệt nạn tảo hôn diễn ra chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tảo hôn không chỉ vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà còn để lại những hệ luỵ khó lường về mặt xã hội. Theo thống kê, 11% phụ nữ tuổi từ 20 đến 49 đã kết hôn hoặc đã sống chung như vợ chồng trước tuổi 18. Trung du miền núi phía Bắc là các tỉnh có tỷ lệ tảo hôn cao hơn so với các vùng khác trong cả nước. Trong độ tuổi từ 10 - 17 tuổi, cứ 10 em trai thì có 01 em có vợ, cứ 05 em gái có 01 em có chồng. Các tỉnh có tỷ lệ tảo hôn cao là Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng.
Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý kỹ thuật – Chương trình Giới, bảo vệ trẻ em và hòa nhập
Theo bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý kỹ thuật – Chương trình Giới, bảo vệ trẻ em và hòa nhập, tảo hôn đã làm hạn chế cơ hội học tập của trẻ em gái, làm các em mất đi các cơ hội được đào tạo và tìm được việc làm ổn định. Tảo hôn cũng khiến trẻ em gái dễ mang thai sớm khi cơ thể chưa phát triển toàn diện, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tinh thần và thể chất của các em cũng như là suy yếu chất lượng dân số. Bên cạnh đó, tảo hôn còn tác động trực tiếp đến các vấn đề kinh tế-xã hội khác tạo thành một vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực trạng là vậy, hệ lụy là vậy... nhưng để đẩy lùi nạn tảo hôn vẫn là bài toán chưa có lời giải hữu hiệu. Nạn tảo hôn dường như vẫn là một góc khuất chưa có lời giải ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vậy cần có giải pháp gì để đẩy lùi, loại bỏ tập tục lạc hậu này ra trong đời sống xã hội hiện nay? Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã ghi nhận quan điểm của một số vị đại biểu Quốc hội.
Phóng viên: Thưa đại biểu, tảo hôn vẫn là một thực trạng gây nhức nhối tại một số địa phương. Vậy, đại biểu đánh giá như thế nào và thực trạng cũng như hệ lụy của vấn đề tảo hôn hiện nay?
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Phó trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi: Tảo hôn là một vấn nạn đã tồn tại từ lâu và đến nay vẫn tiếp diễn. Tảo hôn tập trung chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội kém phát triển gây ra những hệ lụy nguy hại về mặt xã hội. Tảo hôn do nhận thức của người dân còn hạn chế, do quan niệm phong tục, hủ tục nặng nề. Tảo hôn cũng khiến trẻ em gái dễ mang thai sớm khi cơ thể chưa phát triển toàn diện, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tinh thần và thể chất của các em cũng như là suy yếu chất lượng dân số. Bên cạnh đó, tảo hôn còn tác động trực tiếp đến các vấn đề kinh tế-xã hội khác tạo thành một vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Phó trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Tảo hôn vẫn diễn biến gây nhức nhối ở một số địa phương. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết để lại những hệ lụy nặng nề về mặt xã hội; làm suy yếu chất lượng dân số; ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cuộc sống của đối tượng tảo hôn. Cụ thể: Một là, trẻ em gái chưa đủ tuổi, chưa đủ điều kiện để sinh con nhưng do kết hôn sớm đã phải sinh con dẫn đến chất lượng dân số giảm đi, nguy cơ thoái hóa nòi giống cao, chất lượng dân số suy giảm. Thứ hai, vấn đề đáng quan tâm hơn đó là kết hôn cận huyết thống tức là trong dòng họ gia đình cùng dòng máu nhưng vẫn kết hôn thì đó là nguyên nhân dẫn đến chất lượng dân số của chúng ta thấp đi cho nên đây là vấn đề đáng báo động. Tăng dân số đáp ứng yêu cầu mức sinh thay thế nhưng chất lượng dân số là vấn đề rất quan trọng.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa
Đại biểu Bùi Văn Phương, Phó trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình: Tảo hôn diễn ra chủ yếu ở vùng sâu vùng sa, vùng khó khăn thậm chí cả thành thị. Tảo hôn làm ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tinh thần của các em gái. Tảo hôn khiến các em phải làm vợ làm mẹ sớm khi tâm sinh lý chưa phát triển đầy đủ. Đây đúng là thực trạng đáng buồn, mặc dù đã có nhiều giải pháp từ tuyên truyền đến đầu tư nguồn lực nhưng chưa ngăn chặn được. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do quan niệm nặng nề về phong tục tập quán, hủ tục,....
Phóng viên: Cần có giải pháp gì để đẩy lùi, loại bỏ tập tục lạc hậu này ra khỏi đời sống xã hội hiện nay, thưa đại biểu?
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi: Tảo hôn là một vấn nạn đã tồn tại từ lâu vì vậy muốn đẩy lùi vấn nạn này không chỉ là trách nhiệm của riêng bộ, ngành hay chính quyền địa phương mà cần sự quyết tâm quyết liệt của cả trung ương và địa phương. Bên cạnh việc chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc cần có chính sách đầu tư nâng cao đời sống; phát triển kinh tế - xã hội nơi đây. Mặt khác, không chỉ nâng cao nhận thức cho người dân nơi vùng cao mà cần giáo dục cho các em gái từ sớm, để hiểu và kiến thức về sức khỏe sinh sản.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Cần phải chú trọng một số giải pháp như: Một là, phải ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, phát triển giao thông vận tải; các điều kiện cơ sở hạ tầng để làm chuyển biến đời sống, phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi phát triển kinh tế - xã hội chính là điều kiện để phát triển văn hóa, giáo dục. Hai là, phải làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục về dân số kế hoạch hóa gia đình để nâng cao nhận thức người dân; vùng sâu vùng xa cần phải có y tế thôn bản để sinh con trong điều kiện an toàn, có hướng dẫn tư vấn về kế hoạch hóa gia đình, ... Thứ ba, phải tăng cường vai trò lãnh đạo quản lý tư của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội phải vào cuộc để tuyên truyền chuyển biến nhận thức....
Đại biểu Bùi Văn Phương, Phó trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình
Đại biểu Bùi Văn Phương, Phó trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình: Theo ý kiến của tôi, việc nâng cao nhận thức cho người dân nơi đây vẫn là giải pháp quan trọng. Để làm được điều đó cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền vận động; đội ngũ cán bộ thôn bản phải gần dân sát dân. Bên cạnh đó cần lưu ý vấn đề quy hoạch, bố trí, sắp xếp lại dân cư một cách thích hợp. Việc bố trí lại dân cư phải đảm bảo hợp lý để các dân tộc có thể giao tiếp, xây dựng gia đình tránh trường hợp kết hôn cận huyết thống. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là hủ tục lạc hậu đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Đấu tranh bài trừ tệ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn các Đại biểu!