ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ: ĐỀ XUẤT CẤP GẠO MIỄN PHÍ CHO ĐỒNG BÀO VÙNG CAO

26/12/2018

Tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đề xuất xin nhà nước cấp gạo miễn phí cho đồng bào vùng cao nơi còn khó khăn, nghèo đói để đồng bào không phải di dân tự phát, để họ yên tâm giữ rừng, giữ nước bảo vệ biên cương. Ngày 17/09/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 6492/BKHĐT-TH trả lời chất vấn của đại biểu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản trả lời chất vấn như sau:

Hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2015 về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 -2020, trong đó quy định đối tượng áp đụng gồm: (1) Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và khu vực III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí Thủ tướng Chính phủ quy định, có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng: bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên; trồng rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trên đất quy hoạch phát triển rừng được Nhà nước giao đất; nhận khoán bảo vệ rừng; (2) Cộng đồng dân cư thôn được giao rừng theo quy định tại Điều 29 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và Điều 54 Luật Đất đai, tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí Thủ tướng Chính phủ quy dịnh, thực hiện bảo vệ rừng được giao hoặc rừng nhận khoán; và (3) Tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về mức trợ cấp gạo miễn phí: Hộ gia đình nghèo tham gia trồng rừng (quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Nghị định 75/2015/NĐ-CP) thì được trợ cấp 15 kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị 15 kg gạo/khẩu/tháng tại thời điểm trợ cấp trong thời gian chưa tự túc được lương thực. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức và thời gian trợ cấp, nhưng tối đa không quá 7 năm.

Về nguồn vốn để thực hiện được ngân sách nhà nước đảm bảo các khoản chi quy định tại các Điều 3,4,5,6 và 7 của Nghị định 75/2015/NĐ-CP và được bố trí hàng năm trong Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, phân bổ như sau:

  • Ngân sách trung ương hỗ trợ 100% kinh phí đối với vác địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi;
  • Ngân sách trung ương hỗ trợ 50% kinh phí đối với địa phương có tỷ lệ điều tiết nguồn thu về Trung ương dưới 50%, ngân sách đại phương đảm bảo 50% nhu cầu kinh phí;
  • Các địa phương còn lại sử dụng ngân sách địa phương thực hiện.

Ngân sách trung ương thực hiện cấp hỗ trợ lãi suất cho các ngân hàng theo quy định tại Điều 8 của Nghị định 75/2015/NĐ-CP.

Như vậy, việc Đại biểu Quốc hội đề nghị cấp gạo miễn phí cho đồng bào vùng cao thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn có thực hiện một trong các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng là phù hợp với quy định tại Điều 7 Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 -2020.

Để đảm bảo thực hiện được đầy đủ chính sách đối với đồng bào vùng cao nơi còn khó khăn, nghèo đói để đồng bào không phải di dân tự phát, để họ yên tâm giữ rừng, giữ nước bảo vệ biên cương, Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan cần rà soát tình hình thực tế, đề xuất nhu cầu về số lượng gạo, thời gian hỗ trợ cho đồng bào, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt kinh phí bố trí trong kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng hàng năm của từng tỉnh.

Ngoài ra, trong trường hợp thiếu đói, Nhà nước có chính sách hỗ rợ cho tất cả thành viên hộ gia đình thiếu đói trong dịp Tết Âm lịch được hỗ trợ 15 kg gạo/người và hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian không quá 03 tháng cho mỗi đợt trợ giúp đối với tất cả thành viên hộ gia đình thiếu đói trong và sau thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, giáp hạt hoặc lý do bất khả kháng khác theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đói tượng bảo trợ xã hội.

Chưa thực sự hài lòng với nội dung văn trả lời, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc cấp gạo miễn phí cho đồng bào vùng cao đặc biệt là khi bị thiên tai, khi giáp hạt. Tuy nhiên, chất vấn của đại biểu không dừng lại ở mức độ đó, đại biểu đề nghị việc cấp gạo miễn phí cho tất cả đồng bào vùng cao một cách thường xuyên để từ nay trở đi đồng bào hoàn toàn yên tâm giữ đất, giữ rừng.

Liên quan đến nội dung chất vấn, phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, đại biểu có chất vấn đói với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư. Xin đại biểu cho biết cụ thể nội dung chất vấn được tập trung vào khía cạnh nào?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV, tôi có chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường về đề nghị cấp gạo miễn phí một cách thường xuyên cho đồng bào vùng cao. Tại thời điểm đó, tôi cũng nhận được ý kiến trả lời của Bộ trưởng. Và qua trả lời, tôi biết Chính phủ đã làm điều này nhưng chưa thường xuyên và Bộ trưởng có hứa coi đây là đề nghị có tính nhân văn cao cho nên sẽ xem xét báo cáo tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Vừa qua, tôi lại chất vấn lại câu hỏi này với Phó Thủ tướng Thường trực cũng như các Bộ ngành có liên quan về việc cấp gạo miễn phí một cách thường xuyên cho đồng bào vùng cao. Và rất vui, cho đến bây giờ tôi đã nhận được 3 văn bản trả lời của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đặc biệt là trả lời của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình.

Phóng viên: Xuất phát từ nguyên nhân nào đại biểu lại đề xuất Nhà nước cấp gạo miễn phí cho đồng bào vùng cao?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Xuất phát từ 2 nguồn gốc: Thứ nhất, mỗi lần đi công tác lên miền núi tôi thấy nhiều nơi đồng bào còn thiếu ăn. Mặc dù đồng bào cũng đã cố gắng, nỗ lực làm ra lương thực như trồng ngô, ngăn suối làm lúa nước,... nhưng hiệu quả vẫn thấp vì vùng núi cao điều kiện tự nhiên khó khăn cho việc trồng lương thực. Thứ hai, tôi không nhớ chính xác là Quốc hội khóa mấy nhưng khi đó tôi chưa phải là Đại biểu Quốc hội, tôi ngồi xem truyền hình, có 1 nữ đại biểu Quốc hội đã từng đề xuất như vậy. Thời điểm đó, vị đại biểu có nói: Việt Nam chúng ta là nước đã xuất gạo đứng thứ 2 trên thế giới thì rất mong Chính phủ sẽ cấp gạo miễn phí cho đồng bào vùng cao để đồng bào có gạo ăn yên tâm sống, bảo vệ biên cương, bảo vệ rừng. Sau đó, Chính phủ cũng đã có hành động nhưng mà thực tiễn tôi cảm thấy chưa hài lòng, vì vậy tôi rất cố gắng để nhắc lại đề nghị này.

Phóng viên: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 6492 trả lời chất vấn của đại biểu. Đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung tại văn bản trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng, văn bản của Phó Thủ tướng cũng như các Bộ ngành có liên quan nói chung?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi rất vui khi nhận được văn bản trả lời nhưng nói thật tôi chưa hài lòng với những việc mà Chính phủ đã làm. Nội dung trả lời của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, từ năm 2016 đến nay, Thủ tướng đã chỉ đạo cấp gạo không thu tiền để giúp đỡ các hộ khó khăn lúc giáp hạt, khi bị thiên tai trong đó chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Qua trả lời này chúng ta đều hiểu, Chính phủ đã rất nỗ lực làm điều này và tôi hiểu sâu sắc điều đó nhưng giúp đây là giúp cho tất cả mọi người và đặc biệt là khi bị thiên tai, khi giáp hạn. Tuy nhiên, chất vấn của tôi không dừng lại ở mức độ đó mà tôi đề nghị cấp gạo miễn phí cho tất cả đồng bào vùng cao và cấp thường xuyên chứ không phải khi giáp hạt, để từ nay trở đi đồng bào hoàn toàn yên tâm giữ đất giữ rừng. Nếu Chính phủ làm được như thế thì tốt hơn rất nhiều. Đó mới là ý tôi định chất vấn.

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại văn bản trả lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng có khẳng định việc Đại biểu Quốc hội đề nghị cấp gạo miễn phí cho đồng bào vùng cao là hoàn toàn phù hợp với quy định tại Nghị định số 75 của Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ cũng đưa ra giải pháp để đảm bảo thực hiện. Đại biểu nhận định như thế nào về giải pháp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Chính phủ và các Bộ ngành khác đã nêu ra?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi đọc và nghiên cứu rất kỹ cả 3 văn bản trả lời. Các giải pháp tập trung vào một số nội dung cơ bản sau: Thứ nhất, Chính phủ vẫn tiếp tục duy trì những chương trình hỗ trợ gạo cho đồng bào vùng cao khi giáp hạt, khi có thiên tai. Thứ hai, Chính phủ kêu  gọi, đề nghị đồng bào nỗ lực làm ra lương thực thực phẩm cho mình. Đó là giải pháp của Chính phủ tuy nhiên như tôi đã phân tích ở trên tôi cho rằng giải pháp như thế là chưa đủ để đảm bảo lương thực cho đồng bào vùng cao một cách thường xuyên, đảm bảo cuộc sống.

Phóng viên: Thưa đại biểu, theo quan điểm của đại biểu bên cạnh việc cấp gạo miễn phí cho đồng bào vùng cao nơi còn khó khăn, nghèo đói thì cần có những giải pháp căn cơ như thế nào để đồng bảo không phải di dân tự phát, yên tâm giữ rừng, giữ nước bảo vệ biên cương?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Về giải pháp, theo ý kiến riêng của tôi, tôi rất mong cấp gạo miễn phí cho đồng bào vùng cao một cách thường xuyên có định mức và cứ đến tháng đồng bào đến lấy gạo. Như vậy, đồng bào sẽ yên tâm để họ giữ rùng, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, đồng bào cũng yên tâm để giữ nguồn nước (đây là vấn đề lớn của nước ta, hầu hết nguồn nước chính từ các con sông của các quốc gia đổ vào Việt Nam).
Mặt khác, cấp đủ gạo cho đồng bào thì đồng bào mới có đời sống ổn định. Đây sẽ là chính sách an sinh tốt nhất, có lợi nhất để đồng bào yên tâm khỏi phải di dân. Nếu di dân sẽ để lại hậu quả to lớn trên nhiều lĩnh vực và điều cuối cùng nếu đồng bào đủ gạo ăn và sống ngay tại vùng biên cương, núi cao thì chính đó là bảo vệ Tổ quốc; mỗi 1 người dân sẽ trở thành cột mốc biên cương để khẳng định chủ quyền của đất nước. Vì vậy, tôi cho là ngoài việc cung cấp đủ gạo phải tổ chức các hoạt động khác như: chính sách về học hành; về khám chữa bệnh; kể cả vấn đề nâng cao nhận thức trong mọi mặt để làm cho cuộc sống vùng cao tiến kịp miền xuôi thì sẽ bền vững hơn rất nhiều.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh