ĐBQH NGUYỄN QUỐC HẬN: CẦN SỬ DỤNG CÓ HIỆU QUẢ CÁC KHOẢN ODA CHO ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

07/12/2018

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 05/06/2018 thuộc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau đã chất vấn về tình hình sử dụng các khoản ODA để thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngày 22/6/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 3299/BTNMT-BĐKH trả lời chất vấn của đại biểu.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà 

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản trả lời chất vấn như sau:

Thực trạng huy động vốn ODA cho ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 - 2015             

(Chương trình SP - RCC) đã huy động được khoảng 1,2 tỷ USD (Khoảng 27.000 tỷ đồng) hỗ trợ cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo cơ chế tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Văn bản số 8981/VPCP-QHQT ngày 10/12/2010) thì các nguồn vốn ODA tài trợ theo Chương trình SP-RCC sẽ được hòa vào ngân sách nhà nước và được bố trí, sử dụng theo nguyên tắc sau: Bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Bố trí cho các dự án đầu tư theo Chương trình SP - RCC; Cân đối ngân sách chung.

Trong giai đoạn này, ngân sách nhà nước còn rất khó khăn, nên nguồn vốn ODA huy động được từ Chương trình SP-RCC đã được bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu: 1.300 tỷ động (4,8%); 28 công trình thích ứng biến đổi khí hậu và 41 dự án trồng rừng theo Chương trình SP-RCC: 4.100 tỷ động (15,2%); còn lại 21.600 tỷ đồng (80%) được cân đối ngân sách chung để bố trí cho các công trình liên quan hay góp phần gián tiếp ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân như: công trình giao thông vận tải, thủy lợi, lâm sinh… tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Như vậy, việc sử dụng nguồn ODA này gián tiếp thực hiện các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và phù hợp tình hình kinh tế - xã hội của đất nước ta trong giai đoạn 2011 - 2015.

Giải pháp giai đoạn tới:

Trong thời gian tới, trong bối cảnh Việt Nam đã “tốt nghiệp ODA”, nhằm huy động và quản lý sử dụng có hiệu quả các khoản ODA ưu đãi cho ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai các giải pháp sau: Đề xuất hình thành dòng ngân sách riêgn cho ứng phó với biến đổi khí hậu trong hệ thống mục lục ngân sách nhà nước; Đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực từ xã hội để đầu tư các công trình thích ứng biến đổi khí hậu tại địa phương theo hình thức đối tác công - tư; Đề xuất hình thành một số quỹ chuyên biệt về ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta trong thời gian tới.

Đánh giá nội dung trả lời tại văn bản số 3299 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, cho rằng, Bộ trưởng đã trả lời chất vấn của đại biểu nhanh chóng, kịp thời, đúng trọng tâm. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhằm huy động và quản lý sử dụng có hiệu quả các khoản ODA ưu đãi cho ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai các giải pháp một cách quyết liệt, đồng bộ.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu đã chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Xin đại biểu cho biết cụ thể nội dung đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Tại kỳ họp thứ 5, tôi có chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc sử dụng nguồn vốn ODA để phòng chống biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của Chính phủ nguồn vốn ODA dành cho phòng chống biến đổi khí hậu chúng ta chỉ đầu tư trực tiếp 20%. Vì vậy, tôi muốn Bộ trưởng làm rõ việc sử dụng 80% còn lại của nguồn vốn này vào mục đích gì? Có phù hợp với quy định hay không?

Phóng viên: Sau khi nhận được văn bản chất vấn, ngày 22/06/2018 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 3299 trả lời chất vấn. Đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường?

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Tôi khá hài lòng với nội dung trả lời của Bộ trưởng tại văn bản. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thể hiện khá rõ trách nhiệm của Bộ trong trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, nhanh chóng, kịp thời, đúng nội dung, đúng trọng tâm. Trong nội dung trả lời cũng đã đề ra được các giải pháp để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Phóng viên: Thưa đại biểu, thực trạng huy động vốn ODA cho ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011-2015 hiện nay có những bất cập gì?

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Như trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì chúng ta cũng thấy, chỉ có 20% nguồn vốn ODA được huy động đầu tư trực tiếp cho các công trình ứng phó với thiên tai biến đổi khí hậu 80% còn lại hòa vào ngân sách để cân đối chung. Tôi không phản đối việc hòa vào ngân sách chung bởi vì ngân sách nhà nước cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Tuy nhiên, sử dụng chỉ có 20% vào việc phòng chống biến đổi khí hậu thì tôi lại chưa thấy thực sự hợp lý. Bởi trong thời gian qua, thiên tai, biến đổi khí hậu đã dẫn đến nhiều hình thái thời tiết cực đoan, gây hậu quả nghiêm trọng cho đời sống con người. Vì vậy, tôi nghĩ việc ưu tiên hàng đầu là phải bảo đảm tính mạng con người, sau đó mới tính đến việc phát triển kinh tế. Biết rằng 80% còn lại mặc dù xét cho đến cùng cũng là nhằm mục đích đầu tư để phát triển tuy nhiên việc đầu tư trực tiếp các công trình phòng chống biến đổi  khí hậu đang là đòi hỏi cấp thiết hiện nay.

Phóng viên: Tại văn bản trả lời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm huy động và quản lý sử dụng có hiệu quả các khoản ODA ưu đãi cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo ý kiến của đại biểu, những giải pháp này liệu có khắc phục được bất cập hiện nay?

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Các giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường đề ra, theo tôi cơ bản đáp ứng được khắc phục được một phần nào đó đối với các nguồn vốn đầu tư cho biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo tôi một trong những vấn đề cần quan tâm tới đây là cần đặt vấn đề phòng chống biến đổi khí hậu lên hàng đầu. Chúng ta cần tập trung các nguồn vốn, nguồn lực cao nhất để phòng chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các công trình phòng chống biến đổi khí hậu phải được các ngành, các cấp phân định cho rõ ràng để làm sao phân bổ nguồn kinh phí một cách công khai, minh bạch. Từ đó có cơ chế giám sát, theo dõi và phát huy được hiệu quả các công trình này cũng như tạo điều kiện để chúng ta huy động nguồn vốn cho phòng chống biến đổi khí hậu được tốt hơn.

Phóng viên: Đại biểu có đề xuất gì để việc huy động và sử dụng có hiệu quả các khoản ODA ưu đãi cho ứng phó với biến đổi khí hậu được hiệu quả?

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Để phòng chống với biến đổi khí hậu thì chúng ta cần rất nhiều nguồn vốn vì thiên tai địch họa và các vấn đề liên quan do biến đổi khí hậu gây ra chúng ta không lường trước hết được. Với những công trình phòng chống biến đổi khí hậu, vốn đầu tư cao cho nên cần rất nhiều nguồn vốn khác nhau. Vì vậy, chúng ta cần huy động tất cả các nguồn lực kể cả nguồn lực trong xã hội để làm sao huy động được nhiều nguồn nhất. Bên cạnh đó, khi đã có nguồn vốn cần lưu ý đầu tư một cách có hiệu quả cho các công trình thích ứng biến đổi khí hậu.

Phóng viên: Theo quan điểm của đại biểu, để xảy ra bất cập trong huy động cũng như sử dụng nguồn vốn ODA cho ứng phó với biến đổi khí hậu thì trách nhiệm thuộc bộ, ngành hay cơ quan nào?

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Tôi rất chia sẻ với ngân sách nhà nước hiện nay còn khó khăn. Việc hòa 80% vào ngân sách nhà nước để điều hòa chung thì đó là việc làm cũng rất là cần thiết cho nên tôi không quy trách nhiệm cho Bộ, ngành nào trong việc phòng chống biến đổi khí hậu vừa qua. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ muốn gửi gắm tới tất cả các Bộ, ngành có liên quan được giao nhiệm vụ phòng chống đối với biến đổi khí hậu thì phải cố gắng hơn nữa, cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ này bởi đây là vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp tới sinh mạng của con người.  

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh